20 năm lọc dầu Dung Quất!
- Huyệt vị
- 13:56 - 01/09/2017
Những con số ấn tượng!
Nếu không dùng những con số cụ thể để minh họa thì sẽ rất khó để nói về công trình có giá trị tương đương 3 tỷ USD này.
Chỉ sau 7 năm đi vào hoạt động, Lọc dầu Dung Quất đã sản xuất được 45.345 ngàn tấn sản phẩm các loại. Và xuất bán 45.135 ngàn tấn, đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cho doanh thu 814.173 tỉ đồng (tương đương 38 tỉ USD). Nộp ngân sách Nhà nước 137.393 tỉ đồng (tương đương 6,5 tỉ USD). Gấp đôi so với tổng mức đầu tư xây dựng nhà máy (3tỷ USD).
Nhưng, những con số “màu hồng” ấy chưa phải là tất cả những gì nổi bật nhất của dự án này. Nếu nói sự khai mở ngành lọc hóa dầu của Việt Nam thì chắc chắn ở thời điểm đó sẽ có nhiều lựa chọn chứ không phải là Dung Quất. Đó là hiệu quả kinh tế, là vị trí địa lý, là nguồn nhân lực phục vụ lâu dài cho nhà máy, những điều này không phải là lợi thế của Quảng Ngãi. Vì vậy, tất cả những điều ấy đã từng không ít lần làm dậy sóng nghị trường. Dự án đã qua mấy đời Thủ tướng vẫn bị nghi ngờ này đã là đề tài luôn luôn “nóng” cho báo chí khai thác. Sự phản biện của báo chí luôn xoáy sâu vào hiệu quả kinh tế. Nào là vận chuyển nguyên liệu quá xa, sản phẩm xuất ra lại phải chạy vòng vì miền Trung không phải là “điểm nóng” về phát triển của cả nước. Miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng không có nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển lâu dài của dự án.
Song, để có ngày hôm nay, có dự án này tồn tại, Chính phủ đã nhiều lần phải giải trình trước Quốc hội rằng, nếu không có những dự án tầm cỡ như lọc hóa dầu Bình Sơn thì miền Trung sẽ mãi là các tỉnh chậm phát triển. Không có công nghiệp bức phá, miền Trung vẫn mãi là một dải đất nghèo nàn và lạc hậu. 20 năm sau, Dung Quất đã có lọc dầu và miền Trung đã khoác lên mình chiếc áo mới là vậy, là chính nhờ vào những quyết sách táo bạo khi biến một vùng cát trắng mêng mông của Quảng Ngãi thành một đại công trường vận hành suốt ngày đêm.
Khi Quảng Ngãi có lọc dầu!
Cách đây 20 năm, Quảng Ngãi luôn nằm trong tốp đầu về tỷ lệ hộ nghèo ở Miền trung. Nông nghiệp vẫn là kênh kinh tế chủ lực của tỉnh. Công nghiệp phát triển manh mún, ngoài nhà máy đường Quảng Ngãi với ngành nghề chính là sản xuất đường thì Quảng Ngãi không có thêm mũi nhọn kinh tế nào đặc biệt.
Còn bây giờ thì sao?, nếu lấy mốc năm 2005, năm tái khởi động dự án lọc dầu, GDP bình quân đầu người ở Quảng Ngãi chỉ đạt 319 USD. Và tổng thu ngân sách đạt 546,2 tỉ đồng, thì chỉ sau 3 năm (năm 2008), GDP bình quân đầu người ở tỉnh này đã tăng gần gấp đôi: 608 USD và tổng thu ngân sách cũng cũng tăng gần gấp 3 lần: 1.557,2 tỉ đồng. Hiện tại, Quảng Ngãi đang nằm trong tốp 10 tỉnh, thành trong cả nước có số thu nội địa cao nhất.
Dẫn chứng như vậy để thấy, sẽ không có sự phát triển thần kỳ nào xảy ra nếu Quảng Ngãi không có lọc dầu. Không chỉ tăng tốc về kinh tế, nguồn lực của tỉnh này cũng đã được cải thiện một cách đáng kể. Năm 2009, khi nhà máy mới đi vào sản xuất, mới chỉ có khoảng 40% số cán bộ, công nhân viên là người Quảng Ngãi, thì nay con số đó đã lên đến 70%. Và hiện tại, đã có nhiều vị trí quan trọng của nhà máy, do chính cán bộ, kỹ sư người Quảng Ngãi đảm nhận.
Sự hiện diện của Lọc dầu Dung Quất sẽ mãi được ghi nhận là nhân tố tạo ra sự đột phá mạnh mẽ cho công nghiệp Quảng Ngãi. Tính đến giữa tháng 7-2016, tỉnh này đã thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất 130 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 182 nghìn tỉ đồng. Hiện đã có 84 DN đang hoạt động. Theo đánh giá của tỉnh Quảng Ngãi, NMLD Dung Quất là một trong những DN hoạt động hiệu quả nhất, góp phần quyết định thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh này phát triển.
Vốn quí là con người!
Đây là đánh giá của Tổng GĐ CTTNHH MTV Lọc Hóa Dầu Bình Sơn, Trần Ngọc Nguyên trong những lần gặp gỡ báo chí. Vì sao lại phải nhấn mạnh điều này?. Là vì sau 7 năm đi vào hoạt động và 20 năm hình thành dự án không ai có thể tin được rằng hiện có đến 99% đầu mối công việc của công trình vào loại hiện đại của thế giới này lại hoàn toàn do người Việt đảm trách. Số chuyên gia người nước ngoài hiện đang công tác tại nhà máy hiện chỉ còn “đếm trên đầu ngón tay”.
Và thành quả của những khối óc “made in Việt Nam” là trong quá trình vận hành nhà máy, đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật đã tạo ra hàng ngàn sáng kiến, hàng trăm đề tài khoa học nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất, làm lợi cho Nhà nước hàng trăm triệu USD. Trong 7 năm hoạt động, BSR đã thực hiện 130 sáng kiến, làm lợi cho Nhà nước 128,9 triệu USD (gần 3.000 tỉ đồng); có 596 cải tiến Kaizen, làm lợi 1,85 triệu USD và thực hiện 33 đề tài, nghiên cứu khoa học khác…
Vào ngày 29-10-2016, tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Diễn đàn Liên kết Thương mại toàn cầu Global GTA đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh DN năm 2016. Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn vinh dự được trao chứng nhận Doanh nghiệp Chất lượng và Thương hiệu hàng đầu năm 2016. Ghi nhận này là sự khẳng định: BSR là DN hàng đầu Việt Nam về doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy lọc dầu Dung Quất năm 2016. ảnh: Ngọc Lâm
Bông hoa đẹp của ngành Dầu khí!
Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng phát biểu như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường. Thông điệp này đã chỉ ra rằng phát triển là cần thiết, là động lực cho kinh tế cả nước nhưng không thể phát triển mà ảnh hưởng đến người dân, đến môi trường thiên nhiên. Và lọc dầu Dung Quất đã không đi theo con đường ấy. Ngày 5/4/2017, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn đã vinh dự đón nhận chứng chỉ “Trusted Green - Chỉ số tín nhiệm xanh 2016”. Đây là lần thứ 2 liên tiếp tính từ năm 2016, BSR vinh dự nhận chứng chỉ uy tín này.
Chứng nhận “Trusted Green - Chỉ số Tín nhiệm Xanh 2016” do Trung tâm Đánh giá chỉ số Tín nhiệm Châu Á Thái Bình Dương khảo sát và Tổ chức InterConformity - CHLB Đức giám sát chất lượng, Viện Doanh nghiệp Việt Nam cấp. Chứng nhận “Trusted Green” chính là thước đo chuẩn xác, là bằng chứng về hành động thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, an toàn, có trách nhiệm và nhiều quyết định mang tính đột phá hướng đến tiêu dùng bền vững của BSR.
Trong chuyến thăm và làm việc với BSR vào năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao việc bảo vệ môi trường của NMLD Dung Quất và cho rằng đây là hình mẫu về việc bảo vệ môi trường của những dự án công nghiệp hiện đại, quy mô lớn của Việt Nam. Thủ tướng đánh giá: Sự trưởng thành và lớn mạnh của BSR rất đáng trân trọng và rất đáng hoan nghênh. Đây là bông hoa đẹp không chỉ của ngành Dầu khí, mà của cả nền công nghiệp Việt Nam.
20 năm. Chặng đường chưa hẳn là dài, song đã ghi dấu những thời khắc thăng trầm, những khó khăn và cả vinh quang cho rất nhiều thế hệ đã cống hiến trí tuệ và sức lực của mình cho một biểu tượng công nghiệp của thời đại mới.
NMLD Dung Quất được xây dựng trên địa bàn hai xã Bình Thuận và Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một trong những dự án kinh tế trọng điểm quốc gia. Nhà máy chiếm diện tích khoảng 810ha, trong đó 345ha mặt đất và 471ha mặt biển. Công suất tối đa của nhà máy là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm tương đương 148.000 thùng/ngày, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của cả nước. Sản phẩm của nhà máy gồm: Propylene; khí hóa lỏng (LPG; xăng RON 92); xăng RON A95; dầu hỏa/nhiên liệu bay Jet A1; dầu động cơ diesel ôtô; dầu nhiên liệu (FO); polypropylene. Hiện nay, BSR đã nghiên cứu và sản xuất thành công các loại sản phẩm mới như xăng nhiên liệu sinh học E5-RON 92, nhiên liệu phản lực Jet A-1K và nhiên liệu diesel L-62 dùng cho quốc phòng. Nhà máy gồm 14 phân xưởng chế biến công nghệ, 10 phân xưởng năng lượng phụ trợ và 8 hạng mục ngoại vi. Các hạng mục chính của nhà máy bao gồm: cảng nhập dầu thô; khu bể chứa dầu thô; các phân xưởng phụ trợ; các phân xưởng công nghệ; khu bể chứa trung gian; đường ống dẫn và khu bể chứa sản phẩm; cảng xuất sản phẩm bằng đường biển và trạm xuất bằng đường bộ; đê chắn sóng; khu nhà hành chính; nhà máy sản xuất polypropylene. Từ ngày đi vào sản xuất đến nay, nhà máy đã dừng sản xuất để bảo dưỡng tổng thể (BDTT) 2 lần. Theo kế hoạch, vào ngày 5-6 tới đây nhà máy sẽ dừng sản xuất để BDTT lần thứ 3, dự kiến thời gian bảo dưỡng diễn ra trong vòng 52 ngày. Lần bảo dưỡng thứ nhất là nằm trong hợp đồng với nhà thầu chính. Việc BDTT là để kiểm tra, rà soát từng chi tiết nhỏ nhất xem tình trạng của thiết bị như thế nào, cái gì khắc phục…. Đây là điều khoản được quy định trong hợp đồng, chứ không phải vấn đề phát sinh. Việc BDTT lần thứ 2 và lần thứ 3 sắp tới cũng nằm trong kế hoạch và yêu cầu nghiêm ngặt của kỹ thuật. Qua các lần bảo dưỡng là một lần “nâng cấp” nhà máy tiếp cận với công nghệ cao, giúp đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật của nhà máy nâng cao năng lực làm chủ khoa học công nghệ. Mục tiêu của đợt BDTT lần 3 giúp NMLD hoạt động an toàn, ổn định ở công suất từ 110% trở lên; kéo dài thời gian BDTT từ 3 năm lên 4 năm. Lãnh đạo BSR phấn đấu BDTT lần này rút ngắn thời gian khoảng 7 ngày. Được biết đưa nhà máy vận hành sớm 1 ngày là Nhà nước có thêm 1 triệu USD. Hiện BSR đang tích cực triển khai Dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm. Với tiến độ như hiện nay dự án sẽ hoàn thành đúng kế hoạch vào cuối năm 2021. Công tác cổ phần hóa đang được triển khai đúng lộ trình, đã hoàn thành kiểm toán Nhà nước về giá trị doanh nghiệp. Theo kế hoạch BSR sẽ thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối năm nay. Từ năm 2010 đến nay BSR đã thực hiện chương trình an sinh xã hội trên 236 tỉ đồng (riêng tỉnh Quảng Ngãi là hơn 192 tỉ đồng). |