THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:38

46,5% người trưởng thành lo sợ thất bại khi khởi nghiệp

Mục tiêu của Chính phủ đề ra là đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu DN hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, theo Báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam năm 2015/16 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nghiên cứu dưới sự tài trợ của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế Canada, còn rất nhiều vấn đề cần được cải thiện để có thể đạt được mục tiêu trên.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay đang trở thành một phong trào phát triển mạnh mẽ và thu hút sự chú ý của không chỉ cộng đồng DN, các nhà đầu tư... Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đang có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ trong việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (GEM) năm 2015-2016, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế trong năm 2015, ngày càng có nhiều cơ hội để khởi nghiệp tại Việt Nam. Tỷ lệ người trưởng thành nhận thấy có cơ hội để bắt đầu một việc kinh doanh mới ở Việt Nam đã tăng vọt từ mức 39,4% năm 2014 lên 56,8% năm 2015, cao hơn mức bình quân của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Kết quả này giúp Việt Nam xếp thứ 9 về nhận thức cơ hội khởi nghiệp năm 2015 trên tổng số 60 nền kinh tế trong bảng xếp hạng GEM.

Cùng với đó, báo cáo cũng cho thấy, các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam đa phần không mang tính đổi mới. Chỉ số đối mới sáng tạo trong các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam chỉ đạt 16,5%, xếp hạng 50/60.

Ngoài ra, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam hầu như không có nhiều chuyển biến so với năm trước đó. Cụ thể, trong 12 chỉ số về điều kiện kinh doanh, có 9 chỉ số có mức điểm dưới trung bình. Trong đó, 4 chỉ số có thứ hạng thấp nhất của Việt Nam là Giáo dục kinh doanh sau phổ thông (47/62), Giáo dục kinh doanh bậc phổ thông (47/62), Chương trình hỗ trợ của Chính phủ (50/62) và Tài chính cho kinh doanh (50/62). Đáng chú ý, các chỉ số này đều có xu hướng kém đi so với những năm trước.

Một điểm đáng lưu ý nữa trong báo cáo của GEM là tỷ lệ người có ý định khởi sự kinh doanh ở Việt Nam là 22,3%, xếp thứ 23 trong tổng số 60 quốc gia tham gia báo cáo. Tỷ lệ này kém xa so với mức trung bình của các nước cùng trình độ phát triển với Việt Nam. Điều này cho thấy, cần phải có chính sách khuyến khích khởi nghiệp, nhất là thông qua việc đào tạo nhân lực, trang bị kiến thức khởi sự kinh doanh cho người trưởng thành ở Việt Nam. Đặc biệt, các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam đa phần không mang tính đổi mới ở cả các hoạt động kinh doanh đang trong giai đoạn khởi nghiệp và các hoạt động kinh doanh đã ổn định. Chỉ 16,5% hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khởi nghiệp ở Việt Nam được coi là có tính tính sáng tạo, xếp vị trí 50/60 nền kinh tế trong năm 2015, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước cùng trình độ phát triển. Cụ thể, so với các nước trong khu vực ASEAN, tính sáng tạo của các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam thấp hơn Philippines (hạng 16/60), Thái Lan (hạng 42/60) và Indonesia (hạng 46/60).

Ông Lương Minh Huân, Viện phó Viện Phát triển doanh nghiệp - VCCI cho biết, từ các phát hiện trên, Báo cáo GEM Việt Nam 2015/16 đã đưa ra các khuyến nghị chính sách giúp cải thiện điều kiện kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian tới. Các khuyến nghị tập trung vào việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp, tăng cường cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan tới cam kết hội nhập và có những chính sách khuyến khích phát triển các hoạt động kinh doanh xã hội, các doanh nghiệp xã hội.

 

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh