THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 04:50

9 cựu quan chức ‘xẻ đất’ ở xã Đồng Tâm được giảm án

 

Video: Thẩm phán Trương Việt Toàn đọc bản án phúc thẩm với các bị cáo.

Chiều 17/8, sau một ngày xét xử, TAND Hà Nội đã chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của chín người trong vụ án sai phạm về đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Các bị cáo phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gồm: Nguyễn Tiến Triển (nguyên bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm) giảm từ 30 tháng còn 26 tháng; Lê Đình Thuần (nguyên chủ tịch xã) giảm từ 42 tháng còn 36 tháng; Nguyễn Văn Minh (nguyên trưởng công an xã) và Nguyễn Văn Khang (nguyên kế toán) giảm từ 24 tháng tù còn 20 tháng treo; Bùi Văn Dũng (nguyên trưởng ban tài chính xã) và Bùi Văn Hồng (nguyên xã đội trưởng) giảm 30 tháng còn 24 tháng cho mỗi bị cáo; Nguyễn Văn Đức (53 tuổi, nguyên chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm) giàm từ 30 tháng còn 24 tháng.

Hai bị cáo phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng Đinh Văn Dũng (nguyên phó phòng Tài nguyên và môi trường huyện kiêm Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai) chuyển 36 tháng thành tù treo; Bạch Văn Đông (nguyên Phó Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai) chuyển 30 tháng thành tù treo.

Tòa phúc thẩm cho rằng, 9 bị cáo thành khẩn khai nhận từ giai đoạn điều tra, tới khi bị đưa ra xét xử, cùng với việc có nhiều thành tích trong công tác.

Riêng ông Phạm Hữu Sách (53 tuổi, nguyên trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức) kháng cáo kêu oan tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tòa cho rằng không có căn cứ.

Tòa phúc thẩm nhận định, từ năm 2002 đến năm 2013, do buông lỏng công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai tại địa bàn xã Đồng Tâm, các bị cáo nguyên là cán bộ chủ chốt của địa phương vì động cơ vụ lợi đã thực hiện việc cấp, giao đất (trái thẩm quyền), hợp thức đất lấn chiếm cho một số hộ dân trái quy định.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.

Theo tòa, từ cuối năm 1996, UBND tỉnh Hà Tây cũ ra quyết định thu hồi diện tích 5.400 m2 đất do xã Đồng Tâm quản lý, giao cho 49 hộ dân làm nhà ở theo diện cấp đất giãn dân. Chủ tịch xã thời đó là ông Nguyễn Văn Bột và cán bộ địa chính Trường đã tổ chức giao đất cho 39/49 hộ dân với diện tích gần 4.100 m2. Còn lại khoảng 1.300 m2, UBND xã Đồng Tâm không giao nốt cho 10 hộ trong danh sách đã trình tỉnh phê duyệt.

Khi lên làm chủ tịch thay ông Bột, ông Sơn cùng các ông Triển, Trường ra chủ trương chuyển 10 suất đất này cho 10 cán bộ chủ chốt của xã có nhiều năm công tác. Mỗi nhà 130 m2 đất, thu tiền theo giá 100.000 đồng/m2. Trong số này có gia đình các ông Bột, Sơn, Trường, Triển cùng Lê Đình Thuần (chủ tịch xã sau này). Tuy nhiên, các "quan xã" đều để người thân đứng tên.

Các bị cáo Sách, Đông, Đinh Văn Dũng không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, thiếu kiểm tra nguồn gốc đất đề nghị cấp sổ đỏ.

Theo tòa phúc thẩm, hành vi các bị cáo thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước; làm cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước...

Đồng loạt các bị cáo thừa nhận ‘có sai phạm”, xin giảm nhẹ hình phạt

Sáng cùng ngày, ông Thuần trả lời thẩm vấn của chủ tọa cho rằng việc ký vào giấy cấp sổ đỏ cho 12 hộ dân, lúc đầu thấy không sai, sau này khi đoàn thanh tra vào làm việc, mới biết vi phạm pháp luật.

Theo giải trình của ông Thuần, bản thân khi ký vào giấy cấp sổ đỏ không biết đó là đất nông nghiệp, bởi loại đất này và thổ cư đan xen nhau, người dân đã sử dụng từ lâu.

Người từng đứng đầu xã Đồng Tâm cho hay, khi cán bộ địa chính nhận đơn, có nêu từng vị trí khu đất, xác định không có vấn đề gì thì hoàn thiện hồ sơ, trình lên UBND xã ký. “Tôi quá nhiều việc nên có thiếu sót, không nắm rõ được từng vị trí đất”, ông Thuần khai và bảo bản thân không có “một tí lợi dụng chức vụ nào mà chỉ chủ quan về hiểu biết pháp luật”.

Ông nói, là người đứng đầu xã nên thấy có lỗi, song thực tế bản thân đã chịu các hình thức kỷ luật về mặt chính quyền.

“Cấp sơ thẩm không quy kết bị cáo tư lợi, còn nếu có việc lợi dụng chức vụ mà chiếm hưởng bất kỳ một khoản nào, bị cáo sẽ phải chịu hình phạt ở tội danh khác, cao hơn”, chủ tọa Trương Việt Toàn nói.

“Việc tuyên 42 tháng tù với tôi là quá nặng, đề nghị quý tòa lượng hình”, ông Thuần nói.

Ông Nguyễn Tiến Triến, trước hội đồng xét xử phúc thẩm thừa nhận có ký vào biên bản bàn khảo sát lô đất ở khu nghĩa trang. Ông nói, khu đất này khi chia cho người dân họ không nhận nên lãnh đạo xã có đề xuất chủ trương bán cho cán bộ. “Tôi tin tưởng nên có ký”, ông Triển thừa nhận.

Nói về lý do kháng cáo, ông Triển trình bày, 17 tuổi đã vào chiến trường, chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị và bị nhiễm chất độc da cam. Bị cáo mong muốn tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt, cho hưởng án treo.

Cựu trưởng phòng tài nguyên - môi trường huyện Mỹ Đức tiếp tục kêu oan

Trong phần thẩm vấn buổi chiều cùng ngày, ông Phạm Hữu Sách cho hay đã làm đúng thủ tục, bởi 12 hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ đều đã qua các khâu xét duyệt. Bị cáo không ký xác nhận vào bất cứ hồ sơ nào chưa có thẩm định.

“Nếu hồ sơ văn phòng đăng ký nhà đất đã thẩm định mà không có tờ trình của bị cáo, liệu ông chủ tịch có ra quyết định cấp bìa đỏ?”, chủ tọa hỏi. “Phải có tờ trình của bị cáo”, ông Sách thừa nhận.

Đứng trước tòa, ông Sách cho rằng, sai sót trên là có hệ thống, khi xã Đồng Tâm trước đó đã cấp đất cho một số trường hợp. Lợi dụng cơ chế chính sách, UBND xã đã lồng bản đồ định cư 2002 vào hồ sơ xét cấp giấy. Bản đồ đó lập về sau này, hiện tại xã không có bản đồ đất đai 10/1993 nên không có tài liệu để đối chiếu; thực tế chỉ có bản đồ năm 2002 nên không thể đối chiếu được.

“12 hồ sơ ghi tên người được cấp, song ở dưới là chữ ký, tên xác nhận người khác. Người bình thường cũng phát hiện ra. Điều đó thể hiện việc bị cáo không làm hết trách nhiệm”, đại diện VKS cho hay và khẳng định, bản thân bị cáo không làm tròn trách nhiệm của Nhà nước giao nên có ngày hôm nay phải đứng trước tòa.

Theo Vnexpress

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh