CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:07

100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời

 

Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội

Mục tiêu của Đề án giai đoạn 2017- 2020 là 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; mở rộng người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số được hưởng trợ cấp xã hội.

50% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 10% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.

 

 

Giai đoạn 2021- 2025, Đề án đề ra mục tiêu 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng; có chính sách trợ giúp đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục mở rộng diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp xã hội.

70% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 30% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.

Tầm nhìn đến năm 2030, Đề án đề ra mục tiêu 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; mở rộng diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của Nhà nước, trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội; mức trợ cấp xã hội điều chỉnh phù hợp với khả năng ngân sách và xu hướng quốc tế.

90% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 50% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.

Thay đổi cách thức trợ giúp xã hội

Để đạt được các mục tiêu mà Đề án đề ra từ nay đến năm  2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Đề án thực hiện tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách trợ giúp xã hội. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp trong chỉ đạo, huy động nguồn lực và thực hiện trợ giúp xã hội.

Tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp xã hội, vận động xã hội nhằm thay đổi cách thức trợ giúp xã hội theo hướng tiên tiến, hiệu quả, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội.

Đồng thời, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội. Cụ thể, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách trợ cấp xã hội theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng theo mục tiêu của Đề án; nghiên cứu, xây dựng mức chuẩn trợ cấp xã hội và các hệ số trợ cấp xã hội dựa trên nhu cầu tối thiểu của con người, theo vòng đời và bảo đảm hội nhập quốc tế;

Từng bước tích hợp các chính sách trợ cấp xã hội để ngành LĐ-TB&XH chủ trì, quản lý Nhà nước; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các dự án Luật: Trợ giúp xã hội, An sinh xã hội, Công tác xã hội.

Cùng với đó, hoàn thiện chính sách, phát triển dịch vụ trợ giúp khẩn cấp; Khuyến khích các tổ chức cá nhân, gia đình, cộng đồng tham gia; lồng ghép trợ giúp khẩn cấp với các đề án, chương trình, chính sách lien quan ở các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lụt, tác động biến đổi khí hậu có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Về công tác quản lý Nhà nước, thống nhất một cơ quan quản lý Nhà nước về trợ giúp xã hội; cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong quản lý, giải quyết, chi trả trợ giúp xã hội; nâng cao năng lực nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội;

Cùng với đó, quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội theo mục tiêu của Đề án, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tùng vùng, địa phương; Huy động, sử dụng nguồn lực trợ giúp xã hội; Đẩy mạnh nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế; Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc hỗ trợ kinh nghiệm, nguồn lực để triển khai các hoạt động của Đề án.

Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ ngân sách Nhà nước theo phân cấp hiện hành và huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Hàng năm, căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, cán bộ, ngành trung ương và địa phương xây dựng dự toán ngân sách gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; Lồng ghép với dự án phát triển trợ giúp xã hội đối với đối tượng yếu thế thuộc Chương trình mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016- 2020 và các chương trình, Đề án về trợ giúp xã hội khác.

Đề án cũng nêu rõ, phần kinh phí tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, cộng tác viên, gia đình đối tượng; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp cơ sở trợ giúp xã hội và các mô hình được thực hiện lồng ghép với các chương trình, Đề án: Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng, trợ giúp phục hồi chức năng cho người tâm thần, phát triển nghề công tác xã hội đến năm 2020. Từ năm 2021, các nội dung này được bố trí dự toán từ ngân sách nhà nước theo Đề án này.

Và nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện Đề án theo định hướng chung của Nhà nước.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh