THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:24

9X Việt được 5 ĐH tốt nhất thế giới “trải thảm” mời học tiến sĩ

Không bao giờ quá trễ để theo đuổi đam mê…

Tháng 2 vừa qua, Nguyễn Quang Thông nhận tin vui từ 5 trường đại học hàng đầu Mỹ và thế giới: Học viện công nghệ Caltech, ĐH Columbia, ĐH Michigan, ĐH Illinois và ĐH Maryland. Cả 5 trường đều cấp học bổng tiến sĩ vật lý toàn phần cho Nguyễn Quang Thông với trị giá tương đương nhau (khoảng 8,6 tỉ đồng cho 5 năm).

 Trong đó, không thể không nhắc đến tên tuổi “đình đám” nhất thế giới - Viện công nghệ California (Caltech) - Califonia Institute of Technology.

 Ngôi trường này liên tục giữ vị trí quán quân quân bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới theo xếp hạng của tạp chí Times Higher Education – Anh (thứ 8 thế giới theo U.S.News & World Report - Mỹ) trong nhiều năm qua; hay Đại học Columbia xếp thứ 10 thế giới (thứ 4 trường ĐH tốt nhất Mỹ theo U.S.News & World Report); Đại học Michigan (thứ 23 thế giới)…

 Quang Thông cho hay, cậu quyết định sẽ tới Caltech “thánh đường khoa học toàn cầu” để tiếp tục theo đuổi đam mê vật lý vào tháng 9 tới.

 Vốn thích vẽ và nghệ thuật từ nhỏ, nên lớp 12 cậu học trò chuyên lý của THPT Hà Nội – Amsterdam quyết định thi vào khoa Kiến trúc công trình trường ĐH Kiến trúc Hà Nội thay vì theo đuổi vật lý. Học được 1 năm, Thông nhận tin trúng tuyển học bổng đại học toàn phần trường University of Texas at Dallas (Mỹ) và sang Mỹ du học.

Thông và và giáo sư Vật lý Joseph Izen của ĐH Texas-Dallas thăm máy gia tốc hạt ở Trung tâm Vật lý nguyên tử châu Âu CERN
 Năm đầu tiên, anh chàng chọn chuyên ngành kỹ thuật máy tính với mong muốn có một tương lai tương sáng vì đây là một nghề dễ “ăn nên làm ra” sau khi tốt nghiệp. Đến kỳ học thứ 2, Thông được học với một giáo sư tên là Joseph Izen, một người thầy có cách dạy vật lý hoàn toàn khác với cách cậu học vật lý trước đó.

 Bài kiểm tra cuối kì của thầy là đưa sinh viên đến công viên chơi tàu lượn cao tốc. Mỗi sinh viên mang theo một thiết bị đo gia tốc rồi về nhà phân tích dữ liệu từ máy đo và viết một báo cáo dài 30 trang.

 Lớp học của thầy khiến bất kỳ học trò nào cũng phải “ồ” lên thích thú và Thông cũng không ngoại lệ. Thầy Joseph Izen đã khơi lại niềm đam mê vật lý thẳm sâu từ bé của Quang Thông. Sau một mùa hè suy nghĩ, Thông quyết định chuyển hẳn ngành học sang vật lý.

Thông và nhóm bạn trong chuyến nghiên cứu thiết bị phát hiện vật chất tối dưới lòng đất ở Đức
Với Thông, thầy Izen thực sự đã “đào” lại niềm đam mê nghiên cứu khoa học bị “vùi lấp” của anh chàng và khơi nó lên: “Ngày đầu kì mùa thu năm học thứ hai, mình hẹn gặp thầy Izen để nói về những trăn trở khi muốn chuyển ngành học vì gia đình rất lo lắng với quyết định của mình.
 Thầy ngồi với mình suốt 4 tiếng để nói về niềm hạnh phúc khi được làm khoa học, sống với đam mê; đồng thời chỉ ra nhiều cơ hội cho những nhà vật lý, không chỉ trong lĩnh vực khoa học mà còn cả công nghệ, y học, thậm chí kinh tế tài chính”.

Thông nói, “tuy hiện tại đang theo đuổi vật lý, mình cảm nhận khoa học mang một vẻ đẹp sâu sắc và giản dị. Xét theo nghĩa này thì bản thân khoa học cũng không khác một môn nghệ thuật là bao”. Nhìn lại cả chặng đường, Thông cũng đồng ý rằng không bao giờ quá muộn để làm điều bạn thích, theo đuổi giấc mơ.

 “Chủ động nắm bắt cơ hội, cánh cửa sẽ dần mở ra”

 Cũng như những du học sinh khác, 9X Việt vấp không ít khó khăn khi học tập ở trời Tây. Theo anh chàng thì “khó khăn lớn nhất với sinh viên quốc tế tại Mỹ là phần lớn các cơ hội nghiên cứu thực tập, được tài trợ bởi Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, chỉ dành riêng cho công dân Mỹ”.

Cùng các bạn nghiên cứu đợt hè ở Nhật…
Bằng niềm đam mê vật lý và sự nỗ lực vượt khó, Thông chủ động đi tìm các chương trình thực tập ngoài nước Mỹ, nơi mà mọi ứng viên được đánh giá và cạnh tranh công bằng không phân biệt quốc tịch.

 Hè năm 2013, Thông trở thành một trong 300 người (trên tổng số 2.000 ứng cử viên đến từ Anh, Mỹ, Canada) được nhận vào chương trình thực tập của Học viện Công nghệ Karlsruhe, tại nhiều học viện trên nước Đức. Thông tham gia một dự án của châu Âu nghiên cứu thiết bị phát hiện vật chất tối dưới lòng đất trong 3 tháng tại đây.

 Hè năm 2013, Thông tiếp tục được Đại học Tokyo (Nhật Bản) chọn là 29 trong số gần 500 ứng cử viên trên toàn thế giới, tham gia chương trình thực tập nghiên cứu phát triển nâng cấp máy gia tốc hạt. Cả 2 đề tài nghiên cứu đều nằm trong mảng vật lý hạt cơ bản – vốn là chuyên ngành vật lý anh chàng đang theo đuổi.

 Ngoài đam mê nghiên cứu vật lý, Quang Thông yêu nghệ thuật khiêu vũ. Anh chàng từng đoạt huy chương bạc giải Khiêu vũ thể thao Hội khỏe Phù Đổng Hà Nội năm lớp 11. Vừa đây, Thông tiếp tục giành giải nhất khiêu vũ bang Texas với 2 điệu Waltz và Tango.

 Từ năm 2 đại học, Thông đã được trung tâm hỗ trợ sinh viên của ĐH Texas-Dallas thuê để dạy thêm toán, vật lý cho những sinh viên cần hỗ trợ khác.
Quang Thông tham gia cuộc thi khiêu vũ bang Texas (Mỹ) và nhận giải nhất với 2 điệu Waltz, Tango
 Hiện, chàng trai 23 tuổi đang phụ mảng giáo dục của Mạng lưới du học sinh Việt Nam tại Đại học Texas at Dallas. “Mình muốn làm cầu nối tạo cơ hội nghiên cứu khoa học ở các nước phát triển cho các bạn sinh viên Việt Nam, đồng thời giới thiệu các cơ hội nghiên cứu khoa học cho các bạn du học sinh tại Mỹ”.

 Trước khi giành học bổng tiến sĩ vật lý toàn phần của 5 trường đại học hàng đầu thế giới và học bổng toàn phần Đại học Texas—Dallas (2011-2015), Thông còn đạt Học bổng RISE (DAAD, 2013), Giải thưởng Học giả nghiên cứu bậc Đại học (UT Dallas, 2013, 2014), Học bổng Julia Williams Van Ness (UT Dallas, 2014), Giải thưởng Nhà lãnh đạo toàn cầu (FUTI, 2014)… Cậu là thành viên Cộng đồng Danh dự Phi Kappa Phi (CLB Sinh viên Giỏi toàn cầu).

 Cho rằng du học là cơ hội lớn để học tập và phát triển, song, Quang Thông nghĩ “không nhất thiết phải đi du học bằng mọi giá”.

 “Môi trường quốc tế mang lại nhiều cơ hội, nhưng gần đây với văn hóa khởi nghiệp phát triển rất mạnh ở Việt Nam, đặc biệt là trong TP. Hồ Chí Minh, các bạn sinh viên trong nước cũng có vô số cơ hội để phát triển sự nghiệp, thậm chí có lợi thế hơn so với du học sinh về văn hóa làm việc và mạng lưới xã hội.

Dù học ở bất cứ đâu, quan trọng là các bạn chủ động đi tìm và nắm bắt mọi cơ hội, các cánh cửa sẽ dần mở ra”, Thông nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh