7 tháng đầu năm: Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với gần 6 tỷ USD
- Huyệt vị
- 20:10 - 31/07/2018
Cả nước có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 7 tháng đầu năm, trong đó Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với 5.670 triệu USD, chiếm 42,9% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Tiếp đến là Bà Rịa - Vũng Tàu 1.769,3 triệu USD, chiếm 13,4%; Bình Dương 566 triệu USD, chiếm 4,3%; thành phố Hồ Chí Minh 528,1 triệu USD, chiếm 4%; Đồng Nai 499,6 triệu USD, chiếm 3,8%; Ninh Thuận 385,1 triệu USD, chiếm 2,9%; Bạc Liêu 365,8 triệu USD, chiếm 2,8%; Kiên Giang 353,5 triệu USD, chiếm 2,7%; Hải Phòng 346,2 triệu USD, chiếm 2,6%.
Trong số 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng năm nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 5.815,5 triệu USD, chiếm 44% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Tiếp đến là Hàn Quốc 3.326,1 triệu USD, chiếm 25,2%; Thái Lan 664,4 triệu USD, chiếm 5%; Singgapore 611,3 triệu USD, chiếm 4,6%; Pháp 485,7 triệu USD, chiếm 3,7%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 466,5 triệu USD, chiếm 3,5%; Trung Quốc 461,1 triệu USD, chiếm 3,5%.
Còn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng năm nay có 81 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 238,3 triệu USD; 21 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 41,3 triệu USD.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 7 tháng năm 2018 đạt 279,6 triệu USD, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105,8 triệu USD, chiếm 37,8% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 63,8 triệu USD, chiếm 22,8%; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 45,5 triệu USD, chiếm 16,3%.
Trong 7 tháng có 32 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Lào với 84 triệu USD, chiếm 30% tổng vốn đầu tư; Italia 37,1 triệu USD, chiếm 13,3%; Xlôvakia 35,9 triệu USD, chiếm 12,9%.