THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:36

AgriBank Cầu Giấy “khắc phục” việc làm sai bằng cái sai tiếp?

 

Nhiều dấu hiệu làm trái nguyên tắc và thiếu trách nhiệm
Trở lại từ việc định giá tài sản bảo lãnh của Công ty cổ phần Thành Nam (Công ty Thành Nam) cho Công ty Hà Ninh thế chấp để vay vốn “được” điều chỉnh định giá 2 lần chỉ trong thời gian ngắn. Với lần 1 định giá hơn 30 tỷ, được vay 20 tỷ đồng và lần 2 định giá lại lên hơn 40 tỷ và được vay thêm 10 tỷ (tức là tổng tài sản thế chấp hơn 40 tỷ, được vay 30 tỷ đồng).

 

Ảnh: phuthanh.com.vn

Theo quy định của ngân hàng thì việc tài sản đảm bảo vay vốn phải được định giá theo quy định, do bộ phận (phòng, ban) có chức năng thẩm định, định giá riêng hoặc do một bên thứ 3 do Ngân hàng thuê để định giá độc lập để đảm bảo tính chính xác. Song, việc định giá trong trường hợp này có dấu hiệu của việc “thổi” giá trị tài sản đảm bảo lên để “dọn đường” cho việc giải ngân thêm vốn vay. Nếu trong trường hợp các công ty không có khả năng trả nợ, tiền thất thoát khi giá trị tài sản bị phát mại thấp hơn giá trị cho vay, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?
Bên cạnh đó, trong các biên bản họp Hội đồng thành viên của Công ty Hà Ninh về kế hoạch và phương án vay vốn bằng ngoại tệ tại Ngân hàng Agribank Cầu Giấy, một trong những giấy tờ có trong hồ sơ vay vốn của công ty này. Đến nay, ông Thiều Khắc Phương, 1 trong 2 thành viên góp vốn của công ty đang tố cáo bị giả mạo chữ ký, đã báo với cơ quan công an việc bị kí giả thì hồ sơ vẫn “lọt” cửa ngân hàng để giải ngân cho thấy dấu hiệu của việc thiếu trách nhiệm của ngân hàng trong kiểm tra, thẩm định, xác nhận hồ sơ...
“Ngay cả nhiều thành viên của công ty Văn Lang cũng không biết mình có sổ tiết kiệm tại ngân hàng. Không hiểu, quy định phải có chứng minh nhân dân và người gửi phải kí trước mặt cán bộ ngân hàng có được thực hiện hay không? Chỉ biết, hàng chục sổ tiết kiệm này có biểu hiện của việc “móc ngoặc” giữa công ty Văn Lang, Công ty Hà Ninh với ngân hàng để gửi tiết kiệm 7% từ chính nguồn vốn vay ưu đãi 3% của Công ty Hà Ninh. Nếu các cơ quan chức năng điều tra, truy vấn về nguồn tiền và dòng tiền chắc chắn sẽ rõ.” Bà Nguyễn Thị Hoa, đại diện bên có tài sản đảm bảo cho Công ty Hà Ninh vay vốn tố cáo.
Thỏa thuận do Ngân hàng Agribank Cầu Giấy lập tiếp tục sai?
Theo thông báo xử lý tài sản đảm bảo lần 3 gửi Công ty Thành Nam (do bà Hoa làm Giám đốc) và gửi Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hà Thanh (là Công ty Hà Ninh thay đổi tên) thì Công ty Hà Thanh không thực hiện trả nợ lãi vay tại Agribank Cầu Giấy, tính đến ngày 31/5/2015, cả dư nợ gốc và lãi quá hạn tổng cộng là hơn 2 triệu 306 nghìn USD. Nếu trong ngày 2/6/2015, mà Công ty Hà Thanh không trả nợ gốc và lãi vay thì tài sản đảm bảo cho dư nợ gốc của Công ty Thành Nam là hơn 30 tỷ đồng (Trường mầm non tư thục VietKids) sẽ bị phát mại.
Đến ngày 21/7/2015, Agribank đã tổ chức họp và lập biên bản với các bên để giải quyết việc trả nợ của Công ty Hà Thanh. Theo biên bản, các bên đã thỏa thuận giải quyết công nợ giữa Công ty Hà Thanh với Agribank và giải chấp tài sản. Theo đó Công ty Thành Nam đã chỉ đạo ông Nguyễn Văn Tiến, cổ đông của Công ty chuyển nhượng vốn góp tại một Công ty khác với số tiền là 6,6 tỷ đồng để Công ty Thành Nam trả nợ thay cho Công ty Hà Thanh. Thực tế số tiền trên đã nộp và thanh toán nợ thay và Agribank Cầu Giấy đã tự động trích từ tài khoản của Công ty Hà Thanh để thu nợ số tiền này...
Tuy nhiên, sau đó, ông Đỗ Văn Độ, Giám đốc Chi nhánh Agribank Cầu Giấy không đồng ý cho giải chấp và yêu cầu nộp thêm một khoản tiền nữa. Bức xúc vì đã thực hiện nghĩa vụ đúng theo Biên bản thống nhất giữa các bên nhưng lại không được giải chấp, ngày 4/8/2015, Công ty Thành Nam (một trong những công ty có tài sản đảm bảo cho Công ty Hà Thanh vay vốn) đã ra thông báo nội dung sẽ khiếu nại, tố cáo ông Độ về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trong khi thi hành công vụ”.
Sau đó, tài sản đảm bảo của Công ty Thành Nam – Trường VietKids, đã được giải chấp tuy nhiên với “điều kiện” bà Hoa phải thế chấp tài sản thay thế là căn hộ 1115 R1-72A Nguyễn Trãi, Hà Nội trị giá 5,5 tỷ đồng cho vay tối đa là  4,1 tỷ đồng.
Điều đáng nói ở đây là tại Điều 3, biên bản thỏa thuận do Agribank Cầu Giấy lập ngày 14/8/2015, tài sản căn hộ 1115 R1-72A Nguyễn Trãi lại được thay thế cho tài sản đảm bảo là Trường mầm non tư thục VietKids của Công ty Thành Nam, để đảm bảo cho dư nợ gốc tối đa là 2 tỷ đồng. Khi Công ty Hà Thanh hoặc chủ sở hữu căn hộ 1115 R1-72A Nguyễn Trãi trả nợ số tiền gốc tương đương với 2 tỷ đồng và lãi kèm theo của số tiền gốc đó thì Agribank Chi nhánh Cầu Giấy sẽ tiếp hành giải chấp tài sản căn hộ 1115 của ông Tiến, bà Hoa.
Như vậy, từ một tài sản đảm bảo vay vốn là Trường mầm non tư thục VietKids được định giá hơn 40 tỷ, Agribank Cầu Giấy cho vay hơn 30 tỷ đồng. Sau khi được trả 6,6 tỷ đồng và đến khi thay thế tài sản đảm bảo chỉ là căn hộ trị giá 5,5 tỷ đồng, nhưng lại được ngân hàng “hào phóng” thỏa thuận chỉ cần trả 2 tỷ đồng.
Phải chăng Agribank Cầu Giấy đang tiếp tục làm sai để “khắc phục” hậu quả cho nhiều dấu hiệu làm sai trước đó? Câu trả lời xin dành cho các cơ quan có thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra, điều tra.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh