THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:52

25% GDP của Việt Nam do 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp gia đình ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với kinh tế Việt Nam và thế giới.

Trong 3 năm qua, khu vực kinh tế tư nhân luôn đóng góp trên 40% GDP và sẽ đạt 65% vào năm 2030. Ngoài ra, khu vực này góp phần giải quyết công ăn việc làm, thu hút trên 83% lực lượng lao động, tương đương 45 triệu người. Về đầu tư, khu vực kinh tế tư nhân chiếm hơn 43% tổng vốn đầu tư xã hội.

25% GDP của Việt Nam do 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp - Ảnh 1.

Tập đoàn Doji - một trong những doanh nghiệp gia đình hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thế giới có đến 70% công ty theo mô hình doanh nghiệp gia đình khó duy trì đến thế hệ thứ hai và 90% không thể duy trì đến thế hệ thứ 3.

"Tôi nghĩ vấn đề quan trọng là phải chuẩn bị đầy đủ về mặt kiến thức, năng lực, đặc biệt là năng lực quản trị cho thế hệ sau. Thứ hai là sự đoàn kết, sự nhất trí giữa các thành viên trong gia đình cũng rất quan trọng. Thứ ba là việc thừa kế tài sản cũng phải đảm bảo hài hoà, phù hợp với lợi ích của tất cả các thành viên" - ông Thành nói.

Đại diện cho thế hệ thứ nhất của doanh nghiệp gia đình, bà Nguyễn Thị Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Legamex cho rằng các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam được hình thành trong quá trình đổi mới từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường và có ưu điểm là phát huy tốt các nghề truyền thống, huy động được nguồn vốn từ gia đình, dòng họ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gia đình cũng có ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp của gia đình nên mặc dù phát triển chậm nhưng bền vững. Chia sẻ về phương pháp quản trị doanh nghiệp gia đình hiệu quả để hạn chế xảy ra mâu thuẫn trong kinh doanh, bà Sơn cho biết, yếu tố đào tạo, truyền dạy kinh nghiệm, hiểu biết, kỹ năng của thế hệ trước cho thế hệ tiếp nối là quan trọng nhất. "Một doanh nghiệp gia đình cần khuyến khích giới trẻ đi học tập, phát huy cái mới, tạo điều kiện về mặt kiến thức cho họ phát triển một cách độc lập" - bà Sơn nói.

Ở góc độ thế hệ kế thừa trong doanh nghiệp gia đình, bà Nguyễn Thị Hồng Trang, Tổng Giám đốc GS25, con gái của bà Nguyễn Thị Sơn cũng nhìn nhận yếu tố then chốt trong quản trị gia đình là học hỏi, tiếp thu từ thế hệ đi trước. Bà Trang cho biết, mẹ của bà có vai trò định hướng trong công việc kinh doanh, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong suốt quá trình làm việc trước đó. Trên cơ sở này, thế hệ kế thừa đã được truyền cảm hứng, tiếp nối được truyền thống của gia đình.

Theo bà Trang, để hoá giải mâu thuẫn trong doanh nghiệp gia đình và phát triển bền vững thì cần đào tạo cho thế hệ sau tiếp nối được từ thế hệ trước thông điệp về tầm nhìn và giá trị về kinh doanh cối lõi của gia đình: "Cần học hỏi không ngừng để mỗi thế hệ phải tự phấn đấu, nỗ lực để hoàn thành mục tiêu trong giai đoạn mới. Một giá trị trong gia đình là các anh, chị, em cần có sự chia sẻ và phải yêu thương, đoàn kết với nhau để cùng phát triển."

Đ.THỌ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh