Bình Dương: Nâng cao tay nghề để có việc làm ổn định
- Bài thuốc hay
- 18:53 - 11/08/2015
Vì vậy để nguồn lao động tại chỗ, cũng như lao động từ các nơi khác đến có việc làm ổn định, thu nhập cao, đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng, những năm qua tỉnh luôn gắn việc dạy nghề với giải quyết việc làm. Đặc biệt coi trọng việc dạy nghề tìm việc làm cho lao động thất nghiệp, dạy nghề giải quyết việc làm, nâng cao thời gian làm việc cho lao động nông thôn. Nhờ vậy, trong những năm qua, tỷ lệ lao động thất nghiệp của tỉnh đã giảm đi đáng kể, đời sống của người lao động không ngừng được nâng cao.
Theo báo cáo của Sở LĐ – TB&XH từ đầu năm đến nay, Bình Dương đã có trên 20 ngàn lao động được giải quyết việc làm. Theo đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm. Qua đó, tư vấn giới thiệu việc làm cho 40.939 người lao động, 30.068 người lao động được giới thiệu việc làm và 18.081 lao động nhận được việc làm.Bên cạnh đó, Sở LĐ - TB&XH đã cấp mới 1.104 giấy phép, cấp lại 1.155 giấy phép lao động cho lao động người nước ngoài. Trả lời bằng văn bản cho 41 trường hợp không cấp giấy phép lao động. Xác nhận 13 lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Tổng hợp, thẩm định trình UBND tỉnh nhu cầu sử dụng lao động và thông báo việc chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài của 1.082 lượt doanh nghiệp với 6.529 vị trí công việc.
Tư vấn học nghề và việc làm ở Bình Dương
Riêng với lực lượng lao động nông thôn, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đào tạo được gần một ngàn lao động nông thôn, trong đó nghề phi nông nghiệp 843 học viên; nghề nông nghiệp 109 học viên. Ở huyện Bầu Bàng Phòng LĐ - TB&XH huyện đã phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện và Ban Quản lý các khu công nghiệp giới thiệu việc làm cho 1.160 lượt lao động trong và ngoài huyện đến làm việc tại các doanh nghiệp đang trú đóng trên địa bàn. Trong năm 2015 UBND huyện Bàu Bàng giao chỉ tiêu cho các ngành liên quan tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 4.000 - 5.000 lao động trong và ngoài huyện đến làm việc tại các doanh nghiệp. Hiện các ngành chức năng huyện đang phối hợp thường xuyên, liên tục với các địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu việc làm cho người lao động nhằm hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Huyện Phú Giáo cũng đã phối hợp tổ chức mở được 10 lớp dạy nghề cho 248 lao động nông thôn và giới thiệu 2.819 lao động trên địa bàn huyện vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài huyện.Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề ở Phú Giáo được chú trọng, đặc biệt đối với lao động nông thôn. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên lao động nông thôn được cấp chứng chỉ nghề và đa số có việc làm ổn định tại địa phương. Trong thời gian tới, Phú Giáo tiếp tục thực hiện tốt các chính sách xã hội, chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm; bảo đảm nguồn vốn hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho các đối tượng là người nghèo, học sinh, sinh viên. Trường trung cấp nghề Tân Uyên đã mở được 8 lớp đào tạo nghề cho 174 học viên (trong đó có khoảng 60 học viên là lao động nông thôn), gồm các nghề lái xe nâng hàng, may gia dụng, tin học văn phòng… Sau khi hoàn thành khóa học, học viên được cấp chứng nghỉ nghề và hơn 85% học viên có việc làm ổn định tại địa phương.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp và với mục đích nâng cao thu nhập, ổn định việc làm cho người lao động, tỉnh Bình Dương đang chủ trương đa dạng hóa việc học nghề, nhất là cho đối tượng là người lao động vừa thất nghiệp. Tỉnh coi đây là giải pháp quan trọng để người lao động thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm, giảm những thiệt hại cho xã hội. Vừa qua, tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, Sở LĐ - TB&XH tổ chức cuộc họp với đại diện các trường nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm các huyện, thị, thành phố về việc hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.Tại đây, đại diện các trường, trung tâm đã báo cáo quá trình dạy nghề cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thời gian qua.Với nhu cầu học nghề của NLĐ, sở đã đề nghị các trường, trung tâm xem xét để tạo điều kiện hỗ trợ theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và có đủ điều kiện được mức hỗ trợ học nghề; đồng thời bổ sung các ngành nghề phù hợp với yêu cầu NLĐ. Tạo điều kiện để người lao động học nghề gần với chỗ ở. Qua đó, giúp NLĐ có tay nghề để xin vào làm các công ty với mức lương cao, công việc ổn định, đảm bảo cho cuộc sống. Trong 6 tháng đầu năm 2015, có 21.063 người lao động nộp hồ sơ tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và số lao động được xét hưởng trợ cấp thất nghiệp là 20.588 người. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2015, số lao động được xét hưởng chiếm 97,7% số hồ sơ đề nghị hưởng.
Như vậy, nhờ làm tốt việc gắn dạy nghề với giải quyết việc làm, nhất là thực hiện đa dạng hóa việc học nghề tỉnh Bình Dương đã giải quyết tốt việc làm cho người lao động. Nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể, đời sống của người lao động không ngừng được cải thiện và nâng cao.