THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 10:46

Y Ban - Người đàn bà phá cách

 

Y Ban nói rằng: Một gia đình có chồng làm điêu khắc, vợ viết văn, “cùng nghệ cả” nên không khí gia đình... hiếm khi bình thường, lúc thăng hoa đến không thể thăng hoa hơn được nữa, đạt tới đỉnh điểm của cảm xúc, khi lại điên loạn, ấm ức khó chế ngự... Nhưng rồi sống lâu với nhau cũng tìm ra bí quyết. Điều đó  người ta thủ thỉ mách bảo nhau suốt đấy, nhưng không phải nhà nào cũng làm được. Đó là khi anh tiến thì em lùi. Khi anh hơn thì em kém. Khi anh nói thì em im... Và ngược lại. Vậy thôi. Vậy là vẫn giữ được một gia đình êm ấm tới bây giờ...

* Nhìn những đứa con, người ta sẽ đoán được ít nhiều sự định hướng của bố mẹ tới chúng. Con gái học kiến trúc sư ở Pháp hẳn là niềm tự hào của chị? 

- Tháng trước hai mẹ con đã gặp nhau trên đất Pháp và rất vui. Con gái tôi đã sống ở Montpelier mấy năm nên có thể coi như “thổ dân” ở đó. Trong mấy năm học cháu đã ngất xỉu hai lần trên lớp vì học và làm thêm quá sức. Học miệt mài và làm cũng thế. Vừa rồi cháu đã hoàn thành thạc sĩ 1 và sang năm là thạc sĩ 2 ngành kiến trúc sư, sau đó tốt nghiệp ra trường.

Nhà văn Y Ban.

Bên con gái, cuộc sống luôn quá tuyệt vời. Nhưng ở đâu trên trái đất này bình yên bây giờ? Ngày thứ hai trên đất Paris, tôi được con gái đưa đi chơi nhà thờ Đức Bà. Khi trở về trên tàu điện ngầm, vừa ngồi xuống bỗng thấy mọi người nháo nhác. Con gái tôi dắt tay mẹ bước thật nhanh ra khỏi đó và giải thích, có kiện hàng bị bỏ lại trên tàu mẹ ạ. Thế là máu nhà báo trỗi dậy, mặc cho thiên hạ tản nhanh, tôi cứ dùng dằng đứng quanh đó để ngóng. Cảnh sát đến rất nhanh sơ tán hành khách đi xa toa có kiện hàng vứt lại. Một đoàn tàu khác được đưa đến để đưa hành khách đoàn tàu bị phong tỏa đi. 10 phút sau đoàn tàu có kiện hàng vứt lại rời khỏi sân ga. 20 phút sau tôi tiếp tục hành trình. Nhưng cảnh sát vẫn liên tục giám sát trên từng toa tàu. Cũng là một cảm nhận hay.

* Còn cậu con giai, có vẻ rất sôi nổi?

- Là giai út, vì tôi sinh cháu lúc tuổi cũng đông đông rồi nên mọi người cứ gọi trêu nó là “ông cụ cố”. Có lần hồi học lớp 8, cháu đòi tôi đưa đi theo tới trường quay Đài Truyền hình Việt Nam. Ở trên sân khấu trường quay tôi vừa nói được dăm câu ba điều thì cháu chỉ thẳng lên phía sân khấu nói với mấy chú ở dưới: “8 năm nữa cháu sẽ đứng ở vị trí này”.  Mấy chú thú vị, phải thế chứ. Chí nam nhi là phải có từ rất sớm, hãy cố bằng và hơn cả mẹ. “Ông cụ cố” nhà tôi bảo “Không, cháu sẽ đứng ở chỗ mấy chú quay phim kia kìa...”. Tức cậu ấy là “người trong chăn”, đã thấy đủ mẹ nó phải vất vả, nhọc nhằn với chữ nghĩa như nào nên cũng chả thiết... Thôi thì tùy ! Mình chỉ định hướng các con đã theo nghề gì thì phải hết lòng với nghề đó mà thôi...

* Làm bạn của con rất thích. Chị có thể hiểu được con mình và qua đó hiểu cả cái lứa ấy nữa, cũng góp được chút vốn cho nghề văn?

- Gia đình tôi sống theo lối dân chủ. Các con phải biết bố mẹ làm những gì để nuôi chúng khôn lớn. Cơm áo không đùa với khách thơ. Nghệ sĩ cũng không thể đùa với việc nuôi dạy con cái. Thời buổi này sểnh ra một chút là con mình sẽ không còn là con của mình nữa. Và quan trọng, mình phải làm mẫu cho các con khá  nhiều. Chúng nó lớn lên và nhìn vào mình cả, có đánh giá, yêu kính học theo hay thương hại, bất mãn... cũng từ chính những cư xử, hành vi của mình mà ra. Chịu khó nói chuyện với các con, các bạn của chúng, mình có được nhiều suy nghĩ, nhiều từ ngữ hay đáo để, chỉ có ở lứa tuổi đó...

* Chị có một căn nhà rất xinh xắn bên cạnh sông, có vườn, có sân, có những bức tượng, tranh đẹp trong nhà cùng giá sách đầy phong cách... Thế đã đủ “vui thú điền viên”?

- Vợ chồng tôi và các con đã cùng nhau chăm chút cho căn nhà của mình sao cho đẹp, tiện nghi và thông thoáng. Hàng ngày tôi đứng trong bếp nấu những món ăn cho chồng, con, khe khẽ hát và nhìn ra khu vườn dọc bờ sông, vẽ ra từ đó bao câu chuyện. Các góc trên dưới, trong ngoài đều được sắp đặt, tính toán tỉ mỉ. Chồng tôi làm điêu khắc mà, nhà sao xấu được. Có điều, cũng phải lựa nhau sắp xếp để cả nhà cùng thấy thoải mái trong tất cả các góc chung. Bạn bè cũng sang bên này sông với chúng tôi nhiều. Ấm áp lắm !

* Rất ít những tác phẩm văn học của chị dựng thành phim. Nhiều nhà viết kịch bản nói chị không đồng ý chuyển thể?

- Vâng. Tôi rất khó tính trong việc chuyển thể thành phim các tác phẩm của mình. Một năm nữa tôi nghỉ hưu, không hàng ngày tới Báo Giáo dục và Thời đại nữa, tôi sẽ ngồi nhà và tập trung viết kịch bản, chuyển thể những câu chuyện mình đã viết thành phim. Dù trước kia tôi đã nghĩ sẽ chẳng bao giờ mình thích động vào địa hạt này.

* Chị là một nhà văn nữ dường như quá có duyên với hai chữ giải thưởng. Hầu như ai cũng đã từng đọc ít nhất 1,2 truyện của chị. Và, họ hay bị ám ảnh bởi các thân phận nhân vật trong những câu chuyện đó?

- Ngay từ đầu "Bức thư gửi mẹ Âu Cơ" đã “trôi” thật ngon lành trong lòng bạn đọc. Từ giải thưởng đó cho tới nhiều cuốn được trao giải khác như Xuân từ chiều, Chuyện một người đàn bà, Người đàn bà ma lực, Miếu hoang... và I am đàn bà. Có giải thưởng tôi nhận, có giải thưởng tôi từ chối. Cái chính là bạn đọc của mình thôi. Tôi hạnh phúc khi gặp ai đó và họ nói chuyện với tôi về những câu chuyện tôi đã viết. Tôi yêu những nhân vật của mình lắm. Mỗi nhân vật mỗi cảnh huống tôi đều để nó ám trong đầu, sắp xếp bày đặt như trong một cuốn phim, nghiền ngẫm, nhuần nhuyễn, tới không thể chịu được nữa mới ngồi vào máy tính cho nó bung hết ra... Dù cho ra khá nhiều đầu sách, nhưng cứ mỗi lần đón một "đứa con" mới là lòng tôi lại như hân hoan, cuồng loạn, lại đến đón “nó” ngay lập tức, dù đường có xa tới đâu hay trời đêm mưa gió ...

* “Cuối cùng thì đàn bà muốn gì” – Cuốn sách gần đây nhất của chị đã đề cập rất nhiều tới các vấn đề gia đình với một loạt những nhân vật rất phá cách và cũng rất nhân văn?

- Trong những câu chuyện của tác phẩm này, nói tôi vẽ ra cũng được, kể lại cũng được, trong đó không ít những hoàn cảnh éo le đau lòng và khó xử giữa những người thân trong gia đình với nhau. Và để giải quyết những sự không bình thường ấy, những con người hiện đại đã có những câu nói, những cư xử thật văn minh và tình nghĩa. Cái ấy mới thật quan trọng và đáng yêu trong cuộc sống vốn luôn ngổn ngang này...

LAN VY/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh