75 dự án đạt giải Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2019-2020
- Giáo dục nghề nghiệp
- 14:22 - 21/06/2020
Đề tài nghiên cứu phong phú, sáng tạo, tiếp cận vấn đề mới
Đánh giá về chất lượng các dự án của học sinh dự thi Khoa học kỹ thuật quốc gia, GS.TS Nghiêm Ngọc Minh - Trưởng Ban Giám khảo cho biết, các lĩnh vực nghiên cứu được học sinh lựa chọn dự thi khá phong phú. Nhiều dự án có nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp, thực hiện kế hoạch nghiên cứu, ghi chép nhật trình và trình bày báo cáo theo đúng yêu cầu của một công trình khoa học. Một số đề tài dự án đã tiếp cận những vấn đề mới, có tính khái quát hoặc cần những kỹ thuật cao được thực hiện trong các phòng thí nghiệm hiện đại. Điều này giúp rèn luyện và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho học sinh.
"Đa số dự án dự thi năm nay đều có sự đầu tư đáng kể về hình thức và nội dung; poster trưng bày đẹp, hấp dẫn, đúng yêu cầu. Kỹ năng trình bày báo cáo và trả lời câu hỏi của học sinh tương đối rõ ràng, tự tin. Các câu hỏi của ban giám khảo cũng như câu trả lời của thí sinh ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào trọng tâm khoa học. Một số em có kiến thức và sự hiểu biết khá tốt về lĩnh vực nghiên cứu của mình. Điều này minh chứng cho sự chịu khó học hỏi, tìm tòi và tham khảo các tài liệu khoa học trong nước và quốc tế", GS Nghiêm Ngọc Minh cho hay.
Trong 137 dự án dự thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia có 120 dự án của học sinh THPT, 17 dự án của học sinh THCS. Đối với các dự án của học sinh THCS, trưởng Ban giám khảo đánh giá, tuy nền tảng kiến thức được trang bị của các em chưa bằng các anh chị cấp THPT, nhưng có những sáng tạo thú vị. Đề tài học sinh THCS giá trị khoa học chưa cao, thường bắt nguồn từ những ý tưởng rất đời thường gắn với cuộc sống hàng ngày ở các địa phương; nhưng cũng chính vì thế dự án của các em lại có giá trị thực tiễn.
Đặc biệt cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2019-2020 có sự tham gia của một số học sinh dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Để chấm giải cuộc thi, từng thành viên Ban giám khảo đã tiến hành chấm độc lập, làm việc qua nhiều vòng, nhằm đánh giá toàn diện cả năng lực viết báo cáo và khả năng trình bày và trả lời các câu hỏi của học sinh. Mỗi giám khảo độc lập phỏng vấn trực tiếp học sinh, những giải có điểm số cao được chọn ngẫu nhiên để chấm kiểm tra, nhằm đánh giá công tâm, khách quan, chính xác. Kết quả của các dự án được đánh giá thông qua 2 phần chấm điểm: chấm quyển báo cáo tóm tắt kết quả của dự án và chấm phỏng vấn trực tiếp thông qua trình bày các poster.
Kết quả có 75 dự án đạt giải, trong đó 11 giải Nhất, 16 giải Nhì, 21 giải Ba và 27 giải Tư.
Đẩy mạnh khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học
Phát biểu tại lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh yêu cầu cần đẩy mạnh việc khuyến khích học sinh phổ thông nghiên cứu khoa học, tiếp tục khơi dậy niềm đam mê sáng tạo cho mỗi học sinh; đẩy mạnh đổi mới cách dạy, cách học; thực hiện tinh thần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ngay từ chương trình hiện hành, hướng tới phát triển, phẩm chất năng lực cho học sinh…
Thứ trưởng cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối với các trường ĐH, CĐ và kết nối với các doanh nghiệp để cùng hỗ trợ nghiên cứu khoa học cho học sinh; đẩy mạnh thực hiện giáo dục STEM trong các nhà trường.
Với tinh thần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới dạy học, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thực tế, đưa học tập gắn với thực tiễn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng thay lặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT phát động Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021, sẽ được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại lễ bế bạc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã trao Bằng khen Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 2 tập thể (Sở GD&ĐT Đà Nẵng, Trường THPT Nguyễn Khuyến, Đà Nẵng) và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo tổ chức cuộc thi. 21 học sinh có dự án đạt giải Nhất Cuộc thi cũng được trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.