Yên Bái: “Ngân hàng cần cho vay đủ vốn đi xuất khẩu lao động”
- Bài thuốc hay
- 15:25 - 16/02/2015
Ông Hoàng Đức Vượng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái cho biết: Tỉnh có hai huyện vùng cao đặc biệt khó khăn là Mù Cang Chải và Trạm Tấu, 90% dân số là dân tộc Mông và khoảng 5% là dân tộc Thái.
Khi bước vào thực hiện nghị quyết 30a, cả 2 huyện có điểm xuất phát rất thấp. Tỷ lệ hộ nghèo của Mù Cang Chải là 78%; Trạm Tấu là 75%. Hạ tầng xã hội, điện, đường, trường, trạm chưa được kiên cố hóa.
Tỷ lệ học sinh đến trường chỉ cao ở bậc tiểu học, giảm dần khi lên THCS, THPT, học sinh gái không còn bao nhiêu khi lên 2 bậc học trên. Y tế yếu cả về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ cán bộ.
Nhà ở, vệ sinh môi trường, nước sạch còn nhiều khó khăn.
Qua 5 năm triển khai NQ 30a, nơi đây đã đạt được những thành tựu to lớn. Tỷ lệ hộ nghèo của Mù Cang Chải giảm từ 78% xuống còn 56,55%, (mỗi năm giảm hơn 4%). Trạm Tấu còn 56,27%.
Mỗi năm giảm 4% hộ nghèo. Hạ tầng cơ sở được đầu tư rất cơ bản: 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Đặc biệt có 2 tuyến đường từ Mù Cang Chải đến Nậm Chiến (Sơn La) được kiên cố hóa; từ trung tâm Mù Cang Chải đến xã Chế Tạo dài 25Km được kiên cố hóa; các xã đều có đường liên thôn.
Điện lưới đã đến trung tâm xã; 70% dân số được hưởng điện lưới quốc gia; Trường học, trạm xá cơ bản được quan tâm xây dựng.
Trước khi có Nghị định 49/CP, trước khi có chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh nội trú, bán trú vùng cao thì Tỉnh ủy Yên Bái đã có Nghị quyết xây dựng hệ thống trường nội trú, bán trú tại tất cả các xã, có chính sách hỗ trợ gạo cho các cháu ở trọ, cứ 30 học sinh bố trí 1 cấp dưỡng phục vụ các cháu.
Tặng quà cho trẻ em vùng cao Yên Bái.
Hiện nay đã có gần 100% học sinh 5 tuổi ra lớp, tỷ lệ chuyên cần cao, không bỏ học cuối cấp tiểu học, THCS, THPT, đặc biệt là học sinh gái. Xã nào cũng có học sinh học đại học hệ cử tuyển; giáo viên được xây dựng nhà công vụ ở tập thể.
Cả 2 huyện đều có Trung tâm Dạy nghề, được bố trí đủ cán bộ, có ô tô bán tải để chở thiết bị dạy nghề lưu động...
Tất cả các xã đều đã được mở lớp dạy nghề tại chỗ, nhiều người sau học nghề có việc làm mới. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 30%. Cả 2 huyện đã thành lập Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng.
Kết quả trong hơn 5 năm qua, có trên 300 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài: Malaysia, Libya, Hàn Quốc, Nhật...
Trong thời gian tới, để công tác dạy nghề, XKLĐ được tốt hơn, theo ông Hoàng Đức Vượng, cần sửa đổi Quyết định 1956/QĐ-TTg, tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục nhà xưởng, ký túc xá cho Trung tâm dạy nghề.
Có chính sách thỏa đáng cho người học nghề. Từ khi Quyết định 1956 ra đời có định chế: các Trung tâm Dạy nghề chuyên 30a, nhưng nguồn 30a không đủ bố trí. Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính không có mục đầu tư cho Trung tâm Dạy nghề.
Ngân hàng CSXH cần cho người lao động vay đủ vốn đi xuất khẩu lao động theo yêu cầu của đơn đặt hàng, có chính sách hỗ trợ rủi ro từ những nguyên nhân bất khả kháng như chiến tranh, suy giảm kinh tế mất việc làm không phải do người lao động.
Thời gian vừa qua, nhiều lao động tại Trạm Tấu, Mù Cang Chải tại Lybia do chiến tranh phải về sớm; đi làm việc tại Malaysia bị mất việc do suy giảm kinh tế toàn cầu...
Do vậy, đến nay nhiều lao động vẫn còn mang nợ chưa có hướng giải quyết. Đề nghị mở rộng chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động ở các huyện 30a. Với đặc thù của tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc Mông, trung ương nên hỗ trợ xây dựng cơ sở cai nghiện cộng đồng, cơ sở Methadol.
Vì với hơn 2900 người nghiện toàn tỉnh thì số người nghiện ở Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã chiếm gần 50%. Ngoài ra, Chính phủ cần tăng nguồn vốn 120 tạo việc làm cho người lao động tỉnh Yên Bái, đặc biệt tại 2 huyện 30a.
Đây là những kiến nghị hết sức tâm huyết mà ông Hoàng Đức Vượng, Giám đốc sở đã nêu ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác năm 2015 của ngành LĐ-TB&XH.