THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:48

Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp: Hỗ trợ lao động tìm việc làm, ổn định cuộc sống

Kênh chính sách hỗ trợ lao động mất việc gặp khó khăn

Ngày 16/11/2013, Luật Việc làm được Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015, trong đó quy định về chính sách bảo hiểm thất nghiệp được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội với một số điểm mới như sau: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; quy định rõ 5 chế độ bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; trợ cấp thất nghiệp (chế độ trợ cấp thất nghiệp chỉ là 1 trong 5 chế độ của chính sách bảo hiểm thất nghiệp) và bảo hiểm y tế; bỏ quy định hưởng trợ cấp một lần để bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho những lần hưởng tiếp theo; giảm thủ tục hành chính như: Bỏ đăng ký thất nghiệp và bỏ thủ tục xác nhận về việc chưa đăng ký thất nghiệp để người lao động có thể nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp ở bất kỳ trung tâm dịch vụ việc làm nào nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp, bổ sung các trường hợp được miễn không phải thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng.

 

Nguyên Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân; Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thăm Sàn GDVL TP. Hải Phòng tháng 6/2011.

Nguyên Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân; Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thăm Sàn GDVL TP. Hải Phòng tháng 6/2011.

 

Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Trung tâm dịch vụ việc làm) được giao nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp: tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; trợ cấp thất nghiệp và để thực hiện được các chế độ này thì các trung tâm dịch vụ việc làm phải đẩy mạnh thông tin thị trường lao động và các hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm; Cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện thu -  chi và quản lý Qũy bảo hiểm thất nghiệp. Kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp như sau:

Về tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp: Số lượng người tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp năm sau đều cao hơn năm trước và đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tính đến hết năm 2017 có gần 12 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, gần gấp đôi so với số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp năm 2009. Tổng số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009 đến nay là trên 81 nghìn tỷ đồng.

Về hưởng trợ cấp thất nghiệp: Tổng số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp tính từ 01/01/2010 đến 31/12/2017 là 3.651.802 người, trong đó, tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3.599.659 người, chiếm 95,8% tổng số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Về công tác tư vấn, giới thiệu việc làm: Trung tâm dịch vụ việc làm đã xác định đây là công việc trọng tâm và cần đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm để hỗ trợ người thất nghiệp. Theo báo cáo tổng hợp hằng năm, số lượng người thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm tăng qua các năm, tính đến hết năm 2017, tổng số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 3.988.712 lượt người, trong đó số người được giới thiệu việc làm là 742.225 lượt người, chiếm 20,32% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Về công tác hỗ trợ học nghề cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp: Theo các Trung tâm dịch vụ việc làm, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Công tác hỗ trợ học nghề đã có những chuyển biến tích cực sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg, tổng số người được hỗ trợ học nghề tính đến ngày 31/12/2017 là: 122.986 người, chiếm 3,4% số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Những ngành nghề người lao động đăng ký học là tin học văn phòng, các nghề về ẩm thực và thẩm mỹ, sửa chữa, lắp ráp máy vi tính, điện dân dụng, điện công nghiệp, thiết kế quảng cáo, lái xe,.. Một số địa phương có số người được hỗ trợ học nghề cao như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương.

Về chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp: Chi chế độ trợ cấp thất nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao so với chi hỗ trợ học nghề và chi đóng bảo hiểm y tế cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổng số tiền chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp là 30.837 tỷ đồng, trong đó, số tiền chi cho trợ cấp thất nghiệp là 28.137 tỷ đồng chiếm 91,2% tổng số tiền chi các chế độ.

Ưu thế của bảo hiểm thất nghiệp

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chính sách mới, sớm đi vào cuộc sống, thể hiện theo quan điểm của Đảng, Nhà nước và được dư luận xã hội và quốc tế đánh giá cao, cụ thể như sau:

(1) Hệ thống văn bản hướng dẫn bảo hiểm thất nghiệp đã tương đối hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức, thực hiện.

(2) Phù hợp với thông lệ quốc tế và kinh nghiệm của các nước đã thực hiện thành công chính sách bảo hiểm việc làm/bảo hiểm thất nghiệp.

(3) Công tác triển khai được thực hiện đồng bộ, kịp thời và có sự phối hợp tốt giữa các ngành LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tài chính, Nội vụ và các tổ chức đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động,... trong việc tập huấn, đào tạo cán bộ, hướng dẫn thực hiện, chia sẻ thông tin, giải quyết các vướng mắc trong thực tế phát sinh.

(4) Thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra chuyên đề về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, trong đó có lồng ghép nội dung kiểm tra thực hiện các quy định của chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhằm hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời hỗ trợ các địa phương.

Ngoài trợ cấp thất nghiệp, theo Luật Việc làm, người lao động còn được hưởng chế độ BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ chi phí học nghề, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.

Vẫn còn những doanh nghiệp thiếu tôn trọng quyền lợi của người lao động
Tuy vậy, qua thực hiện chính sách BHTN vẫn còn một số khó khăn nhất định. Đó là, nhiều người sử dụng lao động, người lao động chưa hiểu rõ về chính sách BHTN, nên chưa thực hiện đúng quy định, dẫn đến thiệt thòi khi chẳng may mất việc làm. Tình trạng nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động chưa được khắc phục triệt để. Nhiều doanh nghiệp nợ với số tiền lớn trong thời gian dài dẫn đến việc xác nhận sổ (chốt sổ) BHXH chậm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Việc phối hợp giữa các ngành hữu quan trong việc giải quyết, quản lý người hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa đồng bộ, hạn chế như sau:

(1) Chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung vào việc hỗ trợ người lao động sau khi bị thất nghiệp, mà chưa có nhiều biện pháp chủ động để hỗ trợ người lao động nhằm duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp. Vì vậy, quỹ bảo hiểm thất nghiệp hiện nay chi cho chế độ trợ cấp thất nghiệp là chính nên kết dư quỹ là rất lớn.

 (2) Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm so với lực lượng lao động chiếm tỷ lệ chưa cao.

(3) Một số người lao động và người sử dụng lao động chưa nhận thức rõ về quyền và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Tâm lý người lao động chủ yếu muốn nhận trợ cấp thất nghiệp mà không quan tâm đến các chế độ khác như: Tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Một số người lao động còn chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc khai báo tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.

(4) Công tác quản lý lao động ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý lao động nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động, các doanh nghiệp phần lớn chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động theo quy định.

(5) Tình trạng nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp là khá lớn. Tính đến năm 2017 số nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp là 242,827 tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động, ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Về các giải pháp thực hiện trong thời gian tới:

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và các văn bản có liên quan theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, bổ sung các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm thất nghiệp...

Thứ hai, tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú và phù hợp để nâng cao hơn nữa nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, ban ngành trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp nhằm rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp (thực hiện giao dịch điện tử trong tham gia và giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp; quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp; chia sẻ dữ liệu thu – chi và giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp).

 

Mức đóng BHTN hiện nay là: người lao động đóng BHTN bằng 1% tiền lương tháng, doanh nghiệp đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN và Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (trừ các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng); Đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động; Đang trong tình trạng thất nghiệp, không có việc làm và đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian đóng...

 

 

 

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh