CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:52

Việt Nam đạt nhiều thành tựu và hoàn thành sớm một số Mục tiêu bình đẳng giới

.

Việt Nam hoàn thành sớm một số mục tiêu Thiên niên kỷ

Với mục đích tổng kết thành tựu và thách thức trong suốt 20 năm thực hiện TB& CLHĐBK, tọa đàm được tổ chức với sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, đại diện Lãnh đạo Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và các bộ, ban, ngành, các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ)… tại Việt Nam. 

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú LHQ tại VN tặng hoa cho Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan vì những đóng góp của bà. (Tại Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu diễn ra từ 14- 16/5/2015 tại thành phố Sao Paulo, Brazil, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã được trao giải thưởng Lãnh đạo Nhà nước Toàn cầu vì những nỗ lực nâng cao quyền năng cho phụ nữ và đặc biệt là những đóng góp trong tăng cường kết nối các doanh nhân nữ Việt Nam với thế giới).

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Phạm Thị Hải Chuyền tặng hoa các lãnh đạo nữ, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, mở đầu đầy ý nghĩa cho buổi khai mạc tọa đàm

 

Khai mạc sự kiện này Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: “Trong 20 năm qua, TB&CLBK đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam với sự quyết tâm và cộng đồng trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Việt Nam được LHQ công nhận đã thúc đẩy việc hoàn thành sớm một số Mục tiêu Thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Chúng ta cũng đang tích cực xây dựng những giải pháp cụ thể cho từng lộ trình thực hiện TB& CLHĐBK ”. 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu khai mạc


TB& CLHĐBK được thông qua tại hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ 4 diễn ra tại Bắc Kinh năm 1995 đã khẳng định quyết tâm tiến tới mục tiêu bình đẳng, phát triển và hòa bình cho tất cả phụ nữ ở mọi nơi trên trái đất vì lợi ích của toàn nhân loại. Theo đó, các Chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và người dân đã và đang thúc đẩy chuyển những cam kết của TB& CLHĐBK thành những thay đổi cụ thể tại từng quốc gia.

Cũng tại diễn đàn, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng nêu bật những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong bảo đảm bình đẳng giới, nâng cao địa vị và phát huy sức sáng tạo của phụ nữ. Phó Chủ tịch nước đồng thời nhấn mạnh những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững hơn.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng nêu bật những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong bảo đảm bình đẳng giới , nâng cao địa vị và phát huy sức sáng tạo của phụ nữ

 

Đề cập đến các thách thức phụ nữ trên toàn cầu đang phải đối mặt, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường chính sách, chiến lược về bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ cũng như nỗ lực của từng cá nhân phụ nữ, doanh nhân nữ trong việc chủ động nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

Cùng với đó, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền ghi nhận những đóng góp của phụ nữ trong suốt 20 năm qua vào sự phát triển đất nước vô cùng to lớn, cũng như các vấn đề phụ nữ, bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ tuy đã được Đảng và được Nhà nước hết sức quan tâm, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện.

 Do đó “kết quả của tọa đàm là cơ sở quan trọng để Việt Nam đánh giá khách quan trong việc thực hiện TB& CLHĐBK, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2011- 2020. Từ đó tìm biện pháp phù hợp, xác định các việc ưu tiên để thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam”- Bộ trưởng nói.

 

Thước đo sự tiến bộ xã hội là ở mức độ bình đẳng giới

Trong cuộc giao lưu trao đổi với các diễn giả, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa- người dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Trương Mỹ Hoa tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu năm 1995, cách đây tròn 20 năm, Nguyên Phó Chủ tịch nước xúc động nhớ lại hình ảnh đem tấm dải lụa do phụ nữ toàn quốc kết nối đến Bắc Kinh, “Mới thấy hết niềm phấn khởi của phụ nữ Việt Nam như thế nào với sự kiện quan trọng này. Từ hội nghị này, 189 nước có mặt ở hội nghị Bắc Kinh đã đưa ra TB& CLHĐBK, dâng lên lòng tin lớn với phụ nữ, và cả thế giới có sự chuyển mình trong công tác bình đẳng giới. Suốt 20 qua, bình đẳng giới và các vấn đề bình đẳng giới tại Việt Nam cũng như toàn cầu có nhiều tiến bộ vượt bậc”- Bà Trương Mỹ Hoa đánh giá.

Tuy thế, bà Trương Mỹ Hoa cũng đơn cử: “Mặc dù chỉ số Phát triển giới của Việt Nam cho thấy, Việt Nam đạt được tiến triển trong thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới, nhưng trong lĩnh vực tham gia và lãnh đạo của phụ nữ nữ, tỷ lệ lãnh đạo nữ trong khu vực nhà nước còn thấp. Về tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội hiện nay thấp nhất kể từ năm 1997. Tỷ lệ đại biểu nữ cao hơn ở cấp địa phương, tuy nhiên ít có tiến triển giữa các nhiệm kỳ, và chỉ tiêu 30% đại diện nữ vào năm 2011 chưa đạt được. Tỷ lệ đảng viên nữ tăng chậm và đạt 33% vào năm 2010. Tuy nhiên, số lượng lãnh đạo nữ ở các vị trí chủ chốt như Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Bí thư còn thấp”.

Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cùng các diễn giả giao lưu tại Tọa đàm

 

Các con số này gây ngạc nhiên trong bối cảnh Chính phủ áp dụng nhiều chính sách, chiến lược và chương trình tiến bộ về sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ. Do đó, theo bà Trương Mỹ Hoa: “Chúng ta ở trong nhóm nước có tỷ lệ phụ nữ cao, nếu ko phấn đấu hơn nữa tập trung vào mục tiêu tỷ lệ 30- 35% phụ nữ tham gia vào các cấp lãnh đạo, thì rất có thể các con số sụt giảm vừa nêu sẽ còn sụt giảm nữa. Chúng ta cần hết sức chú ý và có các giải pháp đột phá để hoàn thành các mục tiêu về bình đẳng giới”.

Thước đo sự tiến bộ xã hội là ở mức độ bình đẳng giới, là ở tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các cơ quan lãnh đạo… Thực trạng này đòi hỏi chúng ta cần có giải pháp quyết liệt, và có những đột phá để phụ nữ được đặt đúng vị trí, tiềm năng của phụ nữ được phát huy đúng mức.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú LHQ tại VN phát biểu tại Tọa đàm

 

Tại tọa đàm, Bộ trưởng  Phạm Thị Hải Chuyền cũng đưa ra nhiều gợi ý để các chuyên gia tập trung thảo luận một cách hiệu quả, đặc biệt Bộ trưởng tha thiết mong muốn qua tọa đàm, các chuyên gia cần báo cáo cụ thể và có các kiến nghị mạnh mẽ với Đảng , Nhà nước, về các biện pháp hữu hiệu nhằm tham mưu cho các cơ quan đó có giải pháp cụ thể, có từng bước đi vững chắc với quyết tâm chính trị cao, từ Nghị quyết đến hành động, để thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới đạt chỉ tiêu đề ra 2016- 2020.

Chặng đường còn dài, còn nhiều gian khổ, nhưng sự nghiệp giải phóng phụ nữ, đấu tranh vì bình đẳng giới và các vấn đề về phụ nữ, nếu so vị trí phụ nữ Việt Nam giữa các nước thì theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước tại Tọa đàm, các thành tựu của Việt Nam đạt được rất đáng tự hào.

Trên tinh thần chung đó, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú LHQ tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta đang trong thời khắc quan trọng khi lãnh đạo các quốc gia trên toàn thế giới đang xây dựng chương trình phát triển sau năm 2015. Tạo dựng một thế giới có bình đẳng giới cho thế hệ tương lai là một trong những nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất của thế kỷ. Bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là một ước vọng mà còn là trách nhiệm của Chính phủ, của LHQ và của tất cả chúng ta”.

Kết thúc tọa đàm, Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và LHQ đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới để đảm bảo một xã hội công bằng và bình đẳng thực chất cho phụ nữ và nam giới. Trao quyền cho phụ nữ là trao quyền cho cả nhân loại!

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh