THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:18

61% nữ giới “phàn nàn” lương thấp hơn nam giới

 

Trang mạng việc làm lớn nhất Đông Nam Á JobStreet.com vừa thực hiện một cuộc khảo sát trên 1.000 người lao động để tìm hiểu về “Thực trạng bất bình đẳng giới trong môi trường làm việc tại các thành phố lớn của Việt Nam” để đưa ra góc nhìn từ chính những người lao động.

Kết quả khảo sát có 61% nữ giới cho rằng họ đang được trả lương thấp hơn đồng nghiệp nam giới, và họ cũng “phàn nàn” rằng còn có sự phân biệt đối xử nhiều hơn nam giới trong môi trường làm việc.

Về mức lương, trong khi trên thế giới có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ (nam thường cao hơn nữ khá nhiều) thì tại Việt Nam, thông qua cuộc khảo sát, sự chênh lệch là không đáng kể.

Cụ thể, theo khảo sát của JobStreet tại Việt Nam, giới tính không ảnh hưởng đến mức lương của người lao động mà chủ yếu dựa vào 3 yếu tố là cấp bậc công việc, trình độ học vấn và quá trình đào tạo. Theo đó, nếu người lao động có cùng những yếu tố kể trên, mức lương giữa nam giới và nữ giới không có sự khác biệt đáng kể tại Việt Nam. 

Thế nhưng, theo khảo sát này, khá bất ngờ khi cả lao động nam và nữ đều cho rằng mình bị trả lương thấp hơn đồng nghiệp khác giới. Có 61% lao động nữ giới trả lời rằng họ đang bị trả lương thấp hơn đồng nghiệp nam giới (cùng vị trí công việc) và có đến 67% lao động nam cho rằng họ đang được trả lương thấp hơn lao động nữ. Những yếu tố có tác động rõ rệt đến mức lương là cấp bậc công việc, trình độ học vấn và quá trình đào tạo; không liên quan đến giới tính.

Cũng theo kết quả khảo sát này cho biết, đối với câu hỏi “Bạn có từng bị phân biệt đối xử tại công ty chỉ vì giới tính”, có đến 25% lao động nữ trả lời đã từng bị phân biệt đối xử, trong khi tỷ lệ ở nam giới chỉ 17,7%.

Theo bà Dương Thị Ngọc Hải, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị JobStreet.com Việt Nam, gần 5 năm có mặt tại Việt Nam, JobStreet.comđã nghiên cứu và nhận thấy sự minh bạch về mức lương trên thị trường tuyển dụng còn ở mức khá thấp. Đa phần người tìm việc phải dựa vào những báo cáo của một tổ chức nghiên cứu để nhận biết mức lương phù hợp để đàm phán với nhà tuyển dụng.

Dù giới tính không phải yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc trả lương của DN, nhưng với việc hiển thị mức lương trong các mẩu tin tuyển dụng thì các nhà tuyển dụng đã tạo sự công bằng cho mọi ứng viên. “Điều này sẽ giúp ứng viên hoạch định sự nghiệp rõ ràng và đề xuất phù hợp cho khoảng thu nhập mong muốn dựa theo năng lực, thâm niên, giúp họ đề xuất một mức lương hợp lý đến nhà tuyển dụng”, bà Hải phân tích.

Ngoài ra, những mẩu tin tuyển dụng phân biệt giới tính (chỉ tuyển nam hoặc nữ) cũng khá phổ biến trên các trang mạng việc làm nội địa. Cụ thể, theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 1/5 trong tổng số trên 12.300 quảng cáo tuyển dụng từ giữa tháng 11/2014 đến giữa tháng 1/2015 của những trang mạng việc làm tại Việt Nam có đưa ra yêu cầu về giới tính. Điều đáng buồn là ngoài một số vị trí đặc thù, có một lượng lớn yêu cầu tuyển dụng theo giới tính đến từ định kiến của nhà tuyển dụng.

Về phía DN, ngoài việc trả lương xứng đáng với thực lực của nhân viên, các nhà tuyển dụng cần loại bỏ định kiến về giới tính gắn liền với chức danh công việc cũng như có lộ trình phát triển và thăng tiến công bằng nhất đến tất cả nhân viên.

“Việc đảm bảo công bằng cho cả hai giới không phải là nhiệm vụ của riêng một đơn vị, tổ chức nào nữa mà đòi hỏi sự tham gia của tất cả các cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi phụ nữ. Ngoài ra, các đơn vị thông tin tuyền thông cũng cần đưa thông tin tích cực, giúp người lao động và người sử dụng lao động có góc nhìn chuẩn mực về bình đẳng giới”, bà Hải nói.

Khảo sát này cũng cho thấy, dù nhận định mức lương không có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ giới, nhưng những vấn đề khác trong thực trạng bất bình đẳng giới tại Việt Nam vẫn còn đó. Theo đó, cả 2 giới đều cảm thấy nam giới đang được đối xử với nhiều đặc quyền hơn nữ giới. Cụ thể, nam giới được cho là có khả năng dễ được "cất nhắc" thăng chức, nhận sự ưu tiên trong quá trình tuyển dụng, có tần suất tăng lương cao hơn cũng như dễ được đánh giá năng lực làm việc tốt hơn.

Đáng chú ý, có một số lượng lớn người lao động nam đồng ý rằng họ đang nhận nhiều đặc quyền so với đồng nghiệp nữ, đặc biệt là về các yếu tố phát triển sự nghiệp. Mặc dù số lượng lao động nam giới và nữ giới trong công ty không cho thấy sự khác biệt lớn, có đến 63% cho biết sếp trực tiếp của họ hiện tại đang là nam giới.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh