THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:54

11 trường quốc tế tại Hà Nội là những trường nào?

 - Ảnh 1

Các cơ sở giáo dục mang danh quốc tế sẽ được TP. Hà Nội quản lý chặt chẽ hơn. Ảnh: Khuê Diệp.


Sau sự việc xảy ra tại trường Gateway, nhiều thông tin mập mờ về việc có hay không các trường quốc tế là "tự phong" để thu hút học sinh. 

Trao đổi với vneconomy.vn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang thông tin, theo thống kê chính thức của sở, đến nay trên địa bàn thành phố chỉ có 11 trường theo quy định được gọi là trường quốc tế, còn các trường khác là có yếu tố nước ngoài chứ không phải trường quốc tế.

11 trường quốc tế tại Hà Nội gồm: Trường quốc tế đa cấp Anh Việt Hoàng Gia; Trường quốc tế đa cấp Anh - Hà Nội; Trường phổ thông đa cấp Concordia Hanoi; Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Song ngữ quốc tế Horizon tại thành phố Hà Nội; Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông quốc tế Singapore; Trường Tiểu học quốc tế Singapore tại Gamuda Gardens; Trường Tiểu học quốc tế Singapore tại Ciputra; Trường Tiểu học quốc tế Singapore tại Vạn Phúc; Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông quốc tế St.Paul; Trường Mầm non và Phổ thông quốc tế ParkCity Hà Nội và Trường Hàn Quốc tại Hà Nội.

Đây là các trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài và đã đăng ký hoạt động với Sở GD&ĐT Hà Nội theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Các trường này dạy chương trình quốc tế cho học sinh người nước ngoài sống tại Việt Nam và cả học sinh người Việt Nam, với tỷ lệ không quá 49% tổng số học sinh.

Trao đổi với Hanoimoi.com.vn, ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT cho biết, các trường nói trên dạy chương trình quốc tế cho học sinh người nước ngoài sống tại Việt Nam và cả học sinh người Việt Nam (với tỷ lệ không quá 49% tổng số học sinh). Ngoài ra, còn có 25 trường dạy một phần chương trình quốc tế hoặc chương trình tích hợp. Trong số đó, có nhiều trường không có danh xưng “quốc tế”, như: Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam… 

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hà Nội mới tại các địa bàn các quận như: Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai..., không phải địa phương nào cũng dành sự quan tâm đúng mức đối với việc quản lý các cơ sở giáo dục này.

Còn theo bà Nguyễn Thị Mai, phụ huynh học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa), các trường có yếu tố nước ngoài, giảng dạy chương trình quốc tế… nếu sai phạm phải xử lý nghiêm minh, tránh hiện tượng nơi làm nghiêm, nơi lại lơ là, gây mất niềm tin xã hội và người học bị thiệt thòi. Cũng theo bà Mai, Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã nêu rõ các mức xử phạt về nội dung chương trình, đối tượng tuyển sinh, bằng cấp…, song dường như quy định này hiện chưa được thực thi nghiêm túc. 

Trước đó, cũng lên tiếng về khái niệm trường quốc tế, đại diện Bộ GD&ĐT, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Phạm Quang Hưng khẳng định, nếu tên trường trong quyết định cho phép thành lập không có chữ "quốc tế" mà trường tự thêm vào là đã thực hiện sai quy định.

Cụ thể, việc đặt tên các trường đã được quy định rõ trong Điều lệ trường của các cấp học và Nghị định số 86/2018/NĐ-CP như: Tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: trường, cấp học hoặc trình độ đào tạo và tên riêng cũng như không vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Tuy nhiên, tên gọi nhà trường chưa nói lên tất cả. Do đó, theo ông Hưng, phụ huynh khi lựa chọn trường cần xem xét đầy đủ các thông tin như: Chương trình giáo dục và ngôn ngữ giảng dạy, giáo viên, cơ sở vật chất, vốn đầu tư, mô hình quản trị… về nhà trường thông qua nhiều kênh khác nhau.

Liên quan đến vấn đề này, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cũng sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục. 

HOA HẠ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh