THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:03

4 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng chương trình và tư vấn chính sách về giảm nghèo

Những thành tựu về xoá nghèo của Việt Nam có sự đóng góp của quốc tế

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, năm 1993, tỉ lệ hộ nghèo của Việt Nam là 58,1%, đến năm 2020 còn 2,75%; đến năm 2021, còn 2,23%. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo và được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. Kết quả trên có ý nghĩa rất to lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh và các đại biểu chứng kiến lễ ký kết.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh và các đại biểu chứng kiến lễ ký kết.

Những thành tựu đạt được của Việt Nam về công cuộc xoá nghèo có sự đóng góp rất lớn của các đối tác quốc tế như UNDP, DFAT, WB, UNICEF, FAO, CARE, OXFAM, Đại sứ quán Úc, Ai Len và các tổ chức quốc tế khác đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và Chính phủ Việt Nam trong việc nghiên cứu, khuyến nghị xây dựng chính sách giảm nghèo. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình Quốc gia giảm nghèo bền vững. Triển khai các mô hình, sáng kiến giảm nghèo. Hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ một số địa bàn nghèo từng bước phát triển kinh tế xã hội, cải thiện điều kiện sống, phấn đấu thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Đánh giá cao sự hợp tác giữa Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), UNDP, Thứ trưởng ghi nhận: “Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ LĐ-TB&XH mong muốn tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các đối tác quốc tế nhằm thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; tiến tới mục tiêu xóa nghèo ở mọi chiều cạnh, cho mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm”.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại Lễ ký kết.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại Lễ ký kết.

Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết, Dự án này thể hiện cam kết của UNDP trong việc hỗ trợ Bộ LĐ-TB&XH hiện thực hóa tầm nhìn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Các giải pháp sáng tạo mà chúng tôi đã được thử nghiệm thành công sẽ được áp dụng rộng rãi hơn, giúp đạt được mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là giảm một nửa số hộ nghèo và cận nghèo vào năm 2025.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie cho biết: “Australia cam kết hỗ trợ tăng trưởng bền vững và bao trùm ở Việt Nam. Quan hệ đối tác UNDP-MOLISA chính thức ra mắt hôm nay là một phần trong cam kết của Australia. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác này vì nhờ đó chúng tôi có thể khuyến nghị Việt Nam nghiên cứu, xây dựng, thực hiện các giải pháp sáng tạo, đổi mới về giảm nghèo bền vững”.

Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen.

Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen.

8 nội dung chính của chương trình hợp tác

Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, mục đích hoạt động hợp tác nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và cơ chế, chính sách giảm nghèo đa chiêu, với những giải pháp sáng tạo đúc kết từ Chương trình trước cũng như thử nghiệm thành công bởi các đối tác phát triển trong đó có UNDP, TREAT/DEAT trong những năm qua.

Nội dung chính của hợp tác gồm nghiên cứu, khuyến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo; chuẩn nghèo đa chiều; báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đề xuất hướng dẫn mô hình, dự án giảm nghèo nhằm đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm, tạo thu nhập tốt cho người nghèo theo hướng thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan cung cấp dịch vụ kỹ thuật trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie.

Đề xuất hướng dẫn về theo dõi, giám sát và báo cáo quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo kết quả đầu ra; xây dựng, thí điểm chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện Chương trình giảm nghèo.

Xây dựng, phát triển và hỗ trợ địa phương ứng dụng phần mềm tự đăng ký, rà soát, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 -2025. Nghiên cứu, xây dựng phương án, giải pháp hỗ trợ người nghèo tự xác định được tình trạng nghèo của hộ gia đình và kết nối với thị trường lao động, thị trường hàng hóa; xây dựng cơ sở dữ liệu nghèo đa chiều và lập bản đồ nghèo trên phạm vi toàn quốc.

Tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu, hoàn thiện phương pháp đo lường nghèo đa chiều phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam (với cả ba chức năng theo dõi, xác định đối tượng và xây dựng chính sách) nghèo đa chiều ở Việt Nam. Nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả cách tiếp cận, công cụ, phương pháp đo lường nghèo đa chiều cập nhật ở Việt Nam và xây dựng các báo cáo về nghèo đa chiều Việt Nam. Kết nối nghèo đa chiều Việt Nam với mạng lưới quốc tế; nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong nước và ngoài nước.

Dự án thực hiện từ năm 2021 - 2025. Hợp tác theo phương thức 3 bên: Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo và UNDP, DFAT. Kinh phí do DFAT tài trợ, giai đoạn 2021-2022: 252.000 AUD (khoảng 180.000 USD, tương đương khoảng 4 tỷ đồng). Giai đoạn 2023-2025 tiếp tục huy động bổ sung kinh phí tài trợ. Kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững - giai đoạn 2021-2025 để Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo; kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình 2 tỷ đồng.

Vân Khánh

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh