THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:43

Ai lên xứ Lạng...

 

Người ta ví, nếu Hà Tiên cực Nam của Tổ quốc có “Hà Tiên thập vịnh”, thì xứ Lạng cực Bắc của Tổ quốc có “xứ Lạng bát cảnh”. Chính vì thế không phải chỉ có hai cha con Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhiệm có những tuyệt tác thơ về cảnh sắc xứ Lạng, mà từng là nguồn cảm tác của rất nhiều bậc văn sĩ có dịp đặt chân lên xứ sở này. Núi Tam Thanh, núi Nhị Thanh tuy không cao, nhưng lại trở nên nổi danh vì nhờ có những bài thơ phú của các bậc văn nhân khắc trên vách đá. Một Hiệp trấn Lạng Sơn thời Minh Mệnh (1825) có bài thơ đề ở động Nhị Thanh khẳng định sự hùng tráng linh thiêng của sông núi xứ Lạng: “Xưa có Tam Thanh nay Nhị Thanh/ Thanh Thanh đều ở Lạng Sơn thành/ Động tiên đầy khắp thơ đề vịnh/ Núi chẳng cao mà được nổi danh”.

Thực vậy, xứ Lạng nổi danh không chỉ vì có cảnh non xanh nước biếc, mà còn bởi có biết bao hang động được các danh nhân văn hóa đề, khắc thơ trên vách đá, và biết bao văn bia với tư tưởng chủ đạo là tư tưởng tam giáo (Nho, Phật, Lão) ghi lại những công đức của biết bao bậc hiền nhân tận trung, tận tiết trấn thủ vùng đất biên cương giữ cho quốc mạnh trường tồn…Chính vì thế du khách lên với xứ Lạng là lên với một vùng di tích lịch sử, văn hóa để hiểu hơn các bậc tiền nhân trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc.

 Đường lên đỉnh Mẫu Sơn quanh co, ẩn hiện trong bồng bềnh mây trắng đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Khu di tích Chi Lăng và thành nhà Mạc là một ví dụ. Nằm trong quần thể khu danh lam thắng cảnh Nhị - Tam Thanh (TP. Lạng Sơn), thành nhà Mạc xưa là một căn cứ quân sự hiểm yếu. Trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, hiện còn hai đoạn tường thành xây bằng đá giữa hai hiểm núi, là một di tích kiến trúc quân sự rất độc đáo. Nay cùng với Tô Thị (dựng lại), thành nhà Mạc được xây dựng thành khu du lịch với diện tích trên 11 ha. Đến với khu du lịch này, du khách còn được tham quan những hang nước ngầm trong veo tận lưng chừng núi, với những hang động kỳ thú đang dần phát lộ…Những năm gần đây, xứ Lạng thực sự thu hút một số lượng  đông đảo du khách nước ngoài, đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau, nhưng cùng chung một sở thích mạo hiểm khám phá các hang động…Đây là một thế mạnh của du lịch xứ Lạng. Bởi lẽ, về mặt khảo cổ học xứ Lạng là nơi phát hiện di tích hóa thạch người vượn (Homo eretus), hóa thạch người khôn ngoan (Homo sapiens sapiens) và hơn 50 di chỉ hang động văn hóa Bắc Sơn, đánh dấu mốc quan trọng của tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á.

Hiện nay, ngoài hai hang: Thẳm Khuyên, Thẳm Hai là hai nơi phát hiện di tích người vượn và động Tam, Nhị Thanh đã đi vào ca dao dân ca ra, ở xứ Lạng còn có hàng chục hang động khác đang ngày càng hấp dẫn du khách. Đó là những hang động đã được khám phá và giới thiệu trong tập sách ảnh “Kỳ quan hang động Việt Nam”do Trường Đại học khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội) và Trung tâm bản đồ và tranh ảnh giáo dục xuất bản (2001) như: Canh Tao, Mỏ Rệ, Mỏ Nghiến, hang Trệt (Bắc Sơn); Thẳm Oây, Pắc Nàng, Rù Mooc (Bình Gia); Cả Bè, Tù Binh, hang Dơi (Hữu Lũng)…Hệ thống hang động này luôn là một thế giới kì bí, một vẻ đẹp huyền ảo, với suối khe róc rách trong veo, với muôn hình nghìn vẻ của những nhũ đá được tự nhiên “điêu khắc” nên qua thời gian được tính bằng nhiều triệu năm. Nào những ông tiên, những hổ phục, nghê trầu, hươu, nai, bầu vú…tất cả đều sinh động cứ như được sáng tạo bởi những nhà điêu khắc tài danh.

Động Tam Thanh nơi trên vách có khắc một tuyệt tác thơ của Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780), khi ông làm đốc trấn Lạng Sơn.

 Đến với những hang động này, du khách như đi vào những mê cung của một thế giới thần tiên, để hồn mình nhập vào linh khí của trời đất mà quên đi bao hệ lụy phàm trần. Những nhà nghiên cứu hang động cho rằng: “Hang động là tiếng gọi về cội nguồn, vừa mang tư cách trang điểm cho tự nhiên, vừa mang vẻ đẹp tâm linh đầy thánh thiện…”. Điều này càng đúng với hệ thống hang động xứ Lạng, có Thẳm Khuyên và Thẳm Hai (là hai nơi phát hiện di tích người vượn). Từ khi quốc lộ 1B –“đường Bắc Sơn – Đình Cả - Thái Nguyên” (thơ Tố Hữu) -được nâng cấp thì du khách đến với hai hang động này càng đông hơn. Điều kỳ thú hấp dẫn du khách là có một số hang động ở xứ Lạng còn lưu lại những bút tích về những áng văn thơ tuyệt tác, của những bậc văn nhân danh tiếng khắc trên những vách đá.

Du khách đến vời những hang động như Tam Thanh, Nhị Thanh, chùa Tiên…không chỉ thấy tâm mình tĩnh lại mà còn như đang được trò chuyện, được cảm thông, chia sẽ trước vẻ đẹp lung linh kì ảo của hang động với người xưa, với qúa khứ, qua những áng văn thơ kia. Về vẻ đẹp của phong cảnh núi non, hang động của xứ lạng, từng được đốc trấn Ngô Thì Sĩ ngợi ca trong bốn câu thơ khắc trên lưng núi Háng Slẹc: “Núi xanh mày vẽ nước thoa dầu/ Nào thấy anh hùng dấu cũ đâu?/ Khách vụng duyên may gặp tri kỷ/ Người đây cảnh đấy khó phân li”. Người xưa đã yêu say đắm những danh lam thắng cảnh mà thiên nhiên hào phóng đã ban tặng cho xứ Lạng đến vậy, thì người nay làm sao lại có thể vô cảm trước những vẻ đẹp kỳ vĩ ấy? Có thể nói du lịch xứ Lạng (nhất là du lịch hang động) đang được đánh thức tiềm năng, đang có thời cơ và vận hội mới.

Tuy nhiên, để cho du lịch hang động thật sự thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước, thì ngành du lịch phải có quy hoạch bảo tồn và khai thác một cách khoa học hợp lý, tránh can thiệp một cách thô thiển vào những gì mà thiên nhiên đã tạo ra. Vụ nàng Tô Thị là một bài học đắt gía về công tác bảo tồn những danh lam thắng cảnh thuộc di sản vật chất, mà tạo hóa đã ban tặng cho xứ Lạng. Hy vọng từ sau bài học ấy, những nhú đá với bao hình thù tuyệt mỹ, sinh động sẽ không bị đục đem bán cho những tay chơi hòn non bộ…Và xứ Lạng cứ mãi là một vùng núi non hấp dẫn du khách như bài ca dao từng mời gọi : “Ai lên xứ Lạng cùng anh/ Bõ công bác mẹ sinh thành ra em…”

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh