THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:12

28 địa phương ra quy định ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân phải “xin phép”

 

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp sáng 28/1, trả lời câu hỏi xung quanh việc rà soát quy định ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của cán bộ tiếp công dân do UBND TP Hà Nội ban hành gây ồn ào dư luận suốt thời gian qua, ông Đồng Ngọc Ba khẳng định, việc Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các cấp ban hành nội quy tiếp công dân là thực hiện thẩm quyền và trách nhiệm do Luật Tiếp công dân 2013 quy định.

 

Người dân phát biểu ý kiến tại buổi tiếp công dân của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo UBND TP Hà Nội.

 

Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải ban hành nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân theo quy định tại Khoản 6 Điều 12 Luật tiếp công dân 2013. Đây là nội quy tại trụ sở có địa điểm cụ thể. UBND TP Hà Nội ban hành nội quy tiếp công dân trong trụ sở, số 34 Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) và 20 Hoàng Diệu (quận Hà Đông).

Sau khi dư luận ồn ào, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã rà soát tổng thể quy định này trên cả nước. Đến nay đã có 62/63 địa phương ban hành nội quy tiếp công dân theo Luật Tiếp công dân. Tuy nhiên việc quy định không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân thì chỉ có 28 địa phương ban hành. Quy định đã được thực hiện từ khá lâu, từ nhiều năm rồi nhưng tới gần đây khi Hà Nội ban hành Quyết định 12 có quy định như vậy thì dư luận mới quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng như các tỉnh ban hành nội quy như vậy là thực hiện theo luật giao.

Về nội dung, Luật Tiếp công dân không có quy định cụ thể và không có quy định về vấn đề cấm công dân được tiếp tại trụ sở trong việc quay phim chụp ảnh ghi âm. Tuy nhiên, trong luật này, tại Khoản 8 Điều 6 lại quy định nghiêm cấm vi phạm các quy định khác trong nội quy quy chế tiếp công dân. Đồng thời trong quy định về nghĩa vụ của người dân được tiếp tại trụ sở nhấn mạnh, người dân khi tới trụ sở tiếp công dân nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và hướng dẫn của người tiếp công dân.

Chính vì vậy, ông Đồng Ngọc Ba cho rằng, trách nhiệm xem xét tính pháp lý có phù hợp không, xử lý thế nào trước hết thuộc chính cơ quan ban hành, ở đây có trách nhiệm rất quan trọng của Thanh tra Chính phủ - cơ quan của Chính phủ được giao tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực tiếp công dân.

Trong buổi làm việc với Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội, đại diện các đơn vị Bộ Tư pháp và chuyên gia hàng đầu liên quan tới lĩnh vực này, lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có khuyến nghị với Thanh tra Chính phủ và TP Hà Nội rà soát thật kỹ để có giải pháp cho phù hợp cả về tính pháp lý và hợp lý. Thanh tra Chính phủ phải có rà soát, báo cáo Chính phủ để có giải pháp phù hợp. Bộ Tư pháp không đủ thẩm quyền ra quyết định, kiến nghị với cơ quan ban hành nội quy về tiếp công dân tại trụ sở.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh