Yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động báo cáo lao động về nước
- Bài thuốc hay
- 22:34 - 19/03/2020
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp và cần phải có các biện pháp phòng chống dịch đối với người lao động đi làm việc nước nước ngoài.
Do đó, ngày 18/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc cập nhật thông tin ngay khi lao động trở về nước trên phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu lao động đi làm việc ở nước ngoài tại địa chỉ: csdl.dolab.gov.vn.
Cụ thể, đối với lao động đi làm việc tại Nhật Bản về nước, thực hiện báo cáo tại mục: Hopdong/nhapthongtinvenuoc.
Đối với lao động đi làm việc tại các thị trường khác về nước: Trường hợp lao động xuất cảnh trước năm 2019 về nước thực hiện báo cáo tại mục: baocao/Phuluc11. Lao động xuất cảnh từ 01/01/2019 đến nay về nước, thực hiện báo cáo tại mục: Hopdong/nhapthongtinvenuoc.
Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ xử phạt theo quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện báo cáo lao động về nước.
Cũng liên quan đến lao động đi làm việc nước ngoài, với tình hình gia tăng các ca nhiễm bệnh do vi rút Covid-19, Chính phủ Malaysia đã công bố tình trạng "đóng cửa". Theo đó, từ ngày 18 đến 31/3, Malaysia cấm việc di chuyển và tụ tập đông người; hạn chế người nước ngoài nhập cảnh Malaysia (trừ một số trường hợp đặc biệt); đóng cửa trường học, các cơ quan chính phủ và tư nhân (trừ các cơ quan cung cấp các dịch vụ thiết yếu); hạn chế người Malaysia xuất cảnh…
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Malaysia, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ban hành công văn số 544/QLLĐNN-NBĐNA yêu cầu các doanh nghiệp trao đổi với đối tác về kế hoạch xuất cảnh của lao động Việt Nam để đảm bảo lao động nhập cảnh hợp pháp, an toàn, tránh nguy cơ nhiễm dịch. Đặc biệt, doanh nghiệp cần thông tin cho người lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia về các quy định của chính phủ Malaysia, hướng dẫn người lao động các biện pháp phòng ngừa, tránh Covid-19.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dừng ngay việc đưa lao động đi làm việc tại các khu vực có dịch. Bộ sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp không chấp hành.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các cơ quan đại diện lao động tại các vùng dịch cũng cần có các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người lao động (kể cả lao động bất hợp pháp) chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của các nước sở tại trong trường hợp bị nhiễm hoặc nghi nhiễm dịch Covid-19 hoặc đến từ các vùng khác.
Đối với những lao động về nước từ vùng dịch do hết thời hạn hợp đồng, về trước thời hạn hợp đồng và những trường hợp cá biệt khác, Bộ trưởng yêu cầu thực hiện việc tiếp nhận và cách ly y tế và giám sát theo đúng quy định của Bộ Y tế. Cục Quản lý lao động ngoài nước có trách nhiệm đề xuất cấp thẩm quyền có phương án chỉ đạo và ứng phó kịp thời khi tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp, nhất là khu vực tâm dịch.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh việc tuyên truyền ứng dụng "Kết nối người lao động đang làm việc ở nước ngoài" (COLAB SOS) của Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu có những bài viết chuyên sâu, thông tin, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng lao động Việt Nam ở nước ngoài và người dân để khuyến khích sử dụng ứng dụng một cách có hiệu quả.
Đồng thời, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước có trách nhiệm tuyên truyền, động viên, khuyến khích người lao động yên tâm làm việc, hạn chế đi lại, không đến các vùng có dịch và không rời khỏi quốc gia, vùng lãnh thổ đó khi không cần thiết nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.