11 nhà máy may mặc và giày da sẵn sàng chung tay vì trẻ em
- Dược liệu
- 16:44 - 01/12/2017
Theo đó, một phần trong loạt hoạt động khởi động là các nhà máy sẽ triển khai chiến dịch 60 phút nâng cao nhận thức làm mẹ với sự hợp tác của tổ chức iCare Benefit và Nhóm Purpose. Mục đích của hoạt động này nhằm giúp nâng cao nhận thức về việc cho con bú tại nơi làm việc cho công nhân và khuyến khích các cấp lãnh đạo áp dụng các chính sách hỗ trợ người lao động trong thời gian cho con bú.
Ông Jesper Moller, Phó Trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam cho rằng: "Ngành công nghiệp giày da và may mặc sử dụng khoảng 3,5 triệu lao động ở Việt Nam, trong đó 80% là phụ nữ trẻ và đa số di cư từ nông thôn đến làm việc tại nhà máy. Vì vậy, những doanh nghiệp này ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em, cả trực tiếp lẫn gián tiếp thông qua các chính sách và thực tiễn áp dụng đối với công nhân. Tôi hoan nghênh các nhà máy tham gia vào chương trình này đã nhận thức được vai trò của mình cũng như cam kết hành động và trở thành những người ủng hộ quyền trẻ em".
Các công nhân sẽ được tham gia hoạt động 60 phút nâng cao nhận thức làm mẹ.
Việc phát động Chương trình "Quyền trẻ em tại nơi làm việc trong các nhà máy sản xuất giày da và may mặc" nhận được sự hỗ trợ của UNICEF, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và Tổ chức iCare Benefit. Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng: "Việc thúc đẩy quyền trẻ em của các doanh nghiệp sẽ đóng góp vào việc thực hiện những mục tiêu đề ra trong Kế hoạch hành động Quốc gia về Thực hiện Phát triển Bền Vững định hướng tới năm 2030".
Sự kiện phát động Chương trình "Quyền trẻ em tại nơi làm việc trong các nhà máy sản xuất giày da và may mặc" thu hút sự tham gia của đại diện từ cộng đồng doanh nghiệp (các nhà máy, các hiệp hội ngành nghề, các thương hiệu, các nhà cung cấp), chính phủ, các tổ chức quốc tế và phi lợi nhuận nhằm nâng cao nhận thức về việc các doanh nghiệp trong ngành giày da và may mặc có thể giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa cơ hội thông qua hướng dẫn toàn cầu về tuân thủ và thực hiện quyền trẻ em. Hướng dẫn này được nêu trong Bản Các nguyên tắc Hướng dẫn của Liên hợp quốc về Kinh doanh và Quyền con người và Hướng dẫn này cũng được quy định rõ hơn trong Bản Nguyên tắc Quyền của Trẻ em trong Kinh doanh do UNICEF, tổ chức Global Compact và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cùng xây dựng.
Ông Yao Cheng Wu, Giám đốc Pou Yuen Việt Nam, một trong những nhà sản xuất tham gia vào chương trình này - đã chia sẻ tại sự kiện rằng, nhà máy của công ty Pou Yuen tại TP Hồ Chí Minh hiện đang sử dụng 74.000 công nhân, trong đó 80% là nữ và trung bình mỗi tháng có 400 trẻ được sinh ra. Điều đó có nghĩa là Pou Yuen có cơ hội tạo sự khác biệt và đóng góp trực tiếp cho phúc lợi của hơn 4.500 trẻ em mỗi năm thông qua các chương trình và chính sách tại nơi làm việc thân thiện với gia đình.
"Chúng tôi đã thấy rằng, các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy (tầm ảnh hưởng, nguồn lực và thẩm quyền) của mình để hỗ trợ và phát huy quyền trẻ em có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến đời sống của trẻ và trở thành một động lực thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em", bà Ines Kaempfer, Giám đốc Trung tâm Quyền Trẻ em và Trách nhiệm của Doanh nghiệp nhấn mạnh.
UNICEF phối hợp chặt chẽ với các công ty, hiệp hội doanh nghiệp, thương hiệu, các ban ngành chính phủ có liên quan, các tổ chức phi lợi nhuận, các nhóm thanh niên, giới học giả và các tổ chức Liên hợp quốc để thúc đẩy quyền của trẻ em và hoạt động kinh doanh trong nước. Tại sự kiện này, đại diện từ các nhà máy đã chia sẻ chính sách mà các nhà máy này đang áp dụng để hỗ trợ công nhân đã có con, trẻ em và cũng chia sẻ suy nghĩ của họ về vai trò của các bên liên quan - thương hiệu, hiệp hội ngành nghề, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ trong việc thúc đẩy quyền trẻ em trong ngành thuộc sự quản lý của mình.