THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:40

58% số người lao động tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu

 

Phụ nữ thiếu sự tự tin về kiến thức tài chính

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ năm 2000 đến năm 2016, tuổi thọ trung bình toàn cầu đã tăng thêm 5,5 năm, đạt 72 tuổi (74,2 tuổi đối với phụ nữ và 69,8 tuổi đối với nam giới), mức tăng nhanh nhất kể từ những năm 1960. Thiếu thói quen tiết kiệm có thể có liên quan đến việc không hiểu biết đầy đủ về số tiền cần có cho giai đoạn nghỉ hưu và cũng có nhiều người ưu tiên cho nhu cầu tài chính tức thời của bản thân hơn việc lập kế hoạch nghỉ hưu.

Báo cáo cho biết, 46% số phụ nữ trong độ tuổi lao động vẫn chưa biết nên dành bao nhiêu cho giai đoạn nghỉ hưu, cũng như không biết nên bắt đầu tiết kiệm như thế nào. Với nam giới, tỷ lệ này thấp hơn với 37%.

 

Phụ nữ tiết kiệm ít hơn nam giới (ảnh minh họa).

 

Ngay cả những người phụ nữ hiện đang có thói quen tiết kiệm cũng để dành ít hơn so với nam giới. Khoảng 29% phụ nữ trên toàn cầu tin rằng họ đang tiết kiệm nhiều hơn so với bạn đời của mình, trong khi con số này ở nam giới là 53%.

Ngoài ra, 2/5 số người trong độ tuổi lao động đang sống với khả năng tài chính “ngày qua ngày”, trong khi 42% chỉ tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn hạn. Ngoài ra, 1/3 số người khảo sát thừa nhận rằng, họ chỉ thích chi tiêu tận hưởng cuộc sống hôm nay hơn là tiết kiệm cho ngày mai.

Việc thiếu thói quen tiết kiệm cũng có thể liên quan đến việc nhiều người không coi những năm về già của mình là 'nghỉ hưu', với 58% dự đoán họ sẽ tiếp tục làm một công việc nào đó và 42% hy vọng sẽ bắt đầu khởi nghiệp.

Khi được hỏi đến số tiền cần thiết mà một người sẽ cần cho giai đoạn nghỉ hưu, chỉ có 1/2 số người đang trong độ tuổi lao động biết được một số loại chi phí gia đình điển hình. Ít ai biết họ sẽ cần phải trả bao nhiêu cho các loại chi phí khác như chăm sóc xã hội tại nhà (42%) hoặc các chi phí ăn ở được hỗ trợ (39%).

51% số phụ nữ trong độ tuổi lao động trên toàn thế giới lo sợ họ có thể không đủ khả năng trang trải những chi phí cơ bản như thực phẩm và nhiên liệu sưởi ấm trong giai đoạn nghỉ hưu.

60% phụ nữ trong độ tuổi lao động lo lắng về việc không thể chi trả chi phí chăm sóc hoặc hóa đơn y tế khi nghỉ hưu, so với 55% nam giới trong độ tuổi tương tự. 47% số phụ nữ tin rằng, họ sẽ nỗ lực rất nhiều để gánh vác trách nhiệm tài chính khi bạn đời chết đi, trong khi chỉ có 41% đàn ông được khảo sát sẽ gặp hoàn cảnh tương tự.

Trong kết quả báo cáo, phụ nữ trên toàn thế giới vẫn chiếm vai trò thứ yếu trong việc lập kế hoạch tài chính gia đình, trong khi đàn ông là những người đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến tiền bạc.

Lên kế hoạch tài chính cho nghỉ hưu là điều rất quan trọng

Tại Việt Nam, theo Liên Hợp quốc, hiện nay, có nhiều người hơn bao giờ hết vẫn làm việc trong độ tuổi nghỉ hưu. Cụ thể, khoảng 40% những người trong độ tuổi từ 70 - 74 vẫn đang làm việc dưới một hình thức nào đó. Khoảng 7 trong số 10 người cao niên đang làm việc tại các khu vực đô thị của Việt Nam ở những ngành không chính thống, như bán hàng ngoài chợ, tài xế taxi, thu nhặt rác hay bán hàng rong. Tất cả đều liên quan đến công việc tay chân khó khăn đem lại thu nhập rất thấp.

Thu nhập thấp và không ổn định của các công việc như vậy sẽ khiến họ có ít cơ hội để tiết kiệm cho tuổi già. Do đó, lên kế hoạch tài chính cho nghỉ hưu là điều rất quan trọng.

Dân số của Việt Nam vẫn còn tương đối trẻ - chỉ hơn 10% hơn 60 tuổi, nhưng tình hình dân số trẻ này sẽ nhanh chóng chuyển sang dân số già.

Thực tế, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện tại có thể là quốc gia đang già hóa nhanh nhất trên thế giới. Năm 2000, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu người lần đầu tham gia đội ngũ lao động và 500.000 người bắt đầu nghỉ hưu. Tuy nhiên, năm 2017 con số tương ứng là 1,3 triệu lao động mới và 1 triệu người nghỉ hưu. Dự kiến đến năm 2035, con số tương ứng sẽ là 1,5 triệu lao động và 1,3 triệu người về hưu.

Hơn nữa, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong hơn 60 năm qua, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên 78 tuổi đối với nam và 79,5 tuổi đối với nữ. Tuy nhiên, tuổi nghỉ hưu trung bình là 55,6 tuổi đối với nam và 52,6 tuổi đối với nữ.

Như vậy, đối với nam giới, thời gian trung bình chi trả cho các bảo hiểm xã hội là 28 năm, trong khi thời gian hưởng lương hưu trung bình là 22,5 năm. Đối với phụ nữ, thời gian tương ứng là 23 năm và 27 năm.

Dưới áp lực của dân số già hóa nhanh chóng và giảm quỹ phúc lợi xã hội, Việt Nam đang có kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ để giảm thiểu tác động kinh tế của những vấn đề này với hai kịch bản đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu bắt đầu từ ngày 1/1/2021.

Điều này sẽ giúp người cao tuổi có nhiều tiền hơn cho giai đoạn hưu trí, tuy nhiên, lại có thể dẫn đến việc một số người từ chối nghỉ hưu, trong khi những người trẻ tuổi có trình độ cao không thể tìm được việc làm.

Theo ông Sabbir Ahmed, Giám đốc toàn quốc Khối Ngân hàng Bán lẻ và Quản lý tài sản HSBC, đối với nhiều người, nghỉ hưu may mắn không còn là một khoảng thời gian ngắn nối với cuối đời nữa. Đây có thể là một khoảng thời gian dài giúp mọi người an hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, nhu cầu của người ở độ tuổi 65 rất khác với nhu cầu của người đang ở độ tuổi 75 hay 85 với những nhu cầu tài chính cũng rất khác. “Thật sự cũng khá khó khăn để vừa đáp ứng nhu cầu của hiện tại trong khi vẫn đảm bảo cho tương lai. Nhưng nhận thức được những chi phí cho tuổi già và xây dựng kế hoạch cho thời gian đó càng sớm càng tốt là bước đi đầu tiên để hướng tới một cuộc sống tuổi già an nhàn. Vì vậy, các bạn hãy tự hứa với bản thân ngay từ bây giờ phải bắt đầu tiết kiệm”, ông sabbir Ahmed nói.

VÂN KHÁNH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh