THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:12

50 nữ sinh dân tộc thiểu số nhận học bổng "Mở đường đến tương lai"

Mục đích của dự án "Mở đường đến tương lai" là nhằm nâng bước cho các nữ sinh dân tộc có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn phấn đấu vươn lên trong học tập, giúp các em các nữ sinh dân tộc thiểu số có cơ hội nâng cao tri thức, kỹ năng, từ đó có tương lai tươi sáng và trở thành nguồn lực góp phần phát triển quê hương, bản làng - nơi các cộng đồng dân tộc thiểu số đang sinh sống.

50 em nữ sinh nhận học bổng của dự án "Mở đường đến tương lai" giai đoạn 2 đến từ 21 dân tộc, 36 tỉnh trên toàn quốc. Năm học 2019- 2020 với nhiều khó khăn và thử thách, tất cả các học sinh đều đạt học lực khá, giỏi và hăng hái tham gia các hoạt động xã hội của trường lớp. 2 em đã đạt giải trong cuộc thi Học sinh giỏi cấp tỉnh, 100% nữ sinh đều tốt nghiệp THPT quốc gia, trong đó 46 em đỗ Đại học, cao đẳng, 4 em học theo các chương trình dự bị đại học và đào tạo nghề.

50 nữ sinh dân tộc thiểu số nhận học bổng "Mở đường đến tương lai" - Ảnh 1.

Các em chụp hình lưu niệm cùng với Nguyên chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa

Theo đó, 50 nữ sinh được tuyên dương là những người được nhận học bổng của dự án "Mở đường đến tương lai". Dự án này do Quỹ học bổng Vừ A Dính và VCF triển khai từ năm 2010.

Các nữ sinh được dự án cấp học bổng trong 3 năm học ở cấp THPT vừa qua, và sẽ được tài trợ cho 4 năm ĐH, CĐ tiếp theo. Tổng cộng cả 7 năm, mỗi nữ sinh dân tộc thiểu số được dự án cấp số tiền học bổng hơn 220 triệu đồng.

Phát biểu lại buổi lễ, bà Trương Mỹ Hoa - nguyên phó chủ tịch nước, chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính - đánh giá cao và ghi nhận các em đã vượt qua những rào cản để tốt nghiệp THPT, trong đó, có 47 em đỗ ĐH, 3 em còn lại theo học các chương trình dự bị ĐH và đào tạo nghề.

Chương trình học bổng "Mở đường đến tương lai" là một dự án được ký kết bằng trái tim, bằng tình yêu và trách nhiệm dành cho nữ sinh các dân tộc trên cả nước. Từ năm 2010 đến nay, chương trình đã trao tặng học bổng toàn phần và đào tạo kỹ năng cho 100 nữ sinh, trong đó 50 em của giai đoạn 1 đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhiều em trở về quê hương để làm việc và hỗ trợ cộng đồng.

"Dự án này được thực hiện góp phần xóa đi bất bình đẳng giới, cao hơn nữa là góp phần xóa đi bất bình đẳng về dân tộc, để giảm sự cách biệt giữa miền núi - miền xuôi. Đồng thời giúp các em nữ sinh dân tộc thiểu số phát triển bản thân, định hướng đến tương lai mà còn giúp các em gìn giữ và bảo tồn bản sắc dân tộc mình". Nguyên chủ tịch nước nhấn mạnh.

Nhân dịp trao học bổng "Mở đường đến tương lai" tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ban tổ chức chương trình cũng tổ chức chương trình "Ngày hội Ước mơ" cho các em nữ sinh dân tộc thiểu số cùng trải nghiệm tham gia.

Theo đó, các em được tham gia các hoạt động tham quan, giao lưu cùng các chiến sỹ trẻ Vùng II Hải quân để tìm hiểu về cuộc sống của những chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển trời Tổ quốc; tham gia các khóa học để trang bị các kỹ năng sống; tham gia các buổi hội thảo với các chủ đề về tình yêu thời sinh viên và các mối quan hệ, kỹ năng học tập, quản lý thời gian và tài chính…



DIỆU LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh