700 giáo viên Quảng Ngãi bị nợ lương do vướng quy định
- Giáo dục nghề nghiệp
- 15:31 - 28/04/2019
Được biết, theo chủ trương chung từ năm 2019 tất cả các cơ quan, đơn vị phải chấm dứt hợp đồng với người lao động. Theo đó, việc chấm dứt hợp đồng lao động có hiệu lực bắt đầu từ tháng 1-2019. Nhưng so với thực tế, để đảm bảo chất lượng và công tác dạy học thì các điểm trường phải kí hợp đồng với giáo viên đến hết năm học 2018 - 2019. Do đó, suốt 4 tháng qua nhà trường không thể thanh toán lương cho giáo viên hợp đồng vì Kho bạc nhà nước không giải ngân.
Cô Hồ Thị Ngọc Sương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Phú (TP Quảng Ngãi) cho biết, năm học 2018 - 2019 này, trường thiếu 4 biên chế giáo viên và 1 nhân viên kế toán. Tuy nhiên, để vừa đảm bảo hoạt động giảng dạy, vừa phù hợp với nguồn kinh phí, trường chỉ ký hợp đồng với 2 giáo viên và 1 nhân viên kế toán. Mức lương hợp đồng theo thỏa thuận từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Mặc dù vậy, từ tháng 1-2019 đến nay không thể rút tiền từ kho bạc để thanh toán lương cho 3 hợp đồng do vướng quy định.
Hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Quảng Ngãi không được nhận lương từ tháng 1-2019 đến nay do vướng quy định.
“Việc ký hợp đồng với giáo viên đến hết năm học 2018 - 2019 là nhu cầu cần thiết vì nếu cắt giảm toàn bộ số nhân viên, giáo viên hợp đồng theo chủ trương chung thì sẽ không thể đảm bảo yêu cầu giảng dạy thực tế. Việc thanh toán lương trong 4 tháng qua gặp khó khăn do vướng quy định nên nhà trường phải tìm nguồn khác tạm ứng lương cho các giáo viên và nhân viên hợp đồng” - cô Sương nói thêm.
Theo cô Sương, việc áp dụng quy định chấm dứt hợp đồng đối với ngành Giáo dục và không cho thanh toán lương là hơi cứng nhắc. Do trường thiếu giáo viên biên chế nên nếu không cho hợp đồng thì sẽ không đủ giáo viên để hoàn thành chương trình giảng dạy. Vì vậy, việc kéo dài hợp đồng đến hết ngày 30-6-2019 là rất cần thiết để đảm bảo tiến độ chương trình học cho các em học sinh.
Cô L.T.V, một giáo viên hợp đồng chia sẻ, 4 tháng qua không được nhận lương nên cô không có thu nhập để trang trải chi tiêu hàng ngày, khiến cuộc sống gặp khá nhiều khó khăn. “Nhiều lúc chán nản muốn bỏ nghề nhưng vì yêu nghề và thương các em học sinh nên tôi lại không nỡ, dặn lòng cố gắng để vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Ông Nguyễn Văn Hưng - Trưởng phòng GD&ĐT TP Quảng Ngãi cho hay, việc không cho thanh toán lương đối với giáo viên hợp đồng là khá cứng nhắc và không phù hợp với thực tế. Điều này gây nhiều khó khăn cho các điểm trường khi phải tìm mọi nguồn kinh phí để chi trả lương cho số giáo viên, nhân viên hợp đồng.
Theo ông Hưng, hiện nay nhiều điểm trường hợp đồng ít hơn so với số biên chế còn thiếu, vì buộc phải cân nhắc để tính toán chi phí cho phù hợp. Việc ký hợp đồng giảng dạy là nhu cầu bắt buộc để có nguồn giáo viên đảm bảo yêu cầu giảng dạy. Vì vậy, việc không cho thanh toán lương cho giáo viên, nhân viên hợp đồng như mấy tháng qua là chưa phù hợp.
“Hiện Phòng GD&ĐT TP. Quảng Ngãi đã có văn bản báo cáo Thành ủy, UBND TP. Quảng Ngãi để kiến nghị lên cấp trên. Song, đến thời điểm này vẫn chưa có "cơ chế mở" khiến các điểm trường gặp rất nhiều khó khăn” -ông Hưng cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, việc kho bạc không đồng ý thanh toán lương cho số giáo viên, nhân viên hợp đồng là có cơ sở. Vì đó là làm theo quy định tại Nghị định 161 về việc chấm dứt hợp đồng lao động (hiệu lực từ tháng 1-2019).
Tuy nhiên, do đặc thù của ngành Giáo dục, vài năm mới tổ chức thi tuyển một lần nên rất nhiều điểm trường thiếu biên chế giáo viên, nhân viên.
"Toàn tỉnh còn thiếu đến 700 giáo viên nên nhiều trường phải hợp đồng giảng dạy để đảm bảo hoàn thành chương trình năm học. Để giải quyết bất cập này, tuần tới Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND tỉnh đề nghị cho thanh toán lương đối với giáo viên, nhân viên hợp đồng cho đến hết 30-6-2019", ông Dụng cho hay.
Đồng thời, để giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục cũng như một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thì sắp tới tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức thi tuyển khoảng 700 biên chế giáo viên và 500 biên chế viên chức khác.
Nhiều giáo viên bị nợ tiền dạy thêm tiết hơn 2 năm Ngày 27-4, tin từ UBND thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước cho biết, vừa có văn bản đề nghị các cơ quan sớm bố trí kinh phí để chi trả cho 20 giáo viên thuộc Trường THCS Long Phước mà trường này còn nợ họ suốt hơn 2 năm qua. Số tiền còn nợ qui ra 40 triệu đồng/giáo viên. Các giáo viên trường THCS Long Phước phản ánh, do trường mới thành lập năm 2017, giáo viên còn thiếu. Để đáp ứng việc học tập cho học sinh, giáo viên của trường phải dạy thêm tiết, nhưng chế độ làm thêm giờ hơn 2 năm qua của các giáo viên chưa được chi trả theo quy định. Trung bình mỗi giáo viên bị nợ 40 triệu đồng/2 năm. Các giáo viên đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. UBND thị xã Phước Long cho biết, tháng 10-2018, UBND thị xã yêu cầu Phòng Tài chính – Kế hoạch tham mưu xem xét bổ sung kinh phí để chi trả tiền lương thêm giờ cho giáo viên năm học 2017-2018, với số tiền 417 triệu đồng. Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng việc bố trí học sinh trong lớp học hiện tại trên địa bàn thị xã đối với trường THCS Long Phước chưa hợp lý. Cụ thể trường này có 1.078 học sinh bố trí thành 29 lớp, nếu bố trí hợp lý thì chỉ cần 26 lớp. Như vậy việc thiếu giáo viên nguyên nhân là do nhà trường bố trí sắp xếp chưa hợp lý. Ngoài ra còn tiếp nhận học sinh ngoài thị xã của nhà trường và Phòng Nội vụ - Lao động, thương binh - xã hội tham mưu xây dựng đề án tách trường chưa tốt. Bên cạnh đó, khi xây dựng đề án thành lập Trường THCS Long Phước thì tổng biên chế được giao năm học 2016-2017 là 770 biên chế, nhưng khi trường đi vào hoạt động năm học 2017 – 2018 thì chỉ được giao 765 biên chế, giảm 5 và dự kiến tỉnh giao năm 2019 là 736 biên chế. Từ thực tế trên, UBND thị xã cũng đã báo cáo Ban thường vụ Thị ủy cho chủ trương xử lý biên chế các cấp học năm 2019, đồng thời bổ sung kinh phí (417 triệu đồng) để chi trả cho 20 giáo viên Trường THCS Long Phước. Sau khi có ý kiến của Ban thường vụ Thị ủy, UBND thị xã sẽ giải quyết. |