THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:59

Tây và ta lập ban nhạc công viên

 

Công viên 23/9, TP.Hồ Chí Minh một chiều cuối tuần rộn ràng bởi tiếng đàn hát vui tươi, níu kéo bước chân người qua lại của một nhóm nhạc gồm các tay đàn, tay trống, harmonica, sáo...

Tay chơi nhạc đa năng

Nhiều khách vãng lai quá hào hứng lập tức trở thành ca sĩ chính, thoải mái thể hiện những bài hát mình yêu thích với sự phụ họa của các nhạc công. Nhóm nhạc có lúc thu hút 40, 50 người vây quanh. Nhóm chỉ mới thành lập được ba tháng với sự khởi xướng của anh chàng chơi đa năng nhạc cụ gồm sáo, mandolin, guitar người Ecuador tên Shiwaycuji (Shiway). Shiway vốn là dân chơi nhạc chuyên nghiệp, từng biểu diễn ở những buổi hòa nhạc lớn khắp châu Âu. Duyên phận đưa đẩy khi Shiway phải lòng cô Vợ Việt và đi theo tiếng gọi tình yêu về quê vợ.

Trong một lần tình cờ ra công viên thấy hai người Việt chơi guitar ở hai góc công viên riêng rẽ, Shiway kết nối họ lại và đề nghị lập một nhóm nhạc chơi cho xôm tụ. Do đó, tên nhóm nhạc cũng đặt theo tên bài hát dân ca nổi tiếng của Nam Mỹ là El Condor Pasa, mang nghĩa một giống chim thỏa sức giang đôi cánh rộng khám phá, săn tìm mồi.

Từ ba thành viên, nhóm dần quy tụ thêm vài người chơi nhạc thường xuyên vào cuối tuần. Điều trùng hợp là tất cả đều đi ngang công viên và tình cờ thấy nhóm nhạc biểu diễn nên xin tham gia. Họ gồm thầy giáo dạy tiếng Anh, thầy giáo dạy nhạc, cô ca sĩ hát phòng trà, cô nhân viên bán hàng, ông Tây bán trống người Thụy Điển qua Việt Nam du lịch

Chơi nhạc ở công viên. Ảnh: HOÀNG LAN

Âm nhạc không biên giới

Men theo tiếng nhạc tìm đến, anh Lê Văn E, tài xế taxi trong thời gian chờ khách, nghe say sưa những bài hát nổi tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp La Cumpasita, Tombe le neige, Besame mucho… đầy sôi động. Anh thích thú bảo: “Không ngờ Tây lại chơi hòa điệu với ta như thế. Vào công viên ít phút nghe những điệu nhạc này thư giãn thật đã!”. Còn Ference, du khách người Đức ngồi lắc lư theo từng điệu nhạc như một minh chứng rằng âm nhạc có thể xóa nhòa mọi khoảng cách văn hóa và kết nối tâm hồn không biên giới.

Chơi được một lát, nhóm chuyển sang biểu diễn những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Y Vân, Việt Anh… theo yêu cầu của một số sinh viên. Một nhóm người đứng tuổi muốn hát bài Về quê của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Người hát càng hay thì người chơi cũng đánh càng hay, phiêu diêu rụng rời. Anh Lê Tâm Trí, thành viên chơi guitar của nhóm, chia sẻ: “Ngồi ở đây tôi gặp nhiều bạn trẻ là sinh viên, dù thời gian không dư dả nhưng cố gắng bán từng thanh kẹo, cái bông để gây quỹ giúp người nghèo khiến tôi rất cảm mến. Chúng tôi không làm được những việc đó thì cùng nhau chơi nhạc, như đem lại món ăn tinh thần cho mọi người”.

Anh Trí kể một kỷ niệm vui: Có một vị khách Tây sau khi thưởng thức vài bản nhạc nhóm chơi đã rút tiền ra tặng. Anh phải rối rít xua tay nói: “No, no, just for fun” (chúng tôi chỉ biểu diễn cho vui thôi) rồi đem cho lại em bé bán kẹo cao su. Thế rồi có nhóm bạn đang gây quỹ giúp trẻ em bất hạnh tin tưởng đã nhờ anh soạn một bài nhạc cho nhóm ráp nhảy trong đêm gây quỹ…

Chắc rằng khi lời ca, tiếng nhạc khép lại thì mỗi người ra về đều có những nỗi lo toan cho riêng mình. Nhưng giữa đám đông, khi âm nhạc cất lên thì ở đó chỉ có tình yêu âm nhạc và niềm vui làm đẹp cho cuộc đời. (Mời bạn đọc xem clip biểu diễn trên www.plo.vn).

Âm nhạc đường phố là loại hình trình diễn ngoài trời khá phổ biến ở phương Tây, không phân biệt bất kỳ phong cách âm nhạc nào, đơn giản chỉ là diễn và diễn, phục vụ người xem bằng lửa nhiệt tình và tài năng của nghệ sĩ. Người qua lại thấy thích thì đứng lại nhìn hay ngồi nghe, vỗ tay khen ngợi và có thể thưởng vài đồng bạc lẻ. Nở rộ trong thời gian gần đây tại TP.HCM, loại hình này đã tô điểm thêm bộ mặt thành phố. Âm nhạc đường phố vừa giúp những người chơi nhạc trải nghiệm, đồng thời tạo thêm hình thức giải trí phục vụ người dân cũng như khách du lịch trong điều kiện thành phố còn thiếu nhiều sân chơi giải trí cộng đồng. Không riêng Công viên 23/9, ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) vào buổi tối cuối tuần cũng có nhiều nhóm bạn trẻ đam mê nghệ thuật tụ tập để giao lưu và trình diễn.

Những nhóm nhạc đường phố biểu diễn trên phố đị bộ thu hút đông đảo người xem.  Ảnh: HOÀNG GIANG

Sân chơi âm nhạc đường phố không chỉ là nơi để giải trí mà còn kích thích giới trẻ thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật, tạo ra một thói quen thưởng thức văn hóa, từ đó làm lành mạnh hóa đời sống tinh thần của giới trẻ.

Bạn TRẦN NGỌC THANH TUYỀNĐH Tài chính - Marketing thường hát góp vui với nhóm nhạc

Theo Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh