THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:25

15 năm nhớ Trịnh

 

Đã 15 năm kể từ ngày cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về với cát bụi, nhưng những giai điệu bất hủ của ông thì luôn còn mãi trong lòng công chúng yêu nhạc, vẫn tiếp tục vang vọng và làm rung động trái tim của bao thế hệ người hát, người nghe.

Trịnh Công Sơn đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, hy sinh, tận hiến hết mình cho nghệ thuật, cho đời, và cho người. Cuộc đời con người là hữu hạn, nhưng tác phẩm nghệ thuật đích thực thì trường tồn với thời gian. 

“Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ có nhiều người hâm mộ nhất. Đi đến đâu, tôi cũng thấy người ta hát ca khúc của anh. Nhạc Trịnh không chỉ ngự trị khắp mọi xó xỉnh của xứ Việt này mà còn len lỏi đến tận những ngóc ngách sâu thẳm nhất trong cõi tinh thần của người Việt ở Hải ngoại. Dường như ở đâu, Trịnh Công Sơn cũng có người yêu mến.” – Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ về cố nhạc sĩ. 
Với gia tài âm nhạc đồ sộ hơn 600 ca khúc, nhạc Trịnh trong mát và tự nhiên như suối nguồn cứ ngấm vào trong mỗi trái tim người yêu nhạc. 
Những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn về quê hương, tình yêu và thân phận con người dường như giúp người nghe có thêm niềm yêu sống với đời, với người, cảm thấy được an ủi, được vỗ về và sẻ chia cả những niềm vui lẫn nỗi tuyệt vọng. Những giai điệu trữ tình của ông đã được bao người xa quê hát lên khi nhớ về một mảnh quê hương thiêng liêng trong tâm tưởng... 
Đâu đây, khi buồn người ta vẫn hát “Cát bụi”, “Một cõi đi về”, “Hạ trắng”, "Chiếc lá thu phai"… bằng lời sầu da diết mang hơi hướng suy niệm miên man. Những ca khúc ngợi ca quê hương như "Huế - Sài Gòn - Hà Nội", "Nối vòng tay lớn" … giục giã lòng người, gắn liền với bao thế hệ thanh niên Việt Nam.
Nhạc sĩ của những tình khúc bất hủ "Diễm xưa", "Ướt mi", "Tình nhớ", "Em còn nhớ hay em đã quên", "Hoa vàng mấy độ", "Cỏ xót xa đưa", "Gọi tên bốn mùa", "Mưa hồng" từng được nhiều cây bút trong nước và hải ngoại ngợi ca là “Người Việt Nam viết tình ca hay nhất thế kỷ”
“Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi.” - (Trịnh Công Sơn)

Nhạc sĩ Văn Cao từng viết về Trịnh “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người của thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ... Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc theo cấu trúc bác học phương Tây.  Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra.”
Những ca khúc nhạc Trịnh đã làm nên tên tuổi của bao thế hệ danh ca Việt, từ những ca sĩ đầu tiên của dòng tân nhạc như Lệ Thu, Thái Thanh, đến nhiều ca sĩ các thời kỳ sau như Ngọc Lan, Tuấn Ngọc, Cẩm Vân, Trịnh Vĩnh Trinh và dòng nhạc hiện đại như Quang Dũng, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Tùng Dương... Tên tuổi gắn nhiều nhất với những bài hát nhạc Trịnh Công Sơn là Khánh Ly, bén duyên với nhạc Trịnh trong một dịp tình cờ, để rồi từ đó về sau đã thể hiện hầu hết những ca khúc của Trịnh Công Sơn, và được coi là người thành công nhất. Nữ ca sĩ luôn nhớ về người nhạc sĩ tài hoa với “tất cả nỗi buồn sâu kín và những kỷ niệm giữ cho riêng mình”.

 

Cách đây không lâu, đêm nhạc Trịnh với tên gọi “Biển nhớ tên Anh gọi về” diễn ra tại FLC Sầm Sơn với sự quy tụ của 3 nữ Diva hàng đầu Việt Nam Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung và đạo diễn âm nhạc – nhạc sĩ Phú Quang cũng đã đưa khán giả trở về với những câu chuyện trong hồi ức, được thể hiện qua từng ca khúc đi cùng năm tháng về tình yêu và cuộc đời của cố nhạc sĩ tài hoa.

“Ở đâu có con người , ở đó có tiếng hát. Trên mặt đất , trần gian này tiếng hát nhắc nhở ta 1 điều giản dị: tôi hát là tôi hiện hữu. Tôi tồn tại có nghĩa là tôi sẽ mất đi. Tôi mất đi, mọi người cũng sẽ mất đi, nhưng tiếng hát còn ở lại. Ở lại như chiến tích vừa buồn bã vừa huy hoàng của 1 cõi đời.” - (Trịnh Công Sơn)
Có lẽ bởi vậy, mà đến hôm nay, những giai điệu nhạc Trịnh vẫn luôn còn mãi qua bao thăng trầm của bụi mờ thời gian, nỗi nhớ mà cuộc đời dành người nhạc sĩ tài hoa ấy vẫn da diết đâu đây trong cõi thế gian này.

TIẾN LUYẾN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh