THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:59

108 dự án chung cư xảy ra tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư

 

Báo cáo Bộ Xây dựng chỉ rõ, từ 43 báo cáo của địa phương và số lượng đơn thư gửi về Bộ Xây dựng ghi nhận có 215 dự án có khiếu nại, tranh chấp. Trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án, còn lại 107 dự án có khiếu nại, tranh chấp không thuộc phạm vi báo cáo như tranh chấp, khiếu nại về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và những nội dung dân sự khác.

Các nội dung liên quan đến tranh chấp, khiếu nại bao gồm: Tranh chấp liên quan đến phần diện tích sở hữu chung, riêng; tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; tranh chấp liên quan đến kinh phí quản lý, vận hành; tranh chấp liên quan đến chất lượng công trình; tranh chấp liên quan đến tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu; các tranh chấp liên quan đến Hợp đồng mua bán căn hộ; tranh chấp về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và một số tranh chấp khác trong quá trình quản lý sử dụng, vận hành.

5 nguyên nhân

Báo cáo gửi Chính phủ cũng nêu rõ, 5 nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện, tranh chấp.

Thứ nhất, một số quy định pháp lý về quản lý, sử dụng nhà chung cư như: cách tính diện tích căn hộ, diện tích lô gia, hộp kỹ thuật, diện tích chung – riêng… chưa đủ rõ. Quy định các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm chưa phù hợp với yêu cầu quản lý.

Thứ hai, một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án không đúng quy định, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, pháp luật về PCCC và các pháp luật khác có liên quan. Trong đó, một số chủ đầu tư chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng của mình, không công khai đầy đủ các thông tin về dự án và những thay đổi của dự án trong quá trình thực hiện đầu tư theo quy định.

Thứ ba, người dân khi mua nhà ở đã không xem xét hết các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ đã ký đặc biệt là các thoả thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quản lý, sử dụng nhà ở sau khi nhận bàn giao. Ngoài ra, cũng có trường hợp mặc dù luật pháp đã có quy định giải quyết, nhưng người mua nhà lại chưa nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật hoặc không tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia pháp luật nên đưa ra các yêu cầu không hợp lý, không đúng quy định của pháp luật…

Thứ tư, vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực hiện tốt; chưa thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật để các chủ thể liên quan hiểu và áp dụng luật pháp thống nhất (bao gồm quyền, nghĩa vụ và chế tài xử lý theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về hành chính, pháp luật về dân sự…).

Các hành vi vi phạm trong quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các sai phạm trong công tác sử dụng, quản lý, vận hành nhà chung cư chưa được coi trọng, chưa sát sao đôn đốc, hướng dẫn, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ khi mới phát sinh dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài…

Thứ năm, vai trò của chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư và ý thức, trách nhiệm của các chủ sở hữu, người sử dụng căn hộ ở một số nhà chung cư chưa đáp ứng mô hình quản lý, sử dụng nhà chung cư. Các lợi ích cục bộ chưa được các chủ thể đối thoại, hòa giải để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên theo quy định pháp luật.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của các khiếu kiện, tranh chấp, Bộ Xây dựng đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đồng thời đôn đốc, kiểm tra, thanh tra các trường hợp vi phạm

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh