Yêu thương rộng mở
- Dược liệu
- 23:31 - 28/12/2015
Trong buổi giao lưu kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, một lá thư tay đã được gửi tới đội ngũ y, bác sĩ Khoa Truyền nhiễm. Lá thư với những dòng chữ nắn nót, dài trên 4 trang giấy, chia sẻ về quá trình chống chọi với bệnh tật của người mẹ bị nhiễm HIV trong nỗ lực giành giật sự sống cho con. Bức thư được gửi kèm theo tấm ảnh về cuộc sống hiện tại của một cô bé bị nhiễm H từ mẹ.
Bác sĩ đang thăm khám sức khỏe định kỳ cho các bé bị nhiễm H
Nhìn thiếu nữ trong ảnh xinh đẹp, khỏe mạnh, không ai nghĩ, đó là T.T.A., bệnh nhân từng mang trong mình 7 căn bệnh, nằm li bì trong vòng tay mẹ và các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm cách đây 7 năm. “Cuộc sống vốn dĩ rất công bằng với tất cả mọi người. Có thể ai đó còn hoài nghi về điều đó, nhưng với chính số phận mẹ con tôi thì đó là một điều dễ hiểu. Bởi chính tấm lòng yêu thương và vòng tay ấm áp của các bác sĩ đã cho mẹ con tôi được sinh ra lần thứ hai trong đời, cho tôi nghị lực, niềm tin cũng như sự động viên để đứng dậy trong nỗi đau và tiếp tục sống… Con gái tôi vẫn khỏe mạnh nhờ tình yêu thương, quan tâm ấy cũng như nhờ sự tuân thủ tốt quy trình điều trị. Giờ đây cháu đã là một thiếu nữ, học sinh cấp 3 của một trường trung học, duyên dáng bên tà áo trắng tinh khôi, rạng ngời hạnh phúc như bao người bị nhiễm H khác trong suốt thời gian qua…”, mẹ T.T.A. tâm sự.
Chia sẻ về trường hợp của bệnh nhân này, bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết: Lúc mới vào viện, cháu bị 7 căn bệnh: Viêm phổi do vi khuẩn lao, nhiễm khuẩn huyết do nấm, tràn dịch màng tim, tràn dịch màng phổi, viêm não, thoái hóa xương ngón bàn tay. Cháu bị sốt liên tục trong 9 tháng. Đã có lúc, mẹ cháu đã xin đưa cháu về vì mất hết hy vọng, vì những dằn vặt khi truyền sang cho con vi-rút HIV. Tuy nhiên, bằng sự sẻ chia của những người từng bị H, bằng sự kiên trì thuyết phục của đội ngũ y, bác sĩ và nhất là niềm tin về sự cải thiện sức khỏe của cháu, cô bé đã được giữ lại và chăm sóc đặc biệt.
Các bác sĩ phải kết hợp các phác đồ khác nhau để chữa trị chuyên biệt cho từng căn bệnh. Thời gian tiếp xúc dài lâu đã khiến tình cảm của các y, bác sĩ đối với cháu bé gần gũi như trong gia đình. Họ nhẹ nhàng bón cho “con” từng muỗng cháo, nhẫn nại bên “con” khi mẹ em phải làm thêm để vừa kiếm tiền điều trị, vừa duy trì cuộc sống khi chồng mất… Đó là chưa kể đến sự thiếu quan tâm của cộng đồng, xã hội những năm đó, bởi trong nhận thức của mọi người, HIV bị gắn với tệ nạn, với ăn chơi trụy lạc. Chính sự chăm sóc đặc biệt ấy là động lực để hai mẹ con thắp lên những hy vọng qua những đêm đông dài buốt lạnh năm 1998, gắng gượng vươn lên vượt qua vực thẳm của đau khổ và dằn vặt...
Người lớn bị HIV, việc điều trị đã khó khăn và cần sự kiên trì, mạnh mẽ đến bao nhiêu thì với những đứa trẻ mang thứ vi-rút quái ác này, nỗ lực chăm sóc lại càng đòi hỏi yêu cầu cao hơn gấp bội lần. Đa phần các cháu đều phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau, có loại phải uống suốt đời. Việc nhớ và uống đúng giờ, kiên trì là nhiệm vụ chính mà dù bận rộn đến mấy, bố mẹ cũng không thể quên và phải thực hiện liên tục. Do sức đề kháng yếu, khả năng miễn dịch kém hơn nên các em thường mắc thêm một số bệnh nguy hiểm khác như: Lao, nấm, viêm phổi… Tuy nhiên, không phải ai cũng hợp tác và tuân thủ ngay từ buổi đầu nhập viện. Dù đã có đội ngũ tư vấn riêng, được minh chứng bằng những trường hợp khỏe mạnh đang điều trị tại khoa nhưng có những bệnh nhân, cả năm trời mới chịu chấp nhận thực hiện theo phác đồ mà các bác sĩ đưa ra.
Bác sĩ Trần Thái Phong vẫn nhớ như in câu chuyện cách đây 2 năm, khi tư vấn cho gia đình bé T.V.H. ở huyện Diễn Châu. Ngoài sự mặc cảm, tự ti, thái độ bất cần đời vẫn thường thấy, bố của cháu H. còn quát mắng, chửi bới, thậm chí có những lời mạt sát với bác sĩ. Liên tục trong mấy ngày liền, rồi những tháng liên tục, tâm lý gia đình vẫn chưa ổn định và không chịu cho cháu uống thuốc điều trị trong khi cơ thể cháu ngày càng suy kiệt.
Bác sĩ phải đến tận gia đình, đưa bố mẹ cháu đi gặp những người cùng cảnh ngộ để chứng minh thì tình hình mới được cải thiện. Sau này, người bố chia sẻ, mọi biểu hiện đó xuất phát từ nỗi đau và sự dằn vặt, của những tự ti, mặc cảm khi hàng ngày, hàng giờ chăm sóc con mà chẳng biết con sẽ sống đến bao giờ và như thế nào, về niềm hối hận của những năm tháng ngập chìm trong ma túy, say trong “nàng tiên nâu” để đứa con trai duy nhất phải rên xiết vì đau đớn, bệnh tật.
Trong những lần trò chuyện với các bé và gia đình tại phòng khám, tôi được gặp, chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh. Mới sáng sớm nhưng cháu N.T. ở huyện Anh Sơn đã cùng mẹ có mặt để nhận thuốc hàng tháng. Mẹ T. chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình và con lại rơi vào hoàn cảnh trớ trêu này. Chồng chị làm xây dựng, chị là công chức, gia đình có hai con trai khỏe mạnh, khôi ngô - một gia đình mẫu mực trong mắt mọi người. Bi kịch cuộc đời xảy ra khi bố cháu T. ốm đau thường xuyên và phát hiện bị nhiễm H sau thời gian làm ăn bên Lào. Vài tháng sau, người đàn ông trụ cột ra đi, “để lại” cho vợ và đứa con trai thứ hai căn bệnh HIV.
Gắng gượng, chèo chống để làm chỗ dựa cho con, mẹ T. vẫn tiếp tục đi làm và chăm sóc hai con đến nay đã 7 năm trời. Tuy nhiên, những thắc mắc của đứa con thơ dại: “Tại sao con phải uống thuốc mà anh thì không? Con có bị bệnh giống bố không?” như vết dao hàng ngày, hàng giờ cứa vào tim gan chị. Có nói cho con biết sự thật không? Bây giờ hay là lúc nào? Con sẽ phản ứng sao đây? Hàng vạn lần, giữa những đêm dài quạnh quẽ, những câu hỏi đó cứ bóp nghẹt trái tim chị, nó khiến chị hoảng sợ gấp bội lần so với thời điểm chị phát hiện mình bị HIV…
Bị bệnh tật bủa vây nhưng ít ra các cháu T. và A. còn có bố mẹ chăm sóc, chở che. Bi kịch hơn, trong nhiều trường hợp, bố mẹ các em, vì căn bệnh quái ác đã ra đi trước khi cho các em biết về căn bệnh thế kỷ đang mang trong người. Trong 504 trẻ nhiễm H và phơi nhiễm đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An thì có tới 16 cháu bị mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống nương nhờ vào ông bà, người thân… Trong căn nhà nhỏ xập xệ ở huyện Đô Lương, bà N.T.N. đau đớn khi kể lại cuộc đời chìm nổi của mình, của con trai và đứa cháu nội tội nghiệp.
Con trai, con dâu bị nhiễm H do “bập” vào ma túy. Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, hai vợ chồng ra đi, để lại đứa con thơ dại. Nhà đã nghèo, việc chăm sóc, điều trị cho bé càng vất vả gấp bội. Tháng nào, hai bà cháu cũng phải chắt bóp ít tiền dắt díu nhau bắt xe xuống TP Vinh. Có khi lấy thuốc rồi lại chẳng thể về vì tiền đã cạn. Bà cháu lại phải đi xin hoặc nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ. Trong lần khám này, khoe với tôi về chiếc áo bộ đội mới được bà mua cho, M. ríu rít nói về ước mơ sau này của mình, về câu chuyện trường lớp ít bạn bè và cả những đau đớn, mệt mỏi khi phải uống thuốc điều trị. Mệt mỏi vì chặng đường xa, M. dựa vào bờ vai gầy yếu của bà nội năm nay đã 70 tuổi, ngủ thiếp đi. “Chẳng biết mình còn sống đến bao giờ để làm chỗ dựa cho nó nữa đây”, bà M. vừa nói vừa nghẹn ngào.
Còn rất nhiều câu chuyện về cuộc chiến giành giật sự sống của những em bé bị nhiễm H mà chúng tôi chưa thể kể. Điều ám ảnh nhất với tôi sau khi thực hiện bài viết này chính là những ánh mắt luôn khao khát yêu thương trên những gương mặt gầy gò, nhỏ thó; những ánh mắt thơ ngây luôn mong mỏi được vui đùa, chạy nhảy, được học bài, được nũng nịu…, nó khiến cho người lớn cứ day dứt, khắc khoải. Và, cả những ánh mắt trìu mến, dịu dàng, cảm thông, hy vọng của đội ngũ y, bác sĩ - những người đang thắp lên ánh sáng niềm tin, nhân văn. Cố lên nhé - những lính chì bé nhỏ, các em không cô đơn!
CÙNG CHUYÊN MỤC
Áp cước bản thảo, tác dụng chữa bệnh của Áp cước bản thảo
Tác dụng Áp cước bản thảo, cách dùng Áp cước bản thảo chữa bệnh, hình ảnh, nơi mua, giá bán cây thuốc nam – vị thuốc quý Áp cước bản thảo
7 tháng trước
Tin nên đọc