5 nội dung chính sẽ được sửa đổi trong Bộ luật Lao động
- Bài thuốc hay
- 22:53 - 03/09/2018
Những thay đổi của Bộ Luật lao động sẽ tác động đến hàng chục triệu người lao động và hàng trăm nghìn doanh nghiệp. Phóng viên VietnamPlus xin giới thiệu 5 nội dung chính được sửa đổi trong Bộ luật Lao động.
Hợp đồng lao động
Trong lần sửa đổi luật lần này, Bộ luật Lao động sẽ tiến hành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nội dung mang tính tăng cường khả năng nhận diện các quan hệ lao động trên thực tiễn, khắc phục tình trạng trốn tránh các quy định của pháp luật lao động (giao kết hợp đồng dịch vụ hay hợp đồng cộng tác.v.v... trong khi bản chất của mối quan hệ này là quan hệ lao động).
Đồng thời, trong lần sửa luật này sẽ nghiên cứu điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong thị trường lao động (lao động làm việc theo các hình thức liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ số, ví dụ người lao động làm việc cho các công ty công nghệ như: Uber, Grab...) nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ lao động và thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động trong bối cảnh mới.
Đặc biệt, quá trình soạn thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, nhiều ý kiến đề nghị bỏ lý do mà người lao động căn cứ vào đó thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chỉ cần yêu cầu về thời hạn báo trước. Việc bãi bỏ quy định này để đảm bảo quyền lợi được lựa chọn việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng chống cưỡng bức lao động: bất cứ khi nào người lao động cảm thấy không hài lòng với việc làm hiện tại hoặc tìm kiếm được việc làm tốt hơn thì họ sẽ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần có lý do. Người lao động chỉ cần báo trước một thời hạn nhất định để doanh nghiệp chủ động tìm kiếm lao động thay thế.
Tiền lương và thời giờ làm việc
Khái niệm về tiền lương sẽ được sửa đổi theo quy định Công ước 95 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) là “bảo đảm tiền lương của người lao động là mọi khoản tiền mà người lao động nhận được từ việc thực hiện các công việc đã thỏa thuận.” Các quy định về khấu trừ lương, thanh toán lương, lương ngừng việc sẽ được quy định rõ ràng hơn để bảo vệ tiền lương của người lao động.
Đáng lưu ý, các quy định về tiền lương sẽ được thay đổi theo nguyên tắc là đảm bảo doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) được tự quyết chính sách tiền lương. Bộ luật sẽ bổ sung các quy định nhằm thúc đẩy và đảm bảo cho thương lượng, thỏa thuận về tiền lương, tiền thưởng, các chế độ khuyến khích người lao động.
Các tiêu chí làm căn cứ xác định tiền lương tối thiểu sẽ được sửa đổi thành đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ nhưng đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế xã hội.
Bộ luật Lao động sửa đổi cũng đặt ra việc mở rộng khung thời gian làm thêm giờ và đang gây nhiều tranh cãi. Khung làm thêm giời tối đa sẽ được tăng từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Thời gian nghỉ giữa giờ cũng sẽ được quy định cụ thể.
Lao động đặc thù
Các quy định với lao động nữ sẽ được sửa đổi theo hướng đưa ra các nguyên tắc nhằm đảm bảo cho lao động nữ thực hiện công việc bình đẳng như lao động nam thay cho việc cấm lao động hoặc gây trở ngại cho họ khi thực hiện công việc.
Đặc biệt, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh để thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu, quyền nghỉ hưu sớm hay muộn hơn 5 năm với những ngành nghề đặc biệt.
Việc sử dụng lao động chưa thành niên cũng sẽ được quy định lại về danh mục công việc, điều kiện sử dụng lao động để đảm bảo phòng ngừa và xóa bỏ hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.
Đối với lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam, các điều kiện tuyển dụng sẽ được sửa đổi nhằm đảm bảo quyền làm việc của người lao động nước ngoài ở Việt Nam nhưng cũng bảo vệ cơ hội việc làm của lao động bản địa.
Xây dựng quan hệ lao động
Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Do có thể có nhiều tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, nên Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ bổ sung các quy định nhằm bảo đảm mọi nhóm người lao động đều có quyền và có cơ hội lên tiếng trong quá trình đối thoại tại nơi làm việc.
Lần sửa đổi này cũng sẽ bổ sung các quy định nhằm đảm bảo quyền thương lượng tập thể của người lao động thông qua tổ chức của mình, đảm bảo thương lượng tập thể đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng quan hệ lao động.
Các quy định về giải quyết tranh chấp lao động sẽ được mở rộng để đảm bảo tính khả thi trong thực tế.
Thanh tra không báo trước
Theo quy định của Công ước 81 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thì "thanh tra lao động có quyền vào thanh tra bất kỳ thời điểm nào mà không cần báo trước". Đây là quy định mang tính đặc thù của thanh tra lao động để phòng ngừa và bảo vệ sự xâm hại của người sử dụng lao động với người lao động tại nơi làm việc, bảo đảm phòng chống và xóa bỏ cưỡng bức lao động. Nếu tiến hành thanh tra mà thanh tra lao động phải thực hiện báo trước thì sẽ không đảm bảo hiệu quả, không bảo vệ các quyền cơ bản tại nơi làm việc của người lao động.
Nội dung này đã được Điều 187 của Bộ luật Lao động năm 1994 quy định. Tuy nhiên trong quá trình soạn thảo Bộ luật Lao động năm 2012, quy định này đã bị lược bỏ để phù hợp với quy định của Luật Thanh tra năm 2010: thanh tra lao động khi tiến hành thanh tra sẽ phải báo trước với người sử dụng lao động. Do đó, thực tế hoạt động thanh tra lao động vừa qua cho thấy việc phát hiện và bảo vệ các quyền cơ bản tại nơi làm việc của người lao động chưa kịp thời; có doanh nghiệp còn chống đối, không "mở cổng" cho thanh tra lao động vào thực thi nhiệm vụ.
Lần sửa đổi này, ban soạn thảo sẽ khôi phục lại quy định về quyền của thanh tra lao động như Điều 187 Bộ luật lao động năm 1994: “Thanh tra, điều tra những nơi thuộc đối tượng, phạm vi thanh tra được giao bất cứ lúc nào mà không cần báo trước.”