THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:20

Ấm áp Tết quê

 

Tất niên về sớm

Từ 20/12 âm lịch, khi công việc đồng áng đã gần như hoàn tất, cũng là lúc không khí Tết đã len lỏi trong mỗi gia đình nơi thôn dã. Những con lợn nuôi lâu ngày được mang ra làm thịt, những bữa cơm Tất niên ấm cúng diễn ra sớm hơn và được kéo dài lần lượt qua các nhà. Bên cạnh mâm cơm Tất niên sớm là những rá gạo nếp trắng phau, hạt tròn trĩnh đã được ngâm chờ để gói bánh, kế bên là rá đỗ xanh vàng ươm đãi sạch vỏ, cùng với những miếng thịt ba chỉ thái dài ướp gia vị, hạt tiêu thơm phức. Xấp lá dong xanh ngắt được rửa sạch và cắt cuống bằng chằn chặn, bó lạt giang trên gác bếp được lấy xuống ngâm nước cho mềm. Tất cả đã sẵn sàng để có một nồi bánh chưng đón Tết.

 

Không khí ấm cúng trong mỗi gia đình ngày giáp Tết Nguyên đán.


Vừa bỏ miếng trầu nhai rộp roạp khỏi miệng, cụ Hiên xấp xỉ tuổi 80 hào hứng: “Mỗi nhà vài cân gạo, không nhiều nhưng tụ tập mấy người cùng nhau gói cho nhanh mà lại vui nữa. Dù có khuôn nhưng mọi người vẫn thích gói bằng tay để vỗ cho cái bánh được chặt, khi luộc chín bánh sẽ rền hơn. Nhiều năm, nếu có thời gian gói xong còn thi chấm điểm xem ai gói đẹp hơn để Tết sang năm còn bị... nhờ gói tiếp. Cứ như vậy, lần lượt đến các nhà, nhà nào chuẩn bị gạo, đỗ xong thì gói trước. Ăn chẳng bao nhiêu đâu, nhưng để có không khí Tết. Việc nấu bánh chưng bây giờ cũng nhàn rồi, các gia đình đều nấu vào ban ngày, chứ không phải thức đêm hôm như trước nữa. Gói ít, ăn hết đến giáp Tết hoặc ra ngoài Tết lại gói tiếp, không phải để dành như ngày xưa”.

“Ba ngày Tết, ăn chẳng là bao nhưng bọn trẻ thích nên ngoài bánh chưng, thì các gia đình vẫn gói thêm bánh rợm (bánh nếp), bánh tẻ, bánh rán, bánh gai, nhà nào có thời gian còn làm thêm nhiều loại bánh khác nữa. Nghĩ cho cùng cả năm làm lụng vất vả rồi, nhiều hay ít thì cái Tết cũng phải cho tươm tất một chút để không khí năm mới thêm vui hơn, cũng là để động viên những thành viên trong gia đình qua một năm lao động vất vả…”, hai tay nâng niu những chiếc bánh vuông vắn vừa gói xong xếp ngay ngắn vào nồi, chị Thanh kể.

 

Lá dong và lạt giang được chuẩn bị gói bánh chưng.


Nở nụ cười đôn hậu, cụ Khải, 84 tuổi say sưa kể: “So với ngày xưa thì đời sống của người dân ở nông thôn bây giờ khá hơn rất nhiều. Thường thì mọi người mổ lợn rất sớm (từ 20/12 âm lịch) rồi làm mấy mâm cơm Tất niên để mời ông bà, cha mẹ, anh chị em và hàng xóm cùng chung vui và lấy thịt để làm nhân bánh chưng, đỡ phải đi mua thịt ở chợ. Cứ như vậy, lần lượt lại mời nhau dùng bữa cơm Tất niên ở nhà khác kéo dài tới tận chiều 30 Tết. Có nhiều nhà mổ con lợn rất to, trên dưới 1 tạ nhưng cũng chỉ ăn một mình hoặc hai, ba người khác ăn đụng trước, sau đó lại lấy thịt của nhà mổ sau để ăn Tết. Của nhà nuôi được nên ăn miếng thịt thơm ngon và yên tâm nữa”.

