THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 02:41

14 năm “leo núi cao, vượt sóng cả” vì học trò

 

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh, cô Trần Thị Lệ nhận công tác giảng dạy ở xã quê hương Hải Hoà, TP.Móng Cái. Sau một thời gian làm việc, cô Lệ nhận quyết định chuyển công tác lên xã Hải Sơn, TP. Móng Cái. Xã Hải Sơn là một xã miền núi khó khăn, điện đường trường trạm chưa đầy đủ, đời sống người dân vô cùng khó khăn.

 


Cô giáo Trần Thị Lệ (bên trái ảnh) cùng đồng nghiệp.

Cô giáo Trần Thị Lệ (bên trái ảnh) cùng đồng nghiệp.


Một năm giảng dạy cho học trò ở xã Hải Sơn đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng cô giáo trẻ ngày đó. Cô thấu hiểu được sự gian nan mà học trò vùng cao phải trải qua để học được con chữ. Từ đó, cô càng dốc hết sức mình trong việc dạy học.

Gia đình của cô giáo Lệ cũng rất ủng hộ cô cống hiến cho công việc. Thậm chí, cha cô còn khuyên con gái: "Nếu còn cố được thì đừng xin nghỉ phép, ưu tiên công việc hàng đầu”.

Khi cô giáo Trần Thị Lệ được phân công ra đảo dạy học, cô không suy nghĩ nhiều mà đồng ý đi ngay. Mới đó mà đã hơn 10 năm cô công tác ở trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vĩnh Trung, đảo Vĩnh Thực (TP. Móng Cái).

Trên đảo, dân cư thưa thớt nên trường tiểu học và trung học hợp nhất thành trường liên cấp. Cô Lệ đảm nhiệm dạy môn Văn và môn Sử cho khối cấp 2.

“Tôi thấy người dân trên đảo rất quý giáo viên chúng tôi. Tôi nhớ có lần vào cuối tuần, những giáo viên nhà trong Móng Cái đều về nhà. Riêng tôi và cô bạn thân có khi cả tháng mới về nhà vào dịp cuối tuần. Những dịp cuối tuần ở lại đảo, chúng tôi đến chơi nhà các thầy cô giáo ở địa phương, đến thăm nhà học sinh hoặc rủ nhau đi ra biển chơi, đi bắt ốc… Dần dần tôi đã coi nơi đây là nhà của mình”, cô Lệ tâm sự.

Sau 10 năm sinh sống trên đảo, cô Lệ đã sinh sống như một người dân biển thực thụ. Không còn những cơn say sóng, làm quen với cuộc sống “ít thịt, nhiều tôm cá”. Năm 2007, trong một dịp giao lưu văn nghệ giữa đoàn viên giáo viên, học sinh trên đảo với đơn vị Bộ đội đảo Vĩnh Thực, cô giáo của xã đảo đã gặp rồi yêu và kết hôn với chồng hiện tại của mình - một cán bộ của đơn vị Bộ đội đảo Vĩnh Thực, cũng là một người con sinh ra và lớn lên trên đảo.

“Ngày biết tôi lấy chồng ở đảo, đã có không ít người nói rằng “người ta chuyển vào đất liền không được, mình lại còn ra đảo lấy chồng và ở ngoài đó”. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy hối tiếc về quyết định của mình. Vợ chồng tôi luôn được hai bên bố mẹ động viên, giúp đỡ về mọi mặt. Chồng tôi là quân nhân chuyên nghiệp nên cũng xác định công tác lâu dài trên đảo”, cô Lệ chia sẻ.

 


Cô Trần Thị Lệ là một trong số 42 giáo viên biển đảo trên toàn quốc được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2016. Trong ảnh: Cô Lệ chụp ảnh lưu niệm nhân buổi gặp gỡ Phó Chủ tịch nước cùng với 41 giáo viên tiêu biểu khác ngày 11/11/2016.

Cô Trần Thị Lệ là một trong số 42 giáo viên biển đảo trên toàn quốc được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2016. Trong ảnh: Cô Lệ chụp ảnh lưu niệm nhân buổi gặp gỡ Phó Chủ tịch nước cùng với 41 giáo viên tiêu biểu khác ngày 11/11/2016.


Cô Lệ cô biết, từ đảo Vĩnh Thực về đất liền chỉ mất 10 phút đi canô vào những khi thời tiết thuận lợi. Thế nhưng, nếu gặp hôm xấu trời thì người dân phải mất tới vài tiếng chờ đợi hoặc không thể khởi hành. Thêm vào đó, địa phương này cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của những cơn bão, biển động nên người dân trên đảo luôn ở trong tư thế sẵn sàng ứng phó. Gia đình 4 người của cô giáo Lệ hiện đang ở trong khu tập thể nhà cấp 4 rộng 15m2 do nhà trường cho mượn, mỗi lần có tin báo bão hai vợ chồng phải lo chằng chống nhà cửa…

Cô nghẹn ngào nhớ lại: “Lần đó vào đúng mùng 5 Tết, con gái lớn của tôi sốt cao. Thấy cháu mãi không hạ sốt nên hai vợ chồng bàn nhau đưa con vào đất liền cấp cứu. Song vì đúng ngày Tết nên không có thuyền dịch vụ hàng ngày. Tôi phải thuê xuồng ngoài để chở con đi nhưng lại gặp đúng ngày sương mù nên xuồng bị lạc, kẹt trên biển. Vậy là tôi ôm con sốt cao ngồi trên xuồng lạc giữa sương mù mà khóc”.

Đó là lần cô giáo cảm thấy bất lực và đau xót cho con vì phải chịu cảnh thiếu thốn các điều kiện cơ bản như là y tế. Cô Lệ cho biết hiện nay trên đảo Vĩnh Thực không có trung tâm y tế có đủ chức năng để cấp cứu những trường hợp như gãy tay, chân hay đau ruột thừa… Mặc dù người dân trên đảo đều được hưởng chế độ bảo hiểm y tế 100% nhưng có những trường hợp không kịp cấp cứu.

Dù vậy, cô giáo cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại. Cô luôn là một giáo viên mẫn cán nên đã đạt danh diệu Giáo viên giỏi cấp thành phố nhiều năm liên, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Điều khiến cô Lệ trăn trở nhất là trình độ dân trí của người dân trên đảo còn nhiều hạn chế nên đa số các gia đình trên đảo chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em mình. Hơn nữa, vì lợi ích trước mắt từ nghề biển mang lại, có em kiếm được vài trăm nghìn mỗi buổi đi biển, nên rất nhiều học sinh coi nhẹ việc học và muốn nghỉ học làm lao động chính. Vì thế mà công tác phổ cập, vận động học sinh ra lớp luôn là một vấn đề nan giải đối với giáo viên và nhà trường.

Là một giáo viên có kinh nghiệm dạy học và sinh sống “trên núi, dưới biển”, cô Lệ nhận xét: “Nếu so sánh thì tôi nhận thấy điều kiện học tập của học sinh xã miền núi Hải Sơn khó khăn hơn trên đảo Vĩnh Thực, bởi xuất phát từ điều kiện kinh tế và nhận thức của người dân đều không bằng. Học trò phải băng rừng vượt núi để đến lớp. Ngược lại, học trò ngoài đảo thiếu nhiều kiến thức xã hội vì ít được tiếp xúc với bên ngoài”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh