70% số người lao động đang bị ảnh hưởng về thu nhập hoặc mất việc trong dịch COVID-19
- Bài thuốc hay
- 03:08 - 14/05/2020
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, có đến 70% số người lao động đang bị ảnh hưởng về thu nhập hoặc mất việc, trong đó tới 39,6% người lao động mất việc và chỉ 1,1% trong số họ đã có công việc toàn thời gian trở lại. Với một lượng lớn người lao động mất việc gia nhập vào thị trường trong khi nhu cầu tuyển dụng giảm mạnh khiến cho thị trường việc làm đang cạnh tranh hơn bao giờ hết.
Do thị trường cạnh tranh khá gay gắt, khi được hỏi nếu công ty cũ mời làm việc lại thì có đến gần 60% người lao động được khảo sát sẽ chấp nhận đồng ý.
Theo kết quả khảo sát của VietnamWorks, có đến gần 60% doanh nghiệp thể hiện đủ năng lực nhất định để duy trì và tiếp tục phát triển kinh doanh, trong đó 44% doanh nghiệp cho biết vẫn đang hoạt động bình thường, có khả năng duy trì lực lượng nhân sự cũng như lương và phúc lợi cho người lao động; 16% các doanh nghiệp cho biết họ đang tăng trưởng và tăng quy mô nhân sự.
Nhóm doanh nghiệp chịu tổn thương do COVID-19 chiếm 40%, trong đó 30% doanh nghiệp đã phải cắt giảm nguồn lực nhân sự để duy trì qua cơn khủng hoảng, 10% các doanh nghiệp chọn cắt giảm vừa nhân sự lẫn lương, phúc lợi.
Khi được khảo sát về việc cắt giảm nhân sự tại các cấp bậc trong công ty, 72% doanh nghiệp chọn cắt giảm nhóm nhân viên cấp thấp; trong đó 51% chọn cắt giảm nhóm nhân viên ít kinh nghiệm, 21% chọn nhóm thực tập sinh/mới ra trường. Nhóm này cũng dự đoán sẽ đối mặt với khó khăn khi tìm việc mới, theo đó gần 42% doanh nghiệp lựa chọn khi khôi phục kế hoạch tuyển dụng sẽ ưu tiên tuyển nhân viên nhiều kinh nghiệm, chỉ 19% chọn tuyển nhân viên ít kinh nghiệm và 5% chọn tuyển thực tập sinh/mới ra trường.
Đối với phương án giảm lương, có 58% các doanh nghiệp lựa chọn giảm lương của nhân sự cấp trung cấp cao, trong đó có 17% doanh nghiệm chọn nhóm trưởng nhóm/giám sát; 20% chọn cắt giảm lương nhóm quản lý, 21% chọn nhóm giám đốc/trưởng bộ phận.
Mặc dù đại dịch đã không bùng phát ở Việt Nam trong 3 tháng qua nhưng cũng đã khiến cho 10,1% các doanh nghiệp dừng hoạt động, kéo theo là một lượng lớn người lao động mất việc làm. Với việc đại dịch vẫn đang được dự đoán là kéo dài đến ít nhất hết nửa đầu năm 2020, số lượng những doanh nghiệp phải cắt giảm nguồn lực nhân sự hoặc ngưng hoạt động chắc chắn không chỉ dừng lại ở đây.
Trong thời gian tới, thị trường việc làm đi theo hướng nào sẽ phụ thuộc vào mức độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Khi được hỏi về thời gian hoạt động tuyển dụng trở lại, có đến 39% doanh nghiệp thể hiện sự lạc quan sẽ sớm khôi phục hoạt động tuyển dụng. Bên cạnh đó, có 20% doanh nghiệp cho biết vẫn chưa xác định được khi nào đưa hoạt động tuyển dụng trở lại bình thường, 19% doanh nghiệp đợi đến 3 tháng sau, 17% chọn thời điểm nửa năm sau.
Trong những ngày cuối của đợt cách ly xã hội, tỷ lệ người lao động chưa có việc làm mới khá lớn. Đến hiện tại, sau khi nới lỏng cách ly xã hội, tình hình đang được cải thiện phần nào khi các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nhu cầu sử dụng lao động đang tăng lên, điển hình là VietnamWorks đang nhận thấy sự tăng trưởng 20% số lượng công việc đăng tuyển chỉ trong một tuần đầu tháng 5/2020.