Học nghề để vươn lên ấm no
- Tây Y
- 21:41 - 07/05/2017
Dạy cái nông dân cần
Thuận Bắc là huyện còn nghèo, đa số lao động đều làm nông, trong đó phần lớn là dân tộc Chăm. Trước kia họ luôn nghĩ rằng làm nông thì cần gì phải học. Nhưng rồi, tư duy ấy đã dần thay đổi, nhu cầu học nghề của người dân ngày càng cao. Học nghề chính là đòn bẩy để nâng chất lượng cuộc sống lên. Tuy nhiên muốn đạt hiệu quả, cần phải dạy nghề nông dân cần.
Để tạo ra luồng đột phá trong nếp nghĩ của những thôn xóm, huyện Thuận Bắc đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận và một số cơ sở dạy nghề khác vừa dạy trên lớp vừa xuống cơ sở với phương pháp chỉ dẫn kỹ thuật tại hiện trường, vừa dạy vừa lý giải cho người dân hiểu tầm quan trọng của học nghề. Phương pháp này đã thu hút nhiều lao động hăng say học các nghề như; kỹ thuật trồng bắp, lúa lai theo mô hình “1 giảm, 5 phải”; chăn nuôi bò, heo, dê, cừu; kỹ thuật đan lát, may mặc. Sau đào tạo, các học viên ứng dụng kiến thức được ngay, từ đó áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Nhiều mô hình kinh tế đã được triển khai thành công. Tiêu biểu như mô hình đan lát tại xã Phước Chiến; mô hình nuôi heo đen, dê, bò vỗ béo tại xã Bắc Sơn; mô hình “1 phải, 5 giảm” tại xã Bắc Phong.
Nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ học nghề nuôi bò
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Thuận Bắc, trước khi đào tạo, đã cử cán bộ đi khảo sát ở các địa phương để tìm hiểu nhu cầu học nghề trên cơ sở sản xuất cụ thể ở địa phương, khả năng phát triển trong hiện tại và tương lai ra sao... Từ đó chọn nghề nông dân cần. Riêng trong năm 2016, huyện đã tổ chức 9 lớp đào tạo nghề cho hơn 500 người, trong đó chủ yếu là nông dân và người dân tộc thiểu số. Đặc biệt những học viên còn trẻ có nguyện vọng đi làm trong các doanh nghiệp, huyện sẽ giới thiệu và kết nối. Vài năm trở lại đây đã kết nối cho trên 400 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong năm 2017 này tiếp tục phấn đấu mở khoảng 20 lớp dạy nghề ngắn hạn cho nông dân, người lao động có nhu cầu.
Mở hướng thoát nghèo
Một số học viên là nông dân người Chăm ở xã Phước Chiến chia sẻ, được học nghề, tiếp cận tiến bộ kỹ thuật về nông nghiệp, áp dụng thấy hiệu quả nên học viên và nhiều đồng bào thay đổi hẳn tâm lý ngại học nghề trước đây. Học để có cuộc sống mới ấm no hơn, đầy đủ hơn. Đó không phải là ước mơ xa vời vì nhiều người đã thử nghiệm và chứng minh rồi.
Vừa thu lợi được 80 triệu từ việc xuất bán bò vỗ béo, chị Đạo Thị Nhung ở xã Bắc Sơn phấn khởi cho biết, trước đây nuôi bò, nuôi dê cứ thả rông ra vậy thôi, thời tiết thay đổi là vật nuôi đỗ bệnh, còi cọc và chết suốt. Từ khi học nghề xong biết khi trời nắng chăm sóc ra sao, trời mưa cho bổ sung thức ăn gì, khi vật nuôi chán ăn thì chăm sóc thế nào… Thế là bò, dê cứ lớn vùn vụt, bỏ vốn đến đâu thu lời đến đó.
Nhiều hộ dân ở xã Bắc Phong sau khi học nghề xong và được hướng dẫn áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” cũng đã vươn lên thoát nghèo. Ông Đạo Tấn Phúc cho biết, trước đây, đồng bào Chăm mình chỉ biết vãi lúa ra thôi, không biết cách ủ hạt nên lúa hay bị bệnh, lúc bị bệnh cũng không biết chăm sóc nên làm nhiều mà vẫn nghèo, có lúc phải ăn bo bo. Sau khi học nghề kỹ thuật trồng lúa mình biết rõ mô hình “1 phải, 5 giảm” nghĩa là phải sử dụng giống xác nhận nguồn gốc rõ ràng, còn “5 giảm” bao gồm giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch. Ngoài nhuần nhuyễn công thức này thì các kỹ thuật khác cũng thành thạo. Từ đó, gia đình ông Phúc cùng thôn xóm của mình đã biết cách làm đất, gieo hạt sao cho lúa khỏe mạnh, diệt con bệnh làm sao cho không ảnh hưởng đến lúa.