THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:56

60 năm tìm cha

 

Năm 1949, ông Nguyễn Công Côn lên đường nhập ngũ chiến đấu trong đội quân tình nguyện giúp nước bạn Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Lúc bấy giờ ông Côn giữ chức Trung đội trưởng Đại đội 21, đoàn 81 tại Thượng Lào. Đến năm 1953, gia đình ông Kình nhận được giấy báo tử ông Côn, trong đó chỉ thông tin, ông Côn hy sinh trong một cuộc chiến đấu và được đồng đội chôn cất ở bản Keo Ba Tu thuộc Noọng Hét (Lào), cùng với bản vẽ sơ đồ vị trí nơi ông Côn và đồng đội đã hy sinh. Suốt thời gian dài từ khi nhận được giấy báo tử của liệt sỹ Nguyễn Công Côn, gia đình ông Kình luôn đau đáu một tâm nguyện là tìm lại mộ của liệt sỹ Côn. Đến năm 1993, vô tình một lần ông Kình gặp được người trước đây từng chiến đấu cùng đơn vị với cha mình. Qua câu chuyện, ông Kình đã đối chiếu với sơ đồ ghi trong giấy báo tử và thấy có sự trùng khớp. Ngay lập tức ông Kình đã báo với Ban liên lạc tìm kiếm mộ liệt sỹ Nghệ An những thông tin mà ông xác minh được, với mong muốn tìm được mộ cha.

 

Ông Nguyễn Công Kình kể lại chuyện tìm mộ cha. 

 

Một năm sau, thông tin về việc Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đã tiến hành cất bốc 3 ngôi mộ ở bản Keo Ba Tu Nhỡ thuộc Noọng Hét, Lào về Nghĩa trang liệt sỹ huyện Anh Sơn, Nghệ An khiến niềm hy vọng của gia đình ông được thắp sáng. Nhận thông tin này, ông Kình đã lên Nghĩa trang huyện Anh Sơn, đến nơi ông như có một linh cảm lạ là sắp "tìm" được cha. Ông đã xin ý kiến của lãnh đạo Ban liên lạc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ được đưa mẫu của ba ngôi mộ liệt sỹ này mang ra Hà Nội xét nghiệm ADN. Để thể hiện lòng kính trọng tới hương hồn những người đã khuất, ông Kình xin ý kiến của người quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Anh Sơn được mang 3 nắm đất về nhà thờ phụng. Ông Kình tâm sự: "Tôi nhủ lòng, nếu sau khi mang đi xét nghiệm ADN mà những ngôi mộ này không phải là của cha mình thì dù sao mình đã cũng báo công với các liệt sỹ". Và kết quả xét nghiệm ADN xác định tất cả các ngôi mộ này đều không phải là hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Công Côn. Thông tin trên khiến ông Kình và gia đình hoàn toàn suy sụp và nghĩ rằng đã hết hy vọng.

"Trong suốt thời gian sau đó, tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Và khi có một thông tin hay cơ hội nào tôi lại một mình lặn lội hỏi thăm"-ông Kình tâm sự. Lần đó dò tìm thông tin được biết ở bản Ba Keo Tu Nọi (Noọng Hét, Lào) có hai chiến sỹ người Việt hy sinh trong kháng chiến chống Pháp được chôn cất trên một khu đồi. Một lần nữa ông Kình gõ cửa nhờ sự cầu viện của Ban liên lạc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ tỉnh Nghệ An và nhận được sự ủng hộ của Ban liên lạc. Tháng 4/2015, ông Kình đi cùng với đoàn quy tập hài cốt liệt sỹ lên đường sang Lào. Tìm đến nơi  đã chôn cất hai hài cốt liệt sỹ tại bản Ba Keo Tu Nọi đúng vào thời điểm người dân Lào đang tổ chức ăn Tết. Tổng hợp những thông tin liên quan từ những người trong bản trước đây tham gia chiến đấu biết được vị trí hy sinh của hai chiến sỹ tình nguyện Việt Nam, đoàn đã xác định được vị trí ngôi mộ nằm kề một hòn đá to trước đây dân bản lấy làm dấu. Cuộc tìm kiếm 4 ngày đêm đã được các đồng chí trong đoàn quy tập hài cốt liệt sỹ thực hiện. 

Ông Kình nhớ lại: "Việc tìm kiếm diễn ra sau hơn 60 năm là không hề dễ dàng. Hôm đó, đoàn quy tập gồm 4 người nhưng diện tích khu vực này khá rộng và chưa xác định được vị trí cụ thể nên trong ngày thứ nhất, đoàn quyết định đào xung quanh khu vực hòn đá nhưng vẫn chưa phát hiện ra dấu vết ngôi mộ. Đến ngày thứ hai, tôi đã mang hương ra thắp thì hết sức bất ngờ vì người bỗng dưng đỏ ửng, da gà nổi lên và có linh cảm như sắp tìm được mộ cha. Lúc đó, tôi nghĩ chắc chắn đoàn chúng tôi đã đi tìm đúng hướng và cha đã báo hiệu cho mình nên động viên anh em tiếp tục đào. Và đến ngày thứ 4 thì trong lúc đào phát hiện một cái rãnh lớn nên anh em cứ theo đường rãnh và quyết định chia ra đào hình xương cá. Cứ 50 phân sẽ đào một hố theo hướng đầu hướng lên núi, chân hướng xuống sông. Và cuộc tìm kiếm đã đúng như mong đợi khi chúng tôi phát hiện hai hố nhỏ nằm cạnh nhau trong đó nhiều bộ phận hài cốt còn nguyên... Giây phút đó, bỗng dưng hai hàng nước mắt tôi trào ra không kìm lại được"- ông Kình kể lại.

Danh tính hai hài cốt được xác định chính là liệt sỹ Nguyễn Công Côn và liệt sỹ Nguyễn Văn Cương (quê ở Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An), được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ huyện Đô Lương trong đợt quy tập 29 hài cốt liệt sỹ hy sinh tại Lào vào tháng 5/2015. Kết thúc hơn 20 năm tìm kiếm hài cốt của cha và đồng đội, ông Nguyễn Công Kình và gia đình đã thực sự cảm thấy mãn nguyện. Những công sức mà mình đã bỏ ra, suốt mấy chục năm trời đã được đền đáp khi linh hồn của cha đã được về với đất mẹ quê hương.

Theo Cadn.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh