31 tháng “oan trái” của 5 thanh niên dân tộc Dao
- Pháp luật
- 14:48 - 12/04/2015
o
* Bắt người, khởi tố bị can từ đơn thư nặc danh
Vụ án bắt đầu từ cái chết chưa rõ nguyên nhân của anh Đặng Văn Cường, sinh năm1990, tại nhà riêng ở thôn 6, xã Bằng Cốc(huyện Hàm Yên,Tuyên Quang) vào 2 giờ sáng 16/7/2012. Theo nhận định ban đầu của gia đình, anh Cường chết do bị cảm. Tuy nhiên, ngày 12/8/2012, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Yên nhận được đơn nặc danh tố giác 5 đối tượng nghi vấn có hành vi giết anh Cường, gồm cha con ông Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp và Đặng Văn Quang (đều ở thôn 6, xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên); Đặng Văn Tuyên (ở thôn 2 Mỏ Nghiều, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên) và Đặng Việt Sơn, ở thôn Quyết Thắng 2, xã Cảm Nhân(huyện Yên Bình, Yên Bái)
Trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang xác định: Tối ngày 14/7/2012, Đặng Văn Tuyên cùng Trương Văn Năm (tức Hùng) đi xe máy đến nhà Đặng Việt Sơn chơi.
Ăn cơm, uống rượu xong, Sơn và Tuyên rủ nhau đi xe máy của Năm sang chơi với Đặng Thị Hình (tức Linh) và Đặng Thị Hiền, Tướng Thị Huệ, cùng trú tại thôn 6 xã Bằng Cốc, lúc này đang chơi ở thôn 8, xã Bằng Cốc. Khoảng 21 giờ cùng ngày, Sơn điều khiển xe máy chở Tuyên và Hình về ngã ba thôn 6, xã Bằng Cốc rồi quay lại đón Hiền và Huệ. Tuyên và Hình đứng đợi Sơn tại ngã ba thôn 6 xã Bằng Cốc thì có 5 thanh niên là Âu Văn Thương, sinh năm 1996; Khổng Văn Khuyên, sinh năm1994, Lý Thường Nga, sinh năm 1993; Âu Văn Lượng, sinh năm 1992; Âu Văn Trình, sinh năm 1995 cùng trú tại thôn Cây Mơ 1, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình(Yên Bái) đi trên 2 xe máy đến gây sự, Âu Văn Trình tát vào mặt Tuyên. còn Âu Văn Lượng đạp vào lưng Tuyên, khi thấy Hình hô hoán thì Thương, Khuyên, Nga, Lượng, Trình bỏ đi.
Luật sư Hưng (người mặc áo vest đen) và 5 bị cáo trong ngày được trả tự do
Sau khi bị đánh, Tuyên gọi điện thoại nói cho Sơn biết việc Tuyên bị một số thanh niên đánh. Một lúc sau, Đặng Văn Quang ở thôn 6, xã Bằng Cốc chở 2 con nhỏ đi đến và dừng lại, Hình nói cho Quang biết việc Tuyên bị mấy thanh niên đánh, Quang đưa con về nhà rồi quay lại chỗ Tuyên. Lúc này Sơn cùng Hiền, Huệ cũng đến nơi, Tuyên kể với mọi người việc bị đánh, Quang nói phải đi tìm người đánh Tuyên để đánh thì một số người dân đi qua can ngăn, Hình cùng Hiền, Huệ đi về nhà. Quang bảo Tuyên, Sơn ở lại chờ bọn đánh Tuyên ra để đánh.
Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, hai bố con Bàn Văn Thái và Bàn Văn Tiếp đi đánh cá về qua dừng lại, Quang nói cho cả hai biết việc Tuyên bị đánh và đang chờ trả thù. Hai cha con Thái về nhà cất dụng cụ đánh cá rồi mỗi người cầm theo một đoạn gậy quay ra chỗ Quang, Tiếp, Sơn đang đứng.
Khoảng 20 phút sau, cả nhóm phát hiện có người và ánh sáng mờ đi từ phía trong ra theo hướng UBND xã Bằng Cốc. Bàn Văn Thái lao ra dùng gậy vụt vào vùng đầu người đó, Đặng Văn Quang, Bàn Văn Tiếp, Đặng Việt Sơn , Đặng Văn Tuyên cũng lao vào đánh đấm làm người đó ngã xuống đất không cử động. Sau đó, Quang phát hiện:“Đánh nhầm người rồi làm thế nào bây giờ?”, Thái nói đem Cường lên đồi giấu và cả bọn nhất trí. Quang đi trước dẫn đường, Tiếp cõng Cường, Tuyên và Sơn đỡ hai bên, Thái đi sau, đưa anh Cường lên đồi cây nhà ông Đặng Văn Tăng ( bố anh Đặng Văn Cường). Tiếp đặt Cường xuống đất, Quang nói “Làm cho nó chết hẳn đi” và hỏi nhà ai có thuốc trừ cỏ không thì Thái nói có và đi về nhà lấy, Quang nói có sợ có dấu vân tay để lại trên người Cường nên Tiếp bảo Tuyên và Sơn đi mua túi nilon, còn mình về nhà lấy dao, Tiếp ở lại trông Cường.
Một lúc sau Thái đem đến 1 lọ thuốc trừ cỏ GFAXONE 20L đã dùng dở và một ít cơm nguội, Tuyên và Sơn đi mua túi nilon về đưa cho mỗi người hai chiếc loại túi nilon màu trắng nhỏ để đeo vào tay, Quang cầm đến một con dao chuôi gỗ dài khoảng từ 40cm đến 50cm. Thái bảo Quang banh mồm Cường ra, Thái cầm lọ thuốc trừ cỏ cháy GFAXONE 20L màu trắng đổ vào mồm Cường và cầm luôn con dao Quang vừa mang đến cắt ngang vào cổ tay phải của Cường, Quang bảo Sơn dùng túi nilon hứng máu. Sau khi hứng máu xong, Sơn đưa túi máu cho Thái, Thái trộn cơm nguội với ít thuốc sâu còn lại rắc xung quanh người Cường, mục đích nếu có người phát hiện sẽ nghĩ là Cường tự tử. Quang cởi quần áo ngoài của Cường rồi bảo Tiếp mỗi người kéo một bên cùng kéo Cường vào bụi cây cách đó khoảng 2m. Cả bọn nghĩ Cường đã chết nên bỏ về. Thái cầm theo túi máu và vứt ở đám ruộng gần đường liên thôn, còn con dao Quang mang về nhà.
Khoảng 17 giờ ngày 15/7/2012, Cường tỉnh dậy về nhà tắm rửa, lên giường nằm ngủ đến 2 giờ ngày 16/7/2012, chị Bàn Thị Xanh (vợ Cường) phát hiện chồng đã chết.
Sau khi xác nhận vụ việc,tiến hành giám định, khám nghiệm tử thi… ngày 16/9/2012, cơ quan CSĐT công an huyện Hàm Yên có lệnh khởi tố vụ án hình sự đối với 5 bị cáo Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Cường, Đặng Việt Sơn và Đặng Văn Quang về tội danh “Giết người”.
*14 phiên tòa không đủ chứng cứ kết tội, đầy tiếng kêu oan
Phiên tòa đầu tiên mở ngày 21/5/2013 diễn ra chỉ buổi sáng tới đầu giờ chiều thì phải tạm hoãn vì nhiều tình tiết trong vụ án mâu thuẫn, nhất là về thời gian, logic sự việc… Cũng tại phiên tòa này, tất cả các bị cáo đều kêu oan và tố cáo mình bị bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra. Đó là phiên tòa náo loạn bởi tiếng kêu cứu của người nhà. Cả 13 phiên tòa tiếp theo cũng đều như vậy.
Sự việc trên được dần làm sang tỏ khi vào tháng 7/2014, luật sư Nguyễn Văn Hưng, Cty luật TNHH MTV Thái Hưng (Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc) cùng đồng nghiệp tham gia phiên xét xử của một vụ án khác tại TAND tỉnh Tuyên Quang, do phiên tòa bị hoãn nên luật sư Nguyễn Văn Hưng cùng đồng nghiệp ngồi dự phiên xét xử vụ án “Giết người” với 5 bị cáo nêu trên.
Tại phiên tòa, sau khi nghe cáo trạng và các quy kết buộc tội 5 bị cáo, nhận thấy có nhiều điểm không hợp lý, các chứng cứ mâu thuẫn nhau, nghi vấn đây là một vụ án có oan sai. Bên cạnh đó, các bị cáo liên tục kêu oan tại phiên tòa, liên tiếp khẳng định các bị cáo không tham gia đánh bị hại và thực hiện hành vi giết người với bị hại như cáo trạng quy kết. Tuy vậy, 3 luật sư bào chữa và 1 trợ giúp viên pháp lý (theo chỉ định-PV) tham gia phiên tòa không làm rõ được bất kì điểm mâu thuẫn, vô lý nào để bảo vệ cho các bị cáo. Luật sư Nguyễn Văn Hưng cùng đồng nghiệp đã chủ động liên hệ với thân nhân của các bị cáo, trao đổi thông tin và đề nghị được trợ giúp pháp lý cho 5 gia đình bị cáo.“Sau khi tiếp cận hồ sơ vụ án, tôi đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng về pháp luật tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang. Với hồ sơ trong vụ án tôi khẳng định chắc chắn đây là một vụ án oan lớn với 5 con người vô tội”- luật sư Hưng cho biết.
Cụ thể, về thương tích và nguyên nhân gây tử vong của nạn nhân Đặng Văn Cường, có sự mâu thuẫn lớn giữa kết luận điều tra, cáo trạng và kết luận giám định số 108/GDDTT12 ngày 15/9/2012 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, kết quả giám định thương tích trên thi thể anh Cường là 6%, mâu thuẫn với quy kết nạn nhân bị 5 người lao vào đánh cùng lúc bằng gậy đến ngất xỉu; Xét nghiệm thi thể không tìm thấy độc tố, mâu thuẫn với quy kết các bị cáo thực hiện hành vi đổ thuốc trừ cỏ vào miệng nạn nhân; Khám nghiệm tử thi nhận định vết cắt ở cổ tay phải không chảy máu, mâu thuẫn với tình tiết các bị cáo dùng dao cắt tay nạn nhân mục đích làm mất máu nhanh, dẫn đến tử vong nhanh hơn. Nguyên nhân chết: “ Suy hô hấp, suy tuần hoàn do tổn thương viêm phổi kẽ, không liên quan đến hàng loạt cáo buộc: gây thương tích, đổ thuốc trừ cỏ, cắt tay mất máu” như cáo trạng nêu.
Mặt khác, mối liên hệ nguyên nhân-kết quả của sự kiện và cái chết của Đặng Văn Cường thể hiện trong hồ sơ vụ án này cùng đầy mâu thuẫn. Cụ thể, về thời gian gây án: Điều tra quy kết tối 14/7/2012, Đặng Văn Quang cùng 2 con nhỏ ăn cơm ở nhà chị Đặng Thị Hiên, chị gái ruột của Đặng Văn Quang, khi ra về gặp nhóm Tuyên, Sơn, biết việc Tuyên bị đánh nên đưa con về rồi quay lại giúp Tuyên, Sơn chờ nhóm thanh niên kia sau đó cùng 4 người Tiếp, Sơn, Thái, Tuyên đánh nhầm Cường và có những hành vi nhằm giết chết Cường.
Tuy nhiên, lời khai của Đặng Thị Hiên (bút lục 786) cho thấy, tối hôm đó Quang cùng một số người trong thôn ăn cơm tại nhà chị và khoảng 3 giờ sáng hôm sau chị nghe tin Cường đã chết. Cùng với nội dung đó, Đặng Văn Thi (bút lục 772) cũng ghi nhận việc tối hôm trước ăn cơm tại nhà chị Hiên, sáng hôm sau đã nghe tin Cường chết. Tiếp theo là lời khai của Tướng Văn Bách (bút lục 776), anh Bách khẳng định khoảng 17 giờ chiều ngày trước hôm Cường chết, anh sang nhà ông Tăng chơi thì thấy Cường nằm trong giường, anh hỏi bố Cường thì ông trả lời “chắc nó ốm”, sau đó anh Bách đi sang nhà chị Đặng Thị Hiên ăn cơm. Lời khai của Đặng Văn Hải (bút lục 774) cũng khẳng định mình ăn cơm ở nhà chị Hiên tối hôm trước khi nghe tin Cường chết.
Các nhân chứng khẳng định, việc ăn cơm, uống rượu tại nhà chị Hiên xảy ra vào tối 15/7/2012 (sáng hôm sau đó biết tin Cường chết tại nhà). Như vậy, các cáo buộc sự kiện anh Quang ăn cơm tại nhà chị Hiên vào tối 14/7/2012 là mâu thuẫn với lời khai của nhân chứng, không có căn cứ...
(còn nữa)