7 dự án của học sinh Việt Nam dự thi khoa học kỹ thuật quốc tế
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:47 - 06/05/2021
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, từ năm 2006, Bộ GD&ĐT, Intel và Vifotec đã có bước chuẩn bị đầu tiên để nghiên cứu, triển khai Hội thi Intel ISEF tại Việt Nam. Sau thời gian chuẩn bị, triển khai thí điểm, tháng 5/2009, tỉnh Lâm Đồng đại diện cho Việt Nam cử đoàn 3 học sinh tham dự Intel ISEF tại Hoa Kỳ.
Năm 2012, Bộ GD&ĐT lần đầu đứng ra cùng một số Sở GD&ĐT chọn cử dự án nghiên cứu khoa học tham gia Intel ISEF. Dự án của 3 học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam dự thi đã đoạt giải Nhất lĩnh vực Điện và Cơ khí.
Kể từ đó đến nay, hàng năm, Việt Nam đều cử học sinh tham dự Intel ISEF và năm nào cũng là một trong số quốc gia có học sinh đoạt giải. Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học nhận được sự tham gia tích cực của 63 tỉnh thành trên cả nước. Đây là sân chơi cạnh tranh khốc liệt, chỉ 25% dự án tham gia ISEF có giải; với tỷ lệ này, khoảng 1.500 dự án dự thi năm nay sẽ có 375 dự án giành giải.
Năm nay, đoàn Việt Nam đăng kí tham gia ISEF với 7 dự án thuộc 7 lĩnh vực trên tổng số 21 lĩnh vực của ISEF 2021. Đây là những dự án đoạt giải Nhất của cuộc thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021 diễn ra tại Thừa Thiên Huế từ ngày 25-27/3/2021, đã được đánh giá qua vòng thi lựa chọn đội tuyển thi ISEF 2021.
Trước đó, cả 7 dự án của Việt Nam vượt qua vòng thẩm định hồ sơ của Hội đồng thẩm định do ISEF 2021 và đủ điều kiện tham gia ISEF 2021. Các dự án hiện có gian trưng bày ảo theo quy định của Ban tổ chức ISEF 2021 trên hệ thống https://projectboard.world/.
Tham gia ISEF 2021 có khoảng 1.500 dự án, 2.000 thí sinh đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Ban giám khảo của ISEF 2021 bao gồm hơn 1.000 giáo sư, nhà khoa học của trường đại học; kỹ sư và nhà khoa học công nghệ, đại diện của các trung tâm, cơ quan nghiên cứu tư nhân và liên bang; nhà nghiên cứu y tế, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và học viên cao học đến từ các quốc gia trên toàn thế giới, bảo đảm đủ điều kiện theo quy định của ISEF 2021.
Ngoài ra, các tổ chức khoa học, doanh nghiệp sẽ cử các giám khảo riêng để lựa chọn các giải thưởng đặc biệt do tổ chức, doanh nghiệp trao. Được biết, tổng giá trị giải thưởng dành cho ISEF 2021 là hơn 5 triệu USD được cấp dưới dạng học bổng, tài trợ thực tập và phần thưởng.
Cuộc thi khoa học và kỹ thuật quốc tế (ISEF) được phát triển từ Hội thi khoa học quốc gia của Hoa Kỳ, do Hiệp hội khoa học và cộng đồng sáng lập, tổ chức lần đầu tiên vào năm 1950. Năm 1958, Hội thi này lần đầu tiên trở thành Hội thi khoa học, kỹ thuật quốc tế với sự tham gia của Nhật Bản, Canada và Đức. Từ 1997, tập đoàn Intel là nhà tài trợ chính và từ đó Hội thi mang tên Intel ISEF. Khi Intel không còn đồng hành, Hội thi mang tên ISEF.