THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:57

Bảo hiểm thất nghiệp: Chính sách đã đi vào cuộc sống

Năm 2017: Số người hưởng TCTN tăng 14,6%
Theo báo cáo của Cục Việt làm, trong năm 2017 các Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) tiếp nhận 680.310 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), tăng  14,8% so với năm 2016 (592.440 người). Trong đó, Đông Nam Bộ là vùng có số người nộp hồ sơ lớn nhất với 300.106 người, chiếm 44,1% trên cả nước; vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có số người nộp hồ sơ lớn thứ hai với 113.233 người, chiếm 16,6%; vùng Đồng bằng Sông Hồng có số người nộp hồ sơ lớn thứ ba với 110.449 người, chiếm 16,2%.
Trong những địa phương có số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN tăng, có những địa phương dẫn đầu về số nộp hồ sơ trong nhiều năm là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội (4 địa phương có 306.398 người đến nộp hồ sơ, chiếm tới 45,0% số người nộp hồ sơ trong cả nước). 
Những địa phương có số người nộp hồ sơ thấp tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên như: Điện Biên; Lai Châu; Hà Giang; Bắc Kạn; Sơn La; Lào Cai; Cao Bằng; Kon Tum. Đây là những vùng mà điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nơi tập trung rất ít khu công nghiệp, các doanh nghiệp và lao động hoạt động chủ yếu trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp. Cùng với đó là sự khó khăn về điều kiện địa lý, khí hậu... đã cản trở không nhỏ đến việc tham gia cũng như nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN của NLĐ.
Tổng số người có quyết định hưởng TCTN năm 2017 là 671.789 người, tăng 14,6% so với năm 2016 (586.254 người) và chiếm 98,7% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN. Trong đó, tỷ lệ lao động có quyết định hưởng TCTN dưới 24 tuổi là: 14,9%; từ 24-40 tuổi là: 68,1%; trên 40 tuổi là: 17,0%. Tỷ lệ lao động nữ có quyết định hưởng TCTN chiếm 56,1%. Con số trên cho thấy, NLĐ ở độ tuổi 24-40 hưởng TCTN chiếm tỷ lệ cao, đây là nhóm lao động đã có kinh nghiệm làm việc, có sức khỏe, năng động. Do đó, xu hướng chuyển đổi công việc của nhóm này cao hơn các nhóm khác, dẫn tới tỷ lệ hưởng TCTN của nhóm tuổi này cao hơn các nhóm tuổi khác. Lao động nữ mất việc làm nhiều hơn lao động nam, chủ yếu ở nhóm tuổi 24-40 tuổi do phải đối mặt với nhiều rào cản trên thị trường lao động- việc làm như: Tồn tại sự phân biệt đối xử giữa lao động nữ và nam; Hạn chế trong lựa chọn công việc (một số lĩnh vực lao động nữ không thể tham gia)… 
Cũng trong năm 2017, tổng số tiền chi trả TCTN hàng tháng cho NLĐ tính theo quyết định TCTN  là 8.910,08 tỷ đồng. 
 

Người lao động đăng ký hưởng TCTN tại Sàn giao dịch việc làm Thái Nguyên đầu năm 2018

 

Đa đa dạng hóa phương thức tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ
Trong năm 2017 có 1.113.933 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm (TVGTVL), bằng 163,7% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, tỷ lệ này tăng 10 % so với năm 2016. 
Theo đánh giá của Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm, hiện nay các TTDVVL sử dụng các phương pháp tư vấn trực tiếp với NLĐ đến giao dịch. Tại những TTDVVL có nhiều NLĐ đến giao dịch trong một thời điểm thường sử dụng phương pháp tư vấn tập thể. Ngoài ra, một số TTDVVL đã sử dụng phương pháp tư vấn trực tuyến qua mạng Internet, thư điện tử, mạng xã hội, các công cụ giao tiếp trên mạng máy tính (Yahoo, Skype, Facebook…), tổng đài tư vấn (Hà Nội, Cần Thơ…). Nguồn dữ liệu việc làm được TTDVVL lấy từ các công ty đến tuyển dụng tại Trung tâm, sàn giao dịch việc làm, dữ liệu trực tuyến thống kê và lập danh sách, đồng thời lập bảng công ty để giới thiệu đến NLĐ. Một số Trung tâm tổ chức phiên giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm online đối với NLĐ hưởng TCTN (Hà Nội, Hải Dương, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang, Điện Biên…).
Tuy nhiên, công tác TVGTVL đối với NLĐ còn một số hạn chế như kỹ năng tư vấn, GTVL của cán bộ TTDVVL chưa đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của NLĐ khi họ có nhu cầu quay trở lại thị trường lao động. Số lượng cán bộ chưa đủ để tổ chức tư vấn việc làm, tư vấn học nghề trực tiếp cho từng người thất nghiệp, do đó chưa nắm bắt hết được nhu cầu việc làm và học nghề của NLĐ....
Công tác hỗ trợ học nghề đã có những chuyển biến tích cực so với năm 2016. Tuy nhiên, tại nhiều vùng, công tác hỗ trợ học nghề còn yếu như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ. Những ngành nghề NLĐ chủ yếu đăng ký học là: Lái xe, tin học văn phòng, các nghề về ẩm thực và thẩm mỹ, sửa chữa máy vi tính, điện dân dụng, điện công nghiệp, thiết kế quảng cáo, may công nghiệp... Năm 2017, có 34.723 người được hỗ trợ học nghề, bằng 5,2% so với số người có quyết định hưởng TCTN (tỷ lệ này tăng 0,3 so với năm 2016 (4,9%)). Số người có quyết định hỗ trợ học nghề tăng 21,7% so với năm 2016 (28.537 người). Số tiền chi trả hỗ trợ học nghề tính theo quyết định hỗ trợ học nghề là 111,178 tỷ đồng.
Bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục việc làm nhận định, chính sách BHTN đã được người sử dụng lao động và người lao động đón nhận một cách tích cực, được dư luận xã hội đánh giá là một trong những chính sách sớm đi vào cuộc sống. Sau hơn 8 năm thực hiện số người tham gia và số người được thụ hưởng chính sách này ngày càng tăng. Tuy nhiên, chính sách này vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: đối tượng tham gia BHTN chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động; mức hỗ trợ học nghề còn thấp,…; tổ chức thực hiện còn gặp một số khó khăn do công tác quản lý lao động ở nước ta còn nhiều bất cập, nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động; nhận thức của một số người sử dụng lao động còn hạn chế dẫn đến tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHTN…
“Hội nghị tập huấn về chính sách việc làm và BHTN được Cục Việc làm tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý đối với các chính sách về việc làm và bảo hiểm thất nghiệp hiện nay từ đó đánh giá mặt được, mặt hạn chế trong quá trình thực hiện và đề ra các biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới”, bà Lê Kim Dung cho biết. 
 

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh