Teen Hà Nội rục rịch kiếm tiền tiêu tết
- Y học 360
- 01:35 - 15/01/2015
Bán hàng qua mạng
Nhiều trang facebook cá nhân của các bạn nữ đang trở thành những minishop thu hút các tín đồ mua sắm. Các mặt hàng được bán rất phong phú, từ mỹ phẩm nước ngoài tới quần áo, giày dép, đồ handmade …. Điều gì đã khiến các khách hàng lựa chọn việc mua đồ qua mạng như vậy?
Vì giá cả hợp lý. Các cô chủ thường bán hàng cho bạn bè và người thân quen trên các trang mạng xã hội vì vậy giá các món hàng thường “mềm” hơn so với giá trên thị trường hoặc trong shop. Hơn nữa đa phần nguồn hàng được lấy từ nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, ví dụ như các loại mỹ phẩm, quần áo … Điều này đánh trúng tâm lý ưa chuộng đồ ngoại của các khách hàng tiềm năng. Còn nữa, việc mua đồ qua mạng rất tiện lợi và thoải mái, chỉ cần một cú click chuột là bạn có thể xem và chọn mua món hàng mà mình ưng ý. Đã xa rồi cảnh tượng đi xem quần áo chen chúc trong chợ, giờ đây đồ mà bạn đặt mua được giao tới tận nhà miễn phí hoặc công ship (giao hàng) rất ít. Cuối cùng, các cô chủ nhỏ đã rất khéo léo trong công tác tạo dựng hình ảnh cho món hàng bằng những bức ảnh chụp long lanh cùng những mô tả vô cùng hấp dẫn.
Hình ảnh các mặt hàng được ghi lại rất bắt mắt
Càng về cuối năm những shop hàng online lại càng đông đúc và chứng tỏ được những ưu điểm của mình giúp các bạn trẻ buôn bán đắt hàng kiếm về nhiều tiền tiêu tết.
Sinh viên Mỹ thuật thể hiện tài năng vẽ chân dung
Cứ mỗi dịp nghỉ lễ hay tết về là ở những nơi đông người như khu vực phố cổ, Văn Miếu hay Bờ Hồ lại xuất hiện những bạn sinh viên ngồi vẽ chân dung cho khách thăm quan. Chỉ ngồi 10 phút là bạn đã nhận được bức tranh chân dung ưng ý vẽ bằng chì hoặc chì màu về làm kỉ niệm. Đây là một hình thức lưu niệm độc đáo mà nhiều phụ huynh lựa chọn dành tặng cho con em mình.
Một bạn sinh viên Kiến Trúc kiếm tiền bằng cách ngồi vẽ chân dung. Ảnh: VnExpress
Các bạn sinh viên vẽ chân dung chủ yếu đến từ các trường Mỹ thuật ở Hà Nội như đại học Mỹ thuật Việt Nam, Mỹ thuật công nghiệp, Kiến Trúc hay Đại học sư phạm nghệ thuật trung ương. Mỗi bức tranh tùy vào khổ giấy dao động từ 80 đến 150k một bức. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đem lại nguồn thu kha khá cho các bạn trẻ khéo tay và đam mê hội họa phải không nào!
Học sinh, sinh viên đi bán diêm muối
“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, ăn theo tập tục này mà nhiều bạn sinh viên rục rịch cuối năm âm lịch đi mua muối, để chuẩn bị cho công việc bán muối tại các chùa, đền, phủ ở Hà Nội vào những ngày đầu xuân. Khách du lịch và những đoàn hành hương đi thăm quan về chùa rất đông, ai cũng muốn mang chút may mắn và mặn mà, ấm áp về cho gia đình. Vì thế nên muối và diêm thường được ghép đôi. Diêm tượng trưng cho ngọn lửa ấm sung túc trong nhà còn muối là biểu trưng của tình cảm sâu đậm đằm thắm của các thành viên gia đình truyền cho nhau. Hai thứ này được đựng trong một chiếc túi đỏ may mắn và được các bạn học sinh, sinh viên rao bán tại cổng chùa, sân đền …
Các bạn trẻ có mặt tại sân chùa để bán muối đầu năm. Ảnh: VnExpress
Những năm gần đây, người đi lễ còn ưa chuộng mua cả những túi có kết hợp muối, diêm hoặc bật lửa và cả gạo với mong muốn năm mới đủ đầy, nhiều lộc, may mắn. Đây cũng là hình thức “rinh” lộc đầu năm rất mới và hấp dẫn mà các bạn trẻ Hà Nội khám phá ra.