13 người Na Uy chết, nghi do tác dụng phụ của vaccine, nước nghèo sẽ nhận lô vaccine trong quý 1
- Công nghệ
- 18:45 - 16/01/2021
Vietnamnet đưa tin, theo Cơ quan Thuốc Na Uy, kết quả cho thấy một số tác dụng phụ thông thường có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng ở người già yếu. Trong số những trường hợp tử vong, 13 người được khám nghiệm tử thi. Tất cả đều trên 80 tuổi.
Viện Y tế Công cộng Na Uy cũng đồng quan điểm: “Đối với những người bị suy nhược nghiêm trọng, các tác dụng phụ tương đối nhẹ của vắc xin cũng có khả năng dẫn tới hậu quả nặng nề”.
Đó là dấu hiệu ban đầu về những điều cần chú ý khi các quốc gia ban hành báo cáo giám sát an toàn vắc xin.
Emer Cooke, người đứng đầu Cơ quan Thuốc châu Âu, cho biết, việc theo dõi độ an toàn của vắc xin Covid-19, đặc biệt là dược phẩm dựa trên công nghệ mới như RNA thông tin, là một trong những thách thức lớn nhất khi việc tiêm chủng được triển khai rộng rãi.
Pfizer và BioNTech đang làm việc với cơ quan quản lý Na Uy để điều tra các trường hợp tử vong. “Số lượng sự cố cho đến nay không đáng báo động”, đại diện Pfizer nói.
Tại Mỹ, các nhà chức trách ghi nhận 21 trường hợp dị ứng nghiêm trọng từ ngày 14 đến 23/12 sau khi tiêm khoảng 1,9 triệu liều vắc xin Pfizer - BioNTech (tỷ lệ 11 người/1 triệu liều).
Cả hai loại vắc xin Covid-19 được chấp thuận ở châu Âu đã được thử nghiệm trên hàng chục nghìn người (cả những người 80 - 90 tuổi). Tuy nhiên, tuổi trung bình của tình nguyện viên tham gia thử nghiệm là 50.
Trong khi đó, nhóm đầu tiên được chủng ngừa ở nhiều nơi lại là những người cao tuổi trong viện dưỡng lão.
Na Uy đã tiêm ít nhất một liều cho khoảng 33.000 người, tập trung vào đối tượng được cho là có nguy cơ cao nhất, bao gồm cả người cao tuổi. Vắc xin Pfizer - BioNTech được phê duyệt vào cuối năm ngoái đã được sử dụng rộng rãi nhất.
Báo cáo an toàn đầu tiên trên toàn châu Âu về vắc xin Pfizer - BioNTech có thể sẽ được công bố vào cuối tháng 1. Các nhà sản xuất vắc xin được yêu cầu gửi dữ liệu hàng tháng.
Thông tin trên Vietnamplus cho biết, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - bà Soumya Swaminathan ngày 15/1 cho biết, dự kiến, lô vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đầu tiên theo Cơ chế tiếp cận vắcxin toàn cầu COVAX sẽ được phân phối cho các nước nghèo trong quý 1 năm nay.
Cùng ngày, Ủy ban Khẩn cấp của WHO cho rằng, việc chứng minh đã được tiêm chủng vắcxin phòng Covid-19 hay miễn dịch với bệnh không nên là điều kiện để cho phép đi lại xuyên quốc gia do "những ẩn số quan trọng" liên quan tới tính hiệu quả của vắcxin trong việc giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm cũng như do số lượng còn hạn chế.
Trong danh sách các khuyến cáo được ủy ban gồm 19 chuyên gia độc lập của WHO đưa ra, WHO kêu gọi các quốc gia giám sát các biến thể của virus SARS-CoV-2, như những chủng được phát hiện tại Anh và Nam Phi, nhằm đánh giá tác động đối với tính hiệu quả của các loại vắcxin, thuốc và xét nghiệm chẩn đoán.
Trong khi đó, Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho hay dịch Covid-19 đang ngày càng gia tăng tại nhiều khu vực của Brazil, Trung và Nam Mỹ. Nếu làn sóng hiện tại tiếp diễn, nó sẽ lớn hơn làn sóng thảm họa trước đó.