THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:49

Y tế học đường: Bài toán khó về nhân lực

Tỷ lệ trường có phòng y tế mới đạt hơn 50%

Cách đây hơn 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg ngày 12-7-2006 về tăng cường công tác y tế trường học, trong đó khẳng định rất rõ vai trò của y tế trường học, ngành giáo dục cũng đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc củng cố nhân lực và tăng cường cơ sở vật chất cho công tác y tế học đường.

 Tuy nhiên, có thể thấy, sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 23/2006/CT-TTg, sự chuyển biến về công tác y tế học đường chưa rõ nét. Tỷ lệ trường học có phòng y tế mới đạt hơn 50%, tỷ lệ trường có cán bộ chuyên trách công tác y tế học đường cũng chỉ đạt khoảng 50%. Ngoài ra, cả nước chỉ có khoảng 55% số trường học thực hiện việc quản lý và lưu hồ sơ sức khỏe của học sinh. 

Về nhân lực y tế, tỷ lệ trường học chưa có biên chế nhân viên y tế chiếm khoảng 25% và có sự chênh lệch giữa các địa phương. Quảng Ninh chỉ còn 15% số trường chưa có biên chế nhân viên y tế, trong khi tại Thanh Hóa, tỷ lệ này là gần 90%. 

Tại Nghệ An, trong số 1.570 trường học ở cả 4 cấp của Nghệ An thì có đến 80% nhân viên y tế không đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT, trong đó có tới 648 giáo viên, thư viện viên, thủ quỹ và thậm chí là bảo vệ kiêm nhiệm công việc của nhân viên y tế.

Tại Hà Nội, trong số gần 2.700 trường học, tỷ lệ trường có nhân viên y tế chiếm khoảng 95%. Hơn 40% trong số này có trình độ đạt yêu cầu theo quy định là y sĩ trung cấp. Những đơn vị chưa có nhân viên y tế chủ yếu là trường ngoài công lập. Vì vậy, để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo những trường thành lập mới từ năm 2015 đến nay phải thực hiện việc ký hợp đồng với nhân viên y tế.

Mặc dù biết tầm quan trọng của nhân viên y tế học đường nhưng với các trường thì “cái khó đành bó cái khôn”. Không chỉ thiếu và yếu về nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác y tế trường học cũng chưa thực sự được quan tâm. Dù nhiều trường học có phòng y tế song không phải phòng y tế nào cũng được bảo đảm điều kiện về cơ số thuốc, trang thiết bị.

Trong bối cảnh áp lực về sĩ số học sinh, nhất là tại các khu vực đông dân cư, nhiều trường phải sử dụng thêm phòng chức năng để làm phòng học, tình trạng “một phòng, nhiều chức năng”, trong đó kiêm luôn cả phòng y tế đang trở nên phổ biến. Với xu thế các trường học tiến tới học ngày 2 buổi hay bán trú thì vai trò nhân viên y tế nhà trường đang trở nên ngày càng quan trọng. Việc nhân viên y tế vừa thiếu vừa yếu đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học và mầm non.

Công việc nhiều trong khi đãi ngộ dành cho cán bộ y tế học đường còn rất thấp

 

Điều 18, Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC chỉ rõ, mỗi trường học phải có nhân viên y tế và phòng y tế theo quy định. Đây là điều kiện được cấp kinh phí từ quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại trường học. Tuy nhiên, trên cả nước, tỷ lệ trường có đủ điều kiện này mới đạt 50%. Như vậy, 50% số trường học còn lại học sinh chưa được hưởng quyền lợi theo quy định của Luật Bảo hiểm.

Hà Nội: Đặt mục tiêu 100% trường học có phòng y tế

Bộ GD&ĐT  cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn song công tác chăm sóc sức khỏe học sinh đang dần đi vào nền nếp và có chất lượng. Tỷ lệ trường có hồ sơ quản lý sức khỏe của học sinh đã tăng từ 32% (năm 2010), lên gấp đôi ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh không phải là nhiệm vụ duy nhất của cán bộ y tế trường học Thực tế cuộc sống và nhiệm vụ giáo dục giai đoạn mới đặt ra yêu cầu đối với các nhà trường, cả mầm non và phổ thông, phải quan tâm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, giúp các em có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng chống dịch bệnh và các tệ nạn xã hội. Vì vậy, ngoài sự vững vàng về năng lực thực hành, nhân viên y tế trường học còn phải có kiến thức, phương pháp truyền thông để truyền tải, giáo dục học sinh về những vấn đề khá phức tạp và không dễ đề cập như giới tính, bệnh truyền nhiễm, an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân…

Năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa  ban hành Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT về khung vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó xác định rõ vị trí việc làm của nhân viên y tế trường học. Đây được coi là tín hiệu lạc quan cho lĩnh vực công tác vốn còn yếu từ nhiều năm nay.

Đối với Hà Nội, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, thời gian tới thành phố sẽ đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác y tế trường học cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Yêu cầu bắt buộc với các nhà trường là phải dành kinh phí theo quy định (từ ngân sách chi thường xuyên, trích từ nguồn bảo hiểm) để đầu tư. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên y tế trường học sẽ được quan tâm hơn về chất lượng, nhằm bảo đảm 2 yếu tố cơ bản là tinh thần trách nhiệm và năng lực chuyên môn. Hà Nội cũng sẽ tăng cường giám sát tủ thuốc tại trường học, với yêu cầu, đơn vị nào cũng phải có đủ cơ số thuốc theo quy định; có nhân viên y tế trực hằng ngày. Năm học 2016-2017, Hà Nội đặt mục tiêu 100% trường học có phòng y tế riêng, tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh lớn và ngộ độc thực phẩm trong trường học.

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh