THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:14

5 nghề tay trái “hốt bạc” dịp Tết

1. Chở đào, quất thuê

Mặc dù còn hơn 3 tuần lễ nữa mới tới Tết, nhưng ngay từ bây giờ anh Lê Văn Luận (Hà Đông, Hà Nội) - nhân viên công ty Cổ phần Xe điện Hà Nội đã đấu mối buôn đào cảnh cho khách hàng quen. Anh Luận cho hay, năm nào cũng vậy, cứ cận Tết là anh tham gia buôn đào, vận chuyển đào cho khách.

“Nhà bố vợ có vườn đào lớn ở Nhật Tân, thế nên tranh thủ lúc nhàn rỗi mình dắt khách tới mua. Mua xong họ cần người chở thì nhận chở hàng cho họ theo yêu cầu. Công việc tuy vất vả, nhưng chỉ làm lúc nông nhàn. Như năm ngoái, mình làm có hơn chục ngày mà cũng kiếm thêm được hơn 20 triệu” – anh Luận nói.

2. Buôn bán thực phẩm sạch

Chị Nguyễn Phương (nhân viên văn phòng) chia sẻ chị làm nhân viên văn phòng chẳng bao giờ có thưởng Tết. Năm nào cũng trông chờ vào vài triệu tiền lương thưởng Tết của anh chồng làm công nhân. Thế nhưng năm nay, chồng cũng vừa thất nghiệp, chính vì vậy anh chị xoay sang nhận buôn hàng thực phẩm sạch từ trên rừng như nấm hương, thịt trâu khô, thịt lợn rừng, gà quê…

“Ông bà nội mình quê Sơn La, thế nên ai có nhu cầu đặt hàng thì mình sẽ mua thực phẩm sạch gửi về dưới này. Giá cả cực kỳ phải chăng, thực phẩm lại tươi và sạch nên ai cũng thích. Tết này đã có hơn chục người bạn đặt hàng mổ lợn rừng, làm giò trâu và gói bánh chưng. Lãi thì không được nhiều nhưng công việc này chẳng bao giờ bị lỗ. Còn ế thì giữ lại ăn” – chị Phương hồ hởi kể.

Đặc biệt, chị tranh thủ được thời gian ngồi máy tính để nhận đơn hàng tư vấn còn chồng thì tranh thủ đi ship hàng.

3. Làm giò, bánh chưng thuê

Trước Tết hơn 3 tuần, chị Vũ Thị Tâm (Tây Hồ, Hà Nội) đã rục rịch chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh chưng. Chị Tâm cho biết: “Nhà mình đông người, bố mẹ lại rảnh, mình lại nấu ăn ở căng-tin cho văn phòng Bộ, nên nếu nhân viên trong văn phòng có nhu cầu đặt bánh chưng thì mình nhận về cho bố mẹ làm kiếm thêm thu nhập lo Tết”.

Bánh chưng nhà chị làm không có chất phụ gia, bảo quản. Cách luộc bánh theo phương pháp cổ truyền, luộc bằng củi, gói bằng lá dong, nếu khách thích có thể ướp cho màu bánh xanh hoặc ướp gấc đỏ… tùy thuộc vào nhu cầu của khách.

Mấy năm về trước, năm nào chị cũng nhận gói cả nghìn cái. Riêng năm nay, mặc dù chưa cận Tết nhưng chị đã nhận được gần 20 đơn đặt hàng, với khoảng hơn 600 cái bánh chưng. “Tính ra, mỗi chiếc bánh lãi  7 -10.000 đồng, vị chi nếu làm khoảng 600 chiếc mình cũng có gần chục triệu rồi” – chị Tâm nói.

Ngoài nhận làm bánh chưng thuê, dịp Tết này chị còn nhận đặt giò chả đặc sản cho những khách có nhu cầu. Hầu hết là giò bò, giò ngựa, giò gà… những loại đặc sản gửi từ trên vùng núi xuống.

4. Mua đồng nát kiêm dọn nhà

Đây là công việc mang lại thu nhập đáng kể cho lao động tự do. Chị Nguyễn Thị Na (Nam Định) làm nghề đồng nát cho hay: “Cuối năm các gia đình dọn nhà nhiều, vì vậy mình đăng ký làm “2 trong 1” luôn. Vừa đi mua đồng nát, vừa nhận dọn nhà nếu khách có nhu cầu. Có khi dọn nhà xong, khách cho luôn cả những đồ đồng nát.

Ngày thường, có ngày làm được, có ngày không và thu nhập cũng chỉ từ 100.000 tới 150.000 đồng, nhưng nếu cuối năm chăm chỉ có khi phải kiếm được 400.000 đến 500.000 một ngày. Thậm chí có ngày còn hơn thế”.

5. Chụp ảnh kiêm làm lịch Tết

Trong khi đó, sinh viên nghèo cũng tung đủ chiêu để làm thêm ngày Tết. Có bạn làm PG, có bạn nhận đứng bán sản phẩm ở siêu thị, có bạn lại làm quán ăn… Và dù làm ở đâu thì mức lương cũng cao hơn ngày thường. Tân sinh viên Đào Tùng Khoa (Học viện Báo chí tuyên truyền) đã nghĩ ra ý tưởng cùng nhóm bạn thành lập tổ chụp ảnh, làm lịch Tết, lịch treo tường.

Theo Khoa, mỗi ca chụp từ 6-8 tiếng, các bạn chỉ lấy giá dịch vụ rất hữu nghị là 1 triệu đồng. Tiền vào phim trường hay in ảnh, in lịch thì khách tự bỏ ra. Riêng khoản chỉnh sửa ảnh hay làm album thì các bạn hỗ trợ khách.

Khoa cho hay: “Tính ra công việc phù hợp với năng lực của tụi em, lại giúp em nâng cao khả năng nghiệp vụ trong trường học”.   

Dân việt

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh