61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm không trúng tuyển nguyện vọng nào
- Giáo dục nghề nghiệp
- 16:27 - 20/09/2021
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số thí sinh có tổng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 3 môn ở mọi tổ hợp từ 27 điểm trở lên chiếm 4,7% trong tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi.
Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy, cả nước có 69 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên đã đỗ nguyện vọng khác; 61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên nhưng không đỗ nguyện vọng nào.
Đáng chú ý, trong số 61 thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng nào, có 60 thí sinh chỉ đặt duy nhất 1 nguyện vọng, 1 thí sinh đặt 2 nguyện vọng; 59 thí sinh có nguyện vọng 1 vào các trường công an, quân đội và đều chỉ có 1 nguyện vọng, trong đó có 57 em tốt nghiệp từ năm 2019 trở về trước (đây có thể là những thí sinh đã đi nghĩa vụ, nay được cử đi thi).
Bộ GD&ĐT cũng liệt kê 10 cơ sở giáo dục đại học mà các thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên đã trượt nguyện vọng 1, gồm: Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện Chính trị công an nhân dân, Trường Đại học An ninh nhân dân, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy, Trường Sĩ quan chính trị, Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Ngoại thương.
Trong số 10 cơ sở giáo dục đại học này, Học viện Chính trị công an nhân dân có 800 thí sinh đăng ký, chỉ tiêu có 50.
Trường Đại học Hồng Đức có 2 ngành điểm chuẩn ≥ 29,5 điểm và đều là ngành sư phạm chất lượng cao (ngữ văn: 30,5 điểm và lịch sử: 29,75 điểm). Tỉnh Thanh Hóa có chế độ ưu đãi đặc biệt, chỉ tiêu mỗi ngành chỉ 15 em.
Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có 2 ngành điểm chuẩn ≥ 29,5 điểm là Hàn Quốc học (30 điểm khối C00 với 10/40 chỉ tiêu các khối thi tốt nghiệp trung học phổ thông) và Đông Phương học (29,8 điểm khối C00 với 15/40 chỉ tiêu các khối thi tốt nghiệp trung học phổ thông). 2 ngành này cũng tuyển các khối khác, nhưng điểm chuẩn không quá cao (dao động từ 25,6 điểm đến 27,9 điểm)…
Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2021 là năm thứ hai công tác tuyển sinh đại học chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Cho tới thời điểm này, hoạt động xét tuyển đã được các cơ sở giáo dục đại học nỗ lực triển khai để đảm bảo vừa hoàn thành kế hoạch, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thí sinh. Nhiều trường đại học dù đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án thi khác từ năm 2020 nhưng vì quyền lợi của thí sinh, vì sự an toàn của cả xã hội đã phải hoãn lại; nhiều trường tuyển sinh năng khiếu phải tổ chức theo hình thức online.