Thường thì trong những bữa cơm Tất niên sớm này, những cụ cao niên hay ôn lại chuyện ngày xưa một thời khó khăn, vất vả, lam lũ như thế nào mới có được cuộc sống đủ đầy hôm nay để răn dạy con cháu. Cũng là để qua đó như một lời động viên, nhắc nhở các con, cháu không quên một thời gian khổ, bát cơm độn ngô, khoai sắn.

 

Những cây củi được chẻ nhỏ, phơi khô dùng để nấu bánh chưng.

 

 Nặng lòng với Tết quê

Đưa mắt nhìn những nụ đào ngoài vườn đang e ấp nở, cụ Vịnh, 79 tuổi bồi hồi nhớ lại: “Thời trước nghĩ mà cực, thịt mỡ còn không có để ăn, nói gì đến lợn mổ cả con như bây giờ. Giờ đây dù cuộc sống ngày một khấm khá, nhưng những gì thuộc về Tết cổ truyền đối với những người dân quê quanh năm chân lấm tay bùn thì không thể bị lãng quên. Như dưa hành chẳng hạn, Tết mỗi nhà ít nhiều cũng có một vại. Củi khô để đun Tết không thể thiếu. Cứ đến giữa tháng 10 âm lịch, các gia đình đều chặt những cây keo, xoan, mỡ, bồ đề ở vườn nhà hoặc đi mua về bổ nhỏ, phơi nắng. Chọn những gióng giang thẳng, bánh tẻ để chẻ lạt và gác lên gác bếp để cuối năm buộc bánh chưng và gói giò lợn. Ngoài ra, những nhà có cụ già thì món trầu cau, rễ chay và cối giã trầu phải được chuẩn bị chu đáo, đủ ăn trong mấy ngày Tết.

 

Bánh chưng đã gói xong...

...được xếp ngay ngắn vào nồi để nấu.


“Tết đến đối với người dân quê mình bây giờ đỡ vất vả hơn trước rồi con ạ. Việc cấy hái cũng xong sớm hơn để có thời gian sắm Tết. Mặc dù đã có sẵn thịt lợn, thịt gà nuôi được, nhưng như đã thành thông lệ nên người dân đều không thể bỏ qua phiên chợ 30 Tết. Bởi ai cũng muốn đi nốt phiên chợ của năm cũ cũng là để mua thêm muối mắm, gia vị và những thứ cần thiết phục vụ cho ngày Tết...”, bà Xuân khoe.

 

 

Tôi xa quê đã lâu, nhưng năm nào cũng về quê ăn Tết, thấy quê hương thay đổi từng ngày, những ngôi nhà lợp bằng lá cọ đã được thay thế bằng mái ngói đỏ tươi. Bất giác tôi nhận thấy điều vĩnh cửu luôn hiện hữu nơi đây - mảnh đất đã nuôi tôi khôn lớn, đó chính là tình người nồng ấm, tình làng nghĩa xóm mỗi khi tắt lửa tối đèn như đang hòa quyện với không khí Tết. Mỗi đường làng, ngõ xóm đều sạch sẽ và tràn ngập sắc xuân. Tết đã về và gõ cửa từng nhà. Mâm cỗ Tất niên chiều 30 Tết trong mỗi gia đình cũng đã được bày biện trang nghiêm.

Gió đông về thổi nhẹ, những hạt mưa xuân lất phất bay. Cầm trên tay một cành đào nở đầy lộc và hoa, sắc đào đỏ thẫm khẽ rung rinh trước gió, đứa cháu hai tay kính cẩn mang tặng ông. Đằng xa vang lên những tiếng nổ tí tách của pháo diêm vừa được lũ trẻ hò nhau đốt.   

CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
2 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh