THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:05

9 cơ quan có trách nhiệm phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em

 

Tham dự buổi họp có Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, cùng đại diện Bộ Công an, Viện kiểm soát Nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...

Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em đa phần là những người quen

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh, việc quy định chấp hành quy định pháp luật trong việc bảo vệ trẻ em hiện nay còn những hạn chế, bất cập, sự quan tâm chưa đúng mức, việc nhận thức về vị trí, vai trò của trẻ em ở một số tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em, đáng lo ngại qua nhiều kênh thông tin cho thấy tình trạng trẻ em, nhất là trẻ em nữ bị xâm hại tình dục đang diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây tâm lý lo lắng ở các gia đình có trẻ em và gây bức xúc trong dư luận xã hội, điều này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền, chức năng, đoàn thể, xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, đồng thời vào cuộc tích cực lên án mạnh mẽ và phòng, chống quyết liệt với tình trạng tội phạm này.


Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội chỉ đạo hoạt động nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em


Liên quan đến việc chấp hành các qui định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có tới 9 cơ quan liên quan, gồm: Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị 9 cơ quan chịu trách nhiệm về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tập trung phân tích, làm rõ và đề xuất các giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, cách phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Hồng Lan cho biết: Năm 2016, cả nước xảy ra 1.248 vụ và có 1.211 trẻ em bị xâm hại tình dục. Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả những em bé tuổi mầm non; hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em; thầy giáo, nhân viên bảo vệ nhà trường xâm hại tình dục nhiều học sinh; người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ em nhỏ tuổi; một số vụ hiếp dâm mang tính loạn luân. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là người Việt Nam mà cả người nước ngoài và xuất hiện xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.

“Xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí là dẫn tới trẻ em bị tử vong. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em đa phần là những người quen, họ hàng, hàng xóm”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Luật pháp về bảo vệ trẻ em còn thiếu cụ thể

Theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, pháp luật hình sự còn bỏ sót một số hành vi xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng như: Tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em, chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô đối với trẻ em. Pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em, chưa chú trọng đầy đủ đặc tính dễ bị tổn thương của trẻ em nạn nhân của xâm hại, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục khi tham gia vào quá trình tố tụng; chưa quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bí mật riêng tư cho trẻ em trong tố tụng, bảo vệ người tố giác.

 

   

  Bộ LĐTB và XH đã cùng các cơ quan chức năng đề xuất nhiều giải pháp để bảm bảo quyền lợi trẻ em

 

Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại trẻ em bỏ sót nhiều hành vi xâm hại trẻ em; việc xử lý vi phạm hành chính về xâm hại trẻ em ít được thực hiện trên thực tế mà chủ yếu tập trung vào các vi phạm hình sự nên tính phòng ngừa, răn đe yếu; thiếu các quy trình và hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ và bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng của bạo lực, xâm hại. Thiếu những quy định xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân không tố cáo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi trẻ em bị xâm hại.

Ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ ra những hành vi xâm hại trẻ em, trong đó hành vi có dấu hiệu phạm tội dâm ô đối với trẻ em quy định tại điều 116 Bộ luật Hình sự được báo chí phản ánh và dư luận rất quan tâm. Theo ông Phong, loại tội phạm dâm ô đối với trẻ em thường ít để lại dấu vết, nạn nhân càng nhỏ tuổi thì việc thu thập chứng cứ lại càng khó khăn hơn. Với những trường hợp này, để thu thập chứng cứ, tiến tới khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố, xét xử là cả vấn đề phức tạp. "Hiện nay trong Bộ luật Hình sự chỉ có những từ ngữ cơ bản, chung chung về tội danh dâm ô đối với trẻ em. Hầu hết các tài liệu đào tạo về luật pháp hiện nay thì từ "dâm ô" cũng chưa được mổ xẻ" – ông Phong phân tích.

Trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã họp với các bộ, ngành và lắng nghe ý kiến của các cơ quan liên quan đến công tác này để tìm những lỗ hổng trong quá trình triển khai các quy định của pháp luật trong thực tiễn để có những giải pháp trong thời gian tới. Một trong những nguyên nhân mà các cơ quan đề cập nhiều là liên quan đến việc rà soát lại các quy định, các thủ tục pháp luật liên quan tới các hành vi, vi phạm liên quan đến hành vi vi phạm xâm hại tình dục trẻ em và các chế tài xử phạt. Một trong những đề xuất đã được đề cập đến là rà soát lại các quy định liên quan đến pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự, luật giám định, tư pháp, đặc biệt là những quy định đặc biệt  liên quan đến quy trình xét xử các vụ án xâm hại tình dục đối với trẻ em phải có những quy định riêng để làm sao nhanh chóng, thuận tiện nhất để đảm bảo quyền lợi trẻ em.

Đối với công tác phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em trong nhà trường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Thị Nghĩa cho biết, hiện nay Bộ đang xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ rà soát nội dung, tăng thời lượng giáo dục giới tính cho học sinh thông qua giờ học chính khóa, ngoại khóa của nhà trường; Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc vi phạm đạo đức nhà giáo và phối hợp với công an địa phương trong việc đảm bảo an ninh, an toàn trường học.

Liên quan đến công tác giám định các vụ việc có dấu hiệu xâm hại tình dục trẻ em, Bộ Y tế đề nghị cần có 1 quy định thừa nhận kết quả tiền giám định, có nghĩa người nhà bệnh nhân có thể trưng cầu tiến hành giám định và cơ quan điều tra sẽ chấp nhận giám định đó. Trên cơ sở đó sẽ đảm bảo yếu tố khoa học, làm cơ sở xét xử nghiêm minh đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

 

Để thực hiện có hiệu quả công tác trẻ em, trong đó có việc phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất một số biện pháp khắc phục như: Rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là hành vi dâm ô đối với trẻ em để thuận lợi trong quá trình thực thi pháp luật; Nâng cao năng lực hệ thống cán bộ làm công tác trẻ em; Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người trực tiếp làm việc với trẻ em; kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho trẻ em; Thiết lập Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em và tăng cường truyền thông về Tổng đài để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em. 

NHUNG NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh