2 loại giấy tờ quan trọng của công dân sắp thay đổi
- Pháp luật
- 20:50 - 10/09/2020
Đối với thẻ Căn cước công dân
Theo quy định của Luật Căn cước công dân, bắt đầu từ năm 2016, thẻ căn cước công dân đã được cấp tại 16 địa phương, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình; Bắt đầu từ năm 2020, sẽ được cấp tại tất cả các địa phương trên cả nước.
Tuy nhiên, mới đây Bộ Công an đã đề xuất phát hành thẻ căn cước công dân có gắn thẻ chip điện tử, thay vì mã vạch như hiện nay.
Căn cước công dân gắn chip được cho là có nhiều điểm ưu việt như: Có tính bảo mật cao hơn, có thể lưu trữ được nhiều trường thông tin hơn, có thể tích hợp thêm các thông tin của các bộ, ngành khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe…
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký thông qua Quyết định 1368 chủ trương đầu tư dự án căn cước công dân có gắn chip với tổng vốn đầu tư lên đến gần 2.700 tỷ đồng.
Được biết, trước khi căn cước công dân có gắn chip được phát hành, trường hợp người dân bị mất hoặc hư hỏng Chứng minh nhân dân thì vẫn được làm thủ tục cấp đổi sang căn cước công dân mã vạch như hiện tại. Chứng minh nhân dân cũ nếu còn thời hạn sử dụng thì vẫn có nguyên giá trị pháp lý.
Trường hợp người dân khi chưa nhất thiết phải đổi ngay sang thẻ căn cước công dân được khuyến cáo có thể chờ để cấp thẻ căn cước công dân theo mẫu mới có gắn chip điện tử.
Đối với Giấy phép lái xe có 12 điểm
Cụ thể, theo dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất Giấy phép lái xe có tổng điểm là 12 điểm. Giấy phép lái xe bị trừ điểm khi người điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Hiện nay, Chính phủ đã chính thức thống nhất quy định Giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/năm tại Nghị quyết 123/NQ-CP.
Dự kiến sẽ có 10 hành vi và nhóm hành vi khi vi phạm, tài xế sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe ngay lập tức và 28 hành vi khi vi phạm, tài xế sẽ bị trừ điểm.
Đáng chú ý, nếu trong 1 năm, người tham gia giao thông bị trừ hết điểm thì sẽ phải thi lại giấy phép lái xe, ngược lại nếu không bị trừ hết điểm thì được cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong 1 năm mà không có vi phạm thì được cộng điểm, tức là phải có hình thức cộng lại điểm (hoặc khôi phục điểm) cho giấy phép lái xe. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân.
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ nhấn mạnh điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính (không phải là một hình thức xử phạt hành chính).