Kiểm tra PCCC nhà chung cư: Nhan nhản những sai phạm
- Huyệt vị
- 00:40 - 08/05/2018
Thiết bị phòng cháy để trang trí
Địa điểm kiểm tra đầu tiên của Đoàn liên ngành là khu chung cư M3-M4, M5, địa chỉ số 91 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện hàng loạt sai phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Theo kết quả kiểm tra, tòa nhà chung cư M3-M4, gồm 2 khu A (25 tầng) và khu B (2 khối nhà 17 tầng và 21 tầng), hoạt động từ năm 2005, đơn vị chủ quản thuộc Công ty CP đầu tư xây lắp và phát triển nhà. Tại đây có khoảng 256 căn hộ, trên 1.000 người sinh sống, 20 căn hộ cho thuê văn phòng. Tuy nhiên, vào thời điểm Đoàn tiến hành kiểm tra tại chung cư M3-M4 hệ thống báo cháy tự động; bình chữa cháy, bình cứu hỏa không hoạt động; một số cửa chống cháy tại buồng thang bộ cơ cấu tự đóng kém; đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố không đảm bảo; chưa tổ chức mua bảo hiểm cháy, nổ tại tòa nhà…Trong khi đó, tại chung cư M5, hiện nay không có Đội PCCC cơ sở, công tác PCCC tại chỗ chưa được quan tâm đúng mức.
Tương tự tại Nha Trang (Khánh Hòa) đoàn kiểm tra công tác PCCC tại chung cư 60 Nguyễn Thiện Thuật (phường Tân Lập, TP Nha Trang). Tại đây, đoàn phát hiện nhiều sai phạm trong công tác đảm bảo PCCC của chung cư này. Cụ thể, chung cư chưa có quy định về PCCC, sổ theo dõi thiết bị PCCC. Vị trí đặt họng tiếp nước cho xe chữa cháy không hợp lý. Máy phát điện chưa được ngăn cách khu vực để xe. Vòi chữa cháy tại tầng 15 không thể sử dụng. Hệ thống báo cháy, cứu hỏa tự động tại tầng hầm không hoạt động đầy đủ. Được biết, Chung cư Nguyễn Thiện Thuận được đưa vào sử dụng từ năm 2008, gồm 15 tầng nổi và một tầng hầm, có 110 căn hộ, nằm ngay trung tâm Nha Trang.
Toàn quốc có trên 4.100 chung cư, nhà cao tầng, siêu cao tầng. Trong đó, 7 tỉnh, thành lớn trong danh sách kiểm tra đột xuất lần này, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, Vũng Tàu có hơn 3.600 chung cư. Nhưng hơn một nửa trong số này vẫn chưa thành lập được đơn vị quản lý hoặc ban quản trị tòa nhà. Đây cũng là một trong những lý do khiến hệ thống an toàn PCCC của nhiều tòa nhà bị bỏ ngỏ, rơi vào “cảnh cha chung không ai khóc”.
Thượng tá Bùi Quang Việt - Phó Cục trưởng cục Cảnh sát PCCC và CHCN (Bộ Công an) cho biết, cách đây hơn 1 năm, đã có thông tin trên địa bàn TP.Hà Nội hiện thiếu 4.000 trụ nước cứu hỏa, trong đó có 300 trụ không lấy được nước. Thế nhưng đến nay những tồn tại này vẫn chưa được khắc phục.
Chủ đầu tư “phớt lờ” để trục lợi
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng: Luật nhà ở và Luật xây dựng vẫn còn thiếu các vấn đề về quản lý chung cư, trong khi tranh chấp ở chung cư ngày một leo thang. Vì vậy các vấn đề cấp bách liên quan đến tính mạng của người dân phải đưa vào luật, chứ không thể để ở hình thức văn bản dưới luật được. Ngay cả luật PCCC vẫn chỉ nói chung chung chứ chưa có các quy định chi tiết. Vì vậy, vấn đề tranh chấp chung cư và phòng chống cháy nổ cần phải được luật hóa, để chủ đầu tư có trách nhiệm hơn.
“Hiện nay, chủ đầu tư đang rất thiếu trách nhiệm trong việc PCCC. Nhiều nơi trang bị các hệ thống và thiết bị rẻ tiền, thiếu chất lượng. Thậm chí trang bị để đối phó với chuyện nghiệm thu bàn giao căn hộ, khi nghiệm thu thì vận hành được, đến khi có sự cố thì không", ông Lê Hoàng Châu nói.
Ths.KTS.Trần Thanh Ý - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển đô thị cho biết, lĩnh vực PCCC tương đối đầy đủ đi từ luật đến nghị định, quy chuẩn, tiêu chuẩn. Bộ Xây dựng cũng thường xuyên ban hành văn bản đối với yêu cầu quản lý vận hành nhà chung cư, không chỉ PCCC mà còn yêu cầu an toàn cho công trình. Nhưng việc thực thi, giám sát những nội dung đó, thưởng phạt, chế tài thường không nghiêm".
Ví dụ, đối với các chủ đầu tư, ngay khi lập dự án, phải đáp ứng đủ quy chuẩn về PCCC mới được cấp giấy phép xây dựng. Theo Luật Phòng cháy chữa cháy, chủ đầu tư thực hiện thủ tục trình duyệt dự án, thiết kế về PCCC và chỉ được thi công khi thiết kế về an toàn PCCC của công trình đã được duyệt. Khi hoàn thành dự án, chủ đầu tư phải được thẩm duyệt về PCCC. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều chủ đầu tư đưa dân vào ở trong các chung cư cao tầng khi chưa được nghiệm thu về PCCC và xây dựng; thay đổi công năng các hạng mục trong chung cư, không tổ chức duy tu, bảo dưỡng hệ thống, thiết bị PCCC, cơi nới, lấn chiếm lối thoát nạn…
“Ngay trong thiết kế ban đầu của công trình hay dự án được duyệt đã có hệ thống PCCC. Trong giá bán nhà, chủ đầu tư đã tính cả chi phí bảo đảm an toàn về PCCC. Luật Phòng cháy và Chữa cháy cũng quy định rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý trực tiếp, tuy nhiên các chủ đầu tư thường cố tình "phớt lờ" các quy định của pháp luật để trục lợi. Trong khi đó, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về PCCC theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ chỉ từ 50 - 80 triệu đồng, còn chi phí hoàn thiện hệ thống PCCC lên tới hàng tỷ đồng. Chính vì vậy, nhiều chủ đầu tư chọn phương án chấp nhận chịu phạt”- Ths.KTS.Trần Thanh Ý bình luận.
PGS.TS.Trần Chủng đánh giá: “Có thể khá nhiều khu chung cư khi nghiệm thu đưa vào khai thác rất hoàn chỉnh nhưng sau một thời gian hệ thống trang thiết bị phòng chống cháy không hoạt động. Chủ đầu tư chung cư vì muốn tiết kiệm, có lãi tối đa nên xài thiết bị chất lượng không đảm bảo, tuổi thọ thấp nên sau một thời gian sử dụng thì bị hư hỏng, không hoạt động, cháy không báo, dẫn đến các vụ việc đau lòng".