THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:30

Ý tưởng nhớn...trò thả mồi của những kẻ cơ hội !

 

Ảnh minh hoạ.

Còn nhớ cách đây mấy năm, có đại biểu Quốc hội đề xuất xây dựng Luật Nhà văn, một số người tán đồng cho rằng, cần một đạo luật cho các nhà văn viết “ngay hàng, thẳng lối”. Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít người cười khẩy, cho việc đề xuất dự án luật trên  là “tối kiến”. Người đề xuất phản biện, ông đi nhiều nước, thấy người ta có luật nhà văn, để dễ quản lý, điều chỉnh, tạo hành lang pháp lý cho những người viết văn hành nghề, nước ta cũng nên có luật nhà văn.

Có lẽ do sự thờ ơ, hay phản đối của nhiều người, cũng như ở nước ta số nhà văn sống được bằng nghề viết đếm trên đầu ngón tay, chưa hình thành một nền văn chương chuyên nghiệp, hơn nữa (đây là yếu tố cực kỳ quan trọng) các nhà văn không dại “mua dây trói mình”,  nên đề xuất về dự án Luật Nhà văn như đá ném ao bèo, tỏm rơi vào quên lãng.

Gần đây có đại biểu Quốc hội đề xuất xây dựng luật về hành chính công. Đề xuất này ngay lập tức được nhiều người tung hô, cho là sáng kiến, rồi đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa tới. Không dừng ở đó, có người còn đi xa hơn, kiến nghị nên tạo cơ hội cho đại biểu Quốc hội làm luật.

Trong cuộc sống có rất nhiều đề xuất, ý tưởng  hợp lý, hợp tình, hợp với sự phát triển của xã hội trong thời hội nhập, thời toàn cầu hóa. Nhưng bi kịch của nó lại ở chỗ nói không đi đôi với làm, lực bất tòng tâm. Cho nên từ ý tưởng tươi tốt, sáng lạn đến hiện thực lại xa lắc xa lơ.

Hiện nay, khi nói đến xây dựng bộ luật, hay đạo luật về hành chính công, rất nhiều người tán đồng, hưởng ứng, cho đó là vấn đề cực kỳ cần thiết phải làm, và phải làm nhanh. Bởi trong hệ thống các cơ quan công quyền, các tệ nạn như quan liêu, cửa quyền, hách dịch,… cùng với năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và cả nhân cách, đạo đức của một bộ phận quan chức, công chức còn quá non kém, bất cập. Do đó phải có luật, để bộ máy công quyền, quản lý vận hành thông suốt. Để thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Nhiều bộ luật, đạo luật cần thiết là vậy. Nhưng ý tưởng lại phi hiện thực là bởi không ít cá nhân, hay nhóm người có thể dễ dàng đề xuất các dự án luật, nhưng  xây dựng một bộ luật, đạo luật lại là câu chuyện khác. Đặc biệt không phải là trò khoe môi, múa mép.

Để làm được một đạo luật hoàn chỉnh, phù hợp với thực tiễn đời sống, trở thành những quy tắc, nguyên tắc chung, cần phải tập hợp hàng vạn, hàng chục vạn dữ liệu, mối quan hệ  trong đời sống -  xã hội, không những thế phải có tính dự báo và dự báo đúng sự phát triển của tất  cả các lĩnh vực. Chỉ nói riêng về lĩnh vực khoa học - công nghệ - lĩnh vực có tác động lớn đến đời sống xã hội hienj đại, một người, hay một nhóm người làm sao thấu hiểu, lường được sự phát triển như vũ bão hiện nay, để đưa vào luật cho chính xác. Rất nhiều dự án luật làm không đúng tiến độ, bao nhiêu đề tài khoa học cấp quốc gia đã được nghiệm thu nằm “đắp chiếu” trong kho minh chứng cho điều trên.

Cuộc sống rất cần những ý tưởng tốt, những đề xuất táo bạo, mới mẻ có lợi cho quốc kế dân sinh. Nhưng xin đừng nhân danh đổi mới, sáng tạo, vì dân, vì nước mà đưa ra những “sáng kiến” phi hiện thực, vô hồn. Những “sáng kiến” kiểu ấy khác gì người hướng dẫn giao thông không đưa người tham gia giao thông đi đúng hướng, đi trên đường thông hè thoáng, mà lại đẩy họ vào bụi rậm. Hay hiện nay một số người sử dụng ý tưởng tốt để chơi trò “nước đục, thả câu”?.

HOÀNG LÊ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh