10 Sự kiện nổi bật về giáo dục nghề nghiệp năm 2019
- Giáo dục nghề nghiệp
- 14:23 - 08/01/2020
1. Thể chế, chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được hoàn thiện (Luật giáo dục sửa đổi, Bộ Luật lao động sửa đổi được thông qua).
Trong năm 2019, nhiều chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang, cơ chế cho đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nổi bật là một số chính sách, quy định được cụ thể hóa trong Luật giáo dục (sửa đổi) và Bộ Luật lao động (sửa đổi):
1.1. Luật Giáo dục (sửa đổi)
Ngày 14/6/2019, Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV với những nội dung mới quy định về giáo dục nghề nghiệp như sau: Quy định rõ thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Xác định rõ cơ chế phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp; Xác định rõ cơ chế liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam; Quy định rõ chức năng đào tạo văn hóa trung học phổ thông trong các trường cao đẳng, trường trung cấp;.....
1.2. Bộ Luật lao động (sửa đổi)
Ngày 20/11/2019, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi. Về giáo dục nghề nghiệp, Bộ Luật lao động sửa đổi đã quy định cụ thể về các nội dung: Doanh nghiệp, người sử dụng lao động được phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định; ....
2. Tổ chức thành công Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” - Skilling up Việt Nam; Hội thảo quốc gia VEC 2019 - “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”.
Hội thảo quốc gia VEC 2019 được Ủy Ban Văn hóa – Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức vào ngày 20/9/2019, với chủ đề Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế.
3. Lần đầu tiên Việt Nam dành huy chương Bạc tại Kỳ thi tay nghề thế giới.
Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 năm 2019 được tổ chức từ ngày 16/8/2019 đến 28/8/2019 tại KaZan Liên Bang Nga. Kỳ thi năm nay có quy mô tổ chức lớn nhất từ trước đến nay với số lượng nghề thi chính thức là 56 nghề đến từ 63 quốc gia, vùng lãnh thổ của Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới; số thí sinh đăng ký dự thi là 1355 thí sinh. Ngoài 56 nghề thi chính thức, kỳ thi năm nay có 12 nghề được tổ chức cho các em ở tuổi thanh thiếu niên từ 15 – 17 tuổi; 15 nghề tổ chức giới thiệu kỹ năng tương lai và 09 nghề trình diễn. Về kết quả kỳ thi, đoàn Việt Nam dành 01 huy chương bạc, 8 chứng chỉ nghề xuất sắc.
4. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp tăng 13 bậc theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Với những nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2019, năm bản lề để hoàn tất các mục tiêu của chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020, chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã được khẳng định, thể hiện rõ nét vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Chất lượng đào tạo nghề nghiệp Việt Nam năm 2019 tăng tới 13 bậc. Việt Nam là nước tăng cao nhất trong khu vực ASEAN.
5. Truyền thông giáo dục nghề nghiệp lan tỏa tích cực, thu hút ngày càng nhiều người học và sự quan tâm của doanh nghiệp, của xã hội; ứng dụng CNTT trong quản lý và kết nối doanh nghiệp được tăng cường.
Truyền thông giáo dục nghề nghiệp năm 2019 đã bám sát các hoạt động, sự kiến lớn của ngành giáo dục nghề nghiệp, đa dạng các nội dung, phương thức truyền thông nhằm truyền tải kịp thời hình ảnh về giáo dục nghề nghiệp tới doanh nghiệp, người dân và xã hội.
Trong năm 2019, Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kết nối doanh nghiệp được đẩy mạnh và đạt được một số kết quả quan trọng. Trang thông tin tra cứu văn bằng giáo dục nghề nghiệp và Trang thông tin kết nối doanh nghiệp được xây dựng và triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong việc tra cứu văn bằng và thông tin kết nối giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Với cơ sở dữ liệu sẽ được cập nhật thường xuyên từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hai trang thông tin này sẽ trở thành kênh thông tin quan trọng, giúp học sinh, phụ huynh, người dân và doanh nghiệp cập nhật kết nối tốt với hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Trang thông tin tuyển sinh và Ứng dụng Chọn nghề trên thiết bị di động được nâng cấp, cho phép người học có thể đăng ký trực tuyến, trực tiếp vào học giáo dục nghề nghiệp cùng với việc bổ sung các thông tin hướng nghiệp cụ thể hơn tới người xem thông qua các video, clip, hình ảnh, tin bài,...từ đó giúp phụ huynh, học sinh nắm được bức tranh tổng thể về giáo dục nghề nghiệp.
6. Nhiều hoạt động tôn vinh người dạy, người học và các doanh nghiệp đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
7. Thu hút nhiều doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp được coi là một trong các giải pháp trọng tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trong năm 2019, hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, giáo dục nghề nghiệp thu hút được nhiều doanh nghiệp cùng đồng hành giải quyết bài toán nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tạo dựng việc làm bền vững và nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
. Cùng với đó là sự ban hành Thông tư số 12/2019/TT-BLĐTBXH ngày 12/08/2019 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về việc Hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp. Lần đầu tiên, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được xếp lương theo chức danh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, điều này góp phần giải quyết bài toán về chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, giúp nhà giáo ổn định cuộc sống an tâm công hiến cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
8. Tổ chức thành công Hội thi thiết bị tự làm, Hội diễn văn nghệ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc; Hoạt động khởi nghiệp được triển khai tích cực.
Hội thi thiết bị đào tạo tự làm lần thứ 6, năm 2019 diễn ra từ ngày 8 đến ngày 12/9/2019 tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Có 58 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia Hội thi, với 396 thiết bị của 216 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hội thi đã lựa chọn 30 thiết bị đạt giải Nhất (thuộc 4 nhóm ngành nghề: công nghệ thông tin; kỹ thuật điện, điện tử, viễn thông; công nghệ kỹ thuật cơ khí; nghề tổng hợp), 45 thiết bị đạt giải Nhì, 75 thiết bị đạt giải Ba. Về giải toàn đoàn: Đoàn Hà Nội đạt giải nhất; các Đoàn: Tp Hồ Chí Minh, Vĩnh phúc đạt giải Nhì; các Đoàn: Hải Phòng; Nghệ An; Bắc Ninh; Đồng Nai; Cần Thơ; Thanh Hóa. Điểm nổi bật là nhiều thiết bị tham dự Hội thi được đánh giá đạt tiêu chuẩn của một "sản phẩm" theo đúng nghĩa sản phẩm thương mại có thể sản xuất đại trà và bán ra thị trường.
Hội diễn văn nghệ các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2019 được tổ chức chuyên nghiệp, chi làm văn nghệ chuyên và không chuyên với gần 140 tiết mục đặc sắc đã cống hiến cho người xem nhiều tiết mục công phu, sáng tạo thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, con người, lãnh tụ, tình yêu nghề, yêu thầy cô, bạn bè. Hà Nội đã xuất sắc giành giải Nhất toàn đoàn. Hà Tĩnh và Thái Nguyên cùng nhau giành giải Nhì. 5 giải Ba đã được trao cho các đoàn Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nghệ An, Quảng Ninh. Điểm nổi bật của Hội diễn là ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai và tổ chức và các tiết mục tham gia Hội thi được Live Stream và được bình chọn trực tuyến trên mạng xã hội.
Trong năm 2019, hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp được triển khai tích cực dưới nhiều hình thức đa dạng và thu hút cộng đồng doanh nghiệp tham gia hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, cụ thể: ban hành Quyết định số 929/QĐ-LĐTBXH ngày 28/6/2019 phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Quyết định số 959/QĐ-LĐTBXH ngày 5/7/2019 phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” năm 2019. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ký kết hợp tác với nhiều Hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Hiệp hội Phần mềm và phát triển công nghệ thông tin (VINASA); Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Trung Nguyên Legend, Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty Cổ phần Eurowindow, Công ty Cổ phần Mắt bão BPO, Alphanam Group, TTC Group, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, Công ty cổ phần đầu tư BVG tích cực triển khai hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động giao lưu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp với các diễn giả, doanh nghiệp và tặng sách khởi nghiệp cho hơn 1000 học sinh, sinh viên tham gia tại Hà Nội và Đồng Nai được tổ chức; Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Ngày hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc.
9. Triển khai thành công chương trình đào tạo chất lượng cao với 12 chương trình đào tạo chuyển giao từ Úc.
Tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới là một trong nhiều nội dung góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Chương trình đào tạo thí điểm theo 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc là chương trình chất lượng cao đầu tiên ở Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Sinh viên sau tốt nghiệp được cấp 2 bằng của Việt Nam và của Úc và có đủ năng lực làm việc tại các doanh nghiệp FDI, hoặc tham gia vào các chương trình xuất khẩu lao động kỹ sư hoặc liên thông lên đại học ở nước ngoài. Để triển khai Kế hoạch tổ chức đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 12 nghề trọng điểm quốc tế chuyển giao từ Úc theo Quyết định số 1809/QĐ-BLĐTBXH ngày 09/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 3 năm (2015 đến 2018), công tác chuẩn bị đã được hoàn tất để đảm bảo công tác đào tạo chất lượng cao 12 nghề chuyển giao từ Úc được thành công với 318 giáo viên giảng dạy chuyên môn 12 nghề của 25 trường tại 41 lớp được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại Úc về chuyên môn, nghiệp vụ đạt tiêu chuẩn của Úc. Công tác kiểm định chất lượng được Học viện Chisholm tổ chức thực hiện 2 đợt kiểm định điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo các tiêu chuẩn của Học viện Chisholm và Chính phủ Úc. Tổng số sinh viên theo học tại chương trình đào tạo thí điểm là 731 sinh viên. Số sinh viên đạt chứng chỉ B1 là 707/731 đã hoàn thành kết thúc trong tháng 12/2019. Dự kiến công tác tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng giai đoạn tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 01/2020.
10. Hợp tác quốc tế trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp đi vào chiều sâu với nhiều đối tác uy tín.
Hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp năm 2019 được thể hiện qua nhiều nội dung hợp tác quan trọng với các đối tác quốc tế có uy tín: Trong 03 ngày từ 23 đến 26/9/2019, Đoàn công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc với Bộ Lao động và Việc làm Cộng hòa Liên bang Đức. Trong chuyến thăm, phía Việt Nam đề nghị Chính phủ Đức hỗ trợ và chuyển giao giáo trình dạy nghề và công nhận chứng chỉ để tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; ngày 01/7/2019, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản, trước sự chứng kiến của Chính phủ hai nước, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và tổ chức KOSEN ký thỏa thuận hợp tác tiếp tục triển khai các hoạt động tiến tới triển khai mô hình đào tạo KOSEN tại Việt Nam; Tiếp tục triển khai các nội dung trong thỏa thuận hợp tác MOU giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Australia về giáo dục nghề nghiệp, năm 2019, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Úc, lần đầu tiên tại Việt Nam thành lập thí điểm Hội đồng kỹ năng nghề đối với hai lĩnh vực: Nhà hàng –khách sạn; nông nghiệp; Dự án “Chương trình Kỹ năng và Kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện” của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đầu tư và nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo cho 16 trường, gồm 14 trường cao đẳng chất lượng cao và 02 trường đại học sư phạm kỹ thuật thông qua đầu tư đồng bộ trang thiết bị đào tạo, tăng cường sự tham gia các đối tượng yếu thế và cộng đồng vào giáo dục nghề nghiệp; Từ 26-28/3/2019, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Việt Nam – Lào lần thứ 6 tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn, hai bên đã nhất trí tăng cường mối quan hệ hợp tác về phát triển nguồn nhân lực.