Đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết đồng bào dân tộc thiểu số
- Sức khỏe
- 16:06 - 11/05/2017
Nhiều vùng có tỷ lệ rất cao như xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) 64%, xã Háng Lìa (huyện Điện Biên Đông) 52%, xã Tả Phình (huyện Tủa Chùa) 53%, các xã có tỷ lệ cao là Sa Lông (huyện Điện Biên Đông) 24%. xã Ta Ma (huyện Tuần Giáo) gần 18%...
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại ở các xã vùng núi
Theo lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Điện Biên, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do dân chưa biết hậu quả lâu dài của vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng đến giống nòi như thế nào. Mặt khác, nhiều vùng vẫn tồn tại hủ tục lạc hậu, ví dụ như dân tộc Mông, chỉ cần anh chị em không cùng họ là kết hôn được với nhau. Hoặc một số dân tộc thì lại phải cùng dòng họ, hoặc cùng dân tộc mới được lấy nhau. Ngoài ra, còn do công tác tuyên truyền, vận động chưa được triển khai thật sự tích cực, hiệu quả.
Việc kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết đã ảnh hưởng đến sức khỏe của nữ giới và để lại nhiều hệ lụy như: Đứa trẻ sinh ra có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, sức đề kháng yếu, một số hiện nay vẫn đang sống dựa vào chính sách bảo trợ của Nhà nước dành cho người tàn tật.
Chính vì vậy, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số và đến năm 2025 không còn tảo hôn, cơ bản giảm thiểu kết hôn cận huyết thống.
Cùng với đó, tỉnh Điện Biên cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong tảo hôn và hôn nhân cận huyết; Đồng thời tổ chức biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông liên quan về Luật hôn nhân và gia đình.