2016-2017: TP Hồ Chí Minh tự công nhận tốt nghiệp THPT
- Giáo dục nghề nghiệp
- 16:21 - 13/08/2016
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã nhất trí với đề xuất của lãnh đạo thành phố, tại buổi làm việc diễn ra vào đầu tháng 6 vừa qua, chọn TPHồ Chí Minh để thực hiện thí điểm các chủ trương chính sách mới về GD&ĐT. TPHồ Chí Minh sẽ được thực hiện hầu hết các khâu trong việc tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT dưới sự giám sát, hỗ trợ của Bộ GD&ĐT, bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Sở cũng sẽ thực hiện đánh giá chung định kỳ trên diện rộng theo quy định về đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, các trường cũng được giao quyền chủ động trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh…
Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHồ Chí Minh, cho biết sở đang lên phương án để có thể thực hiện việc công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh trong năm học tới. Theo đó, thành phố sẽ tổ chức một kỳ thi riêng để công nhận tốt nghiệp cho học sinh trên địa bàn. Đồng thời, sở cũng sẽ làm việc với các trường đại học, cao đẳng để thống nhất phương án tuyển sinh riêng vào các trường này cho học sinh trên địa bàn thành phố.
Ngoài cơ chế đặc biệt này, trên cơ sở khung chương trình giáo dục phổ thông quốc gia của Bộ GD&ĐT, TPHồ Chí Minh có thể tự biên soạn sách giáo khoa và những nội dung giáo dục về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế-xã hội của thành phố; áp dụng các chương trình giáo dục tiên tiến của các nước phát triển đối với các môn Toán, tiếng Anh và các môn khoa học tự nhiên, trên nguyên tắc đảm bảo mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông quốc gia.
Bên cạnh đó, TPHồ Chí Minh sẽ được thí điểm tổ chức khảo thí trình độ tiếng Anh của học sinh theo 4 kĩ năng nghe - nói - đọc - viết (không xét hoàn thành môn học theo cơ cấu điểm số như hiện nay).
Học sinh các trường chuyên, lớp chuyên nếu có nguyện vọng sẽ được tham gia thi một số tín chỉ, các môn cơ bản tương ứng đang được giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng. Những tín chỉ này được miễn trừ trong chương trình đào tạo đại học, cao đẳng nhằm rút ngắn thời gian đào tạo.
Kiến nghị xem xét lại việc cấm dạy thêm Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên đã kiến nghị xem xét lại quyết định ngừng dạy thêm trong nhà trường, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHồ Chí Minh đọc bản tổng hợp ý kiến thảo luận báo cáo tổng kết năm học 2015-2016 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2016-2017 ở phiên nội bộ diễn ra trước đó. Các đại biểu cho rằng thành phố nên có lộ trình thực hiện việc ngưng dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Bởi theo các đại biểu, trong điều kiện hiện nay, do chương trình nặng và áp lực thi cử nhiều nên việc dạy thêm học thêm là cần thiết để đảm bảo cung cấp đủ kiến thức cho các em. Nếu học sinh chỉ tham gia các giờ học chính khóa tại nhà trường thì không thể đảm bảo làm tốt bài thi. Hơn nữa, thời gian qua, dạy thêm học thêm đã đáp ứng rất lớn nhu cầu của phụ huynh học sinh trong nhà trường; đồng thời góp phần hỗ trợ đời sống, tăng thu nhập cho giáo viên, nhân viên tại các trường. Về vấn đề này, Sở GD&ĐT cho biết những kiến nghị của giáo viên về dạy thêm sẽ được trả lời sau nhưng cơ bản vẫn thực hiện theo chủ trương này để tiến tới xóa hẳn dạy thêm học thêm.. |