10 năm Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm
- Văn hóa - Giải trí
- 19:13 - 24/11/2023
Hành trình một thập kỷ
Ra đời từ khoảng cuối năm 2013, Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm mang sứ mệnh giới thiệu đến độc giả Việt Nam những tác phẩm kinh điển của tâm lý học giáo dục thế giới. Dù đây là nhiệm vụ không hề đơn giản, nhưng giàu ý nghĩa nên nhóm dịch giả gồm cố nhà giáo Phạm Toàn, dịch giả Hoàng Hưng, dịch giả Hiếu Tân, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, dịch giả Dương Tường cùng các đồng nghiệp thuộc thế hệ kế cận đã và vẫn đang dấn thân cống hiến.
Theo Bà Phạm Thị Bích Hồng, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri Thức- đơn vị đồng hành & kết nối các tác phẩm với độc giả, thì 10 cuốn sách thuộc Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm đã góp phần đáng kể làm nên tên tuổi của Nhà xuất bản ngày hôm nay. Đó là những cuốn sách nền tảng chứa đựng triết lý và thực nghiệm từ những nhà tâm lý giáo dục tên tuổi như: Jean Piaget, Howard Gardner, Colette Gray, Jerome Bruner v.v. và gần đây là Mike Gershon.
Dịch giả Hoàng Hưng, phụ trách Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm đã chia sẻ với khán giả về những ngày đầu khi nhà giáo Phạm Toàn mời ông tham gia dự án. Hồi tưởng lại, ông không quên ấn tượng về một dự án có chiều sâu nhưng cũng kèm theo những thách thức lớn lao khi chuyển ngữ và phổ biến đến công chúng.
Trong hội thảo kỷ niệm 10 năm, 10 tác phẩm thuộc Tủ sách Tâm lý giáo dục Cánh Buồm được điểm lại gồm:
1. Sự ra đời trí khôn ở trẻ em - Jean Piaget (Hoàng Hưng dịch).
2. Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em - Jean Piaget (Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Hưng dịch).
3. Sự xây dựng cái thực ở trẻ - Jean Piaget (Hoàng Hưng dịch).
4. Cơ cấu trí khôn - Howard Gardner (Phạm Toàn dịch).
5. Trí khôn phi học đường - Howard Gardner (Phạm Anh Tuấn dịch).
6. Trí khôn sáng tạo - Howard Gardner (Hoàng Hưng dịch)
7. Chân, Thiện, Mỹ trong tầm nhìn đương đại - Howard Gardner (Hiếu Tân dịch).
8. Các lý thuyết về học tập cho tuổi thơ- Colette Gray, Sean McBlain (Hiếu Tân dịch).
9. Những thế giới trong tâm trí- Jerome Bruner (Hoàng Hưng dịch).
10. Sổ tay dịch thuật Tâm lý học - Hoàng Hưng chủ biên.
Tác phẩm thứ 11 gia nhập tủ sách trong buổi Hội thảo lần này là: “Luyện trí năng cho học sinh” của Mike Gershon (Nguyễn Thị Phương, Lê Hà Mai Trang dịch). Cuốn sách là bước chuyển từ giới thiệu các tri thức lý thuyết nền tảng sang những phương pháp sư phạm cụ thể trong hoạt động giảng dạy.
Về sách “Luyện trí năng cho học sinh”
Cuốn sách “Luyện trí năng cho học sinh” là tài liệu tham khảo bổ ích cho giáo viên tất cả các cấp và tất cả các bộ môn trong tinh thần đổi mới giáo dục toàn diện, triệt để hiện nay.
Tinh thần cốt lõi của cuộc đổi mới giáo dục là: chú trọng luyện phương pháp tự kiến tạo kiến thức (chủ động) cho học sinh chứ không nặng về truyền thụ kiến thức (bị động). Phương pháp tự kiến tạo kiến thức phải dựa trên năng lực tư duy.
Các trình độ tư duy căn bản cần rèn luyện cho học sinh đã được nhà tâm lý học người Mỹ Benjamin S. Bloom (1913-1999), vạch ra: biết, hiểu, áp dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá.
“Luyện trí năng cho học sinh” đưa ra những gợi ý rất cụ thể và mang tính hệ thống về những kỹ thuật luyện năng lực tư duy (tức trí năng) cho học sinh theo từng trình độ trong mỗi bài học trên lớp. Đặc biệt là hệ thống câu hỏi rất phong phú để kích thích và hướng dẫn học sinh suy nghĩ để tự mình đạt được những mục tiêu của bài học.
Buổi Hội thảo khép lại với phần giao lưu chia sẻ từ khán giả và lời nhắn nhủ từ dịch giả Hoàng Hưng đến các độc giả trẻ tuổi. Hiện nay, dòng sách tâm lý chạy theo thị trường, bị thương mại hóa đang trở nên tràn lan. Nếu lạm dụng các sách “mì ăn liền” này, bạn đọc có thể sẽ khó hiểu được bản chất của vấn đề, từ đó tư duy bị giới hạn, chỉ thấy ngọn mà không thấy gốc. Trong tâm lý giáo dục, chỉ biết làm theo các “mẹo vặt” thì sẽ không mang tới kết quả bền vững cho hoạt động giáo dục và tự giáo dục bản thân